Huyện Nam Trực nằm ở cửa ngõ phía nam thành phố Nam Định; có 2 trục đường huyết mạch của tỉnh là Quốc lộ 21 và tỉnh lộ 490C đi qua địa bàn; 3 tuyến đường bộ huyết mạch của huyện là đường Vàng, đường Trắng, đường Đen chạy song song nối Quốc lộ 21 sang đường 490C; cùng với 2 sông lớn là sông Hồng và sông Đào chảy qua, tạo nên hệ thống giao thông thuỷ, bộ liên hoàn, rất thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế. Huyện Nam Trực được định hướng phát triển thành một trong những trung tâm văn hóa, xã hội, kinh tế của tỉnh; là vùng phát triển đa ngành, trong đó lấy sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại là hướng phát triển ưu tiên. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Nam Trực đã lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt.
Quang cảnh nông thôn mới thị trấn Nam Giang (Nam Trực). |
Theo quy hoạch được phê duyệt, huyện đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 12,1%/năm, giai đoạn 2021-2030 đạt 13,4%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 397 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại lên 93,5%, giảm dần và giữ vững tỷ trọng nông, lâm, thủy sản là 6,5%. Dự báo đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn huyện đạt 25%. Giai đoạn đến năm 2020, huyện có 1 đô thị loại V là thị trấn Nam Giang; đến năm 2030 phát triển thêm 1 đô thị loại V nữa là đô thị Đồng Sơn (trong giai đoạn này 5 xã: Nghĩa An, Hồng Quang, Điền Xá, Nam Mỹ, Nam Toàn sẽ sáp nhập vào thành phố Nam Định); đến năm 2050 sẽ nâng cấp các xã: Nam Hùng, Tân Thịnh, Nam Tiến lên đô thị loại V. Với mục tiêu và những dự báo tỷ lệ đô thị hóa đó, huyện Nam Trực đã chủ động phân định quy hoạch 2 tiểu vùng phát triển không gian là vùng trung tâm huyện và vùng phía nam huyện. Vùng trung tâm huyện lấy thị trấn Nam Giang làm hạt nhân phát triển lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính (Quốc lộ 21 và các trục tỉnh lộ: 485B, 490C; các tuyến đường huyện). Đây là vùng phát triển mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ kết hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa để phát huy tối đa lợi thế “cửa ngõ” thành phố Nam Định, có các cụm công nghiệp: Đồng Côi, Vân Chàng (đã hoạt động) và Tân Thịnh (nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt); khu vực thị trấn Nam Giang và các đô thị Nam Hùng, Tân Thịnh trong tương lai sẽ phát triển mạnh về dịch vụ thương mại và tài chính; khu vực vùng bãi màu mỡ ven sông Hồng của các xã Nam Thắng, Tân Thịnh... phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Không gian phát triển vùng phía nam huyện lấy đô thị Đồng Sơn làm hạt nhân, lan tỏa ra xung quanh thông qua các trục đường chính (các tỉnh lộ 487, 490C và các tuyến đường huyện). Đây là vùng phát triển toàn diện cả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ vì có 2 đô thị mới là Đồng Sơn, Nam Tiến; có nhiều làng nghề truyền thống và vùng sản xuất nông nghiệp gắn với các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất, cơ sở chế biến... Hai tiểu vùng không gian phát triển của huyện kết nối với nhau bởi các trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường huyện. Huyện chủ trương thành lập 3 trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ tại các khu vực: Thị trấn Nam Giang và các xã Tân Thịnh, Nam Tiến quy mô 3ha/điểm. Các trung tâm này có chức năng: phát triển sản xuất công nghiệp (công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp chế biến gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh); thương mại (kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp; chế biến bảo quản nông sản; hệ thống kho bãi tập kết hàng hóa); dịch vụ thị trường và các dịch vụ thiết yếu phục vụ sinh hoạt của nhân dân... Trong sản xuất nông nghiệp, huyện chủ trương phát triển sản xuất toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao thông qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2030 ngành Nông nghiệp của huyện phát triển bền vững trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, có thế mạnh là: cơ khí, dệt may, da giày, công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng; củng cố và phát triển các làng nghề truyền thống hiện có; khôi phục các làng nghề có ưu thế phát triển; tập trung phát triển 4 cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch là: Đồng Côi, Vân Chàng, Nam Thanh, Tân Thịnh với tổng diện tích 121,65ha đã được UBND tỉnh phê duyệt. Về phát triển thương mại, dịch vụ huyện chủ trương phát triển đồng bộ, rộng khắp các địa phương theo các lĩnh vực: dịch vụ tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu... để phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân, hướng tới thị trường trong nước và nước ngoài. Hệ thống hạ tầng giao thông, điện lực, cấp thoát nước, thuỷ lợi… bám sát theo các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch chung của toàn tỉnh. Để phục vụ các vùng kinh tế theo định hướng trên, huyện chú trọng phát triển toàn diện hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy. Về giao thông đường bộ: giai đoạn 2021-2030 mở rộng đường Lê Đức Thọ (Quốc lộ 21) đạt tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, có mặt cắt ngang 6 làn xe cơ giới, nền đường rộng 67m; nâng cấp Quốc lộ 21B và các tuyến tỉnh lộ: 490C, 487, 487B, 485B đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; 7 tuyến đường huyện là Nam Ninh Hải, An Thắng, Bình Sơn, Tiến Thái, Hoa Lợi Hải, Thanh Khê, Mỹ Điền đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng. Về đường thủy, đến năm 2020, các tuyến sông Hồng, sông Đào do Trung ương quản lý đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp I cho tàu tải trọng đến 1.000 tấn lưu thông thuận tiện; các tuyến sông do địa phương quản lý duy trì luồng tuyến cho các tàu tải trọng đến 100 tấn lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Xây dựng cảng sông Nam Định mới tại xã Điền Xá công suất đạt 5 triệu tấn/năm, đủ năng lực nhận tàu tải trọng đến 2.000 tấn ra vào cảng. Giai đoạn 2021-2030 nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh quy mô đường đơn cấp I (khổ rộng 1,435m) và 2 cầu đường sắt trên sông Hồng, sông Đào, trong đó có đoạn qua huyện Nam Trực.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Trực là cơ sở để huyện và các xã, thị trấn cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và dài hơi; hoàn thiện kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng khung có định hướng trên địa bàn huyện. Việc thực hiện nghiêm quy hoạch đảm bảo cho việc phát triển kinh tế đúng hướng với những mũi nhọn: công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp sinh thái hài hòa, bền vững./.
Bài và ảnh: Thành Trung