Hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã tích cực đồng hành, liên kết với nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tạo việc làm và thu nhập trên chính đồng đất quê hương, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới ở các địa phương.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng liên kết của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh). |
Là một trong những doanh nghiệp uy tín và thành công trong sản xuất giống lúa lai, phục vụ gieo trồng của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh, những bước tiến của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh) trong những năm qua luôn gắn với lợi ích của người nông dân. Là doanh nghiệp nông nghiệp mới thành lập năm 2005, mặc dù gặp không ít khó khăn do lĩnh vực sản xuất đầy nguy cơ rủi ro phụ thuộc thiên nhiên, song Công ty đã xác định: Lấy sản xuất nông nghiệp hàng hóa làm nền tảng, tập trung sản xuất, kinh doanh những sản phẩm giống cây trồng mới phù hợp với yêu cầu sản xuất, đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ hiện nay ở các địa phương; xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nhằm tạo dựng vị thế vững chắc trên thị trường. Giám đốc Công ty Đoàn Văn Sáu chia sẻ: Cây lúa lai có ưu thế nổi trội so với các giống lúa thuần về khả năng chống chịu sâu bệnh và có tiềm năng năng suất cao, vì thế lúa lai sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực nhất là khi đất trồng lúa có xu hướng bị thu hẹp. Nếu có được các tổ hợp lúa lai ngắn ngày chất lượng thương phẩm tốt sẽ có lợi cho nông dân. Sau khi mua bản quyền giống lúa lai TH3-3, Công ty tổ chức mở rộng quy mô sản xuất trên địa bàn tỉnh Nam Định và một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung. Nắm bắt chủ trương khuyến khích liên kết doanh nghiệp và nông dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, hài hòa lợi ích doanh nghiệp - nhà đầu tư với nông dân - người trực tiếp sản xuất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền, các cơ quan quản lý đất đai và vận động nông dân ở các xã: Trực Đại, Trực Hùng, Trực Thái (Trực Ninh); Xuân Ninh, Xuân Thượng (Xuân Trường); Nông trường Rạng Đông (Nghĩa Hưng) để thuê gom tập trung ruộng đất quy mô lớn trong thời hạn 5-10 năm để tổ chức sản xuất lúa giống hàng hóa. Để người dân yên tâm cho thuê ruộng, Công ty đã tổ chức ký hợp đồng thuê ruộng với sự đảm bảo của chính quyền địa phương và được hưởng lợi từ việc cho thuê đất hàng năm; các hộ nông dân có nhu cầu sẽ được giao khoán lại ruộng để sản xuất giống lúa cho Công ty. Tham gia chuỗi sản xuất, Công ty đầu tư các chi phí về giống gốc, hóa chất, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, trang bị công cụ cơ giới hóa sản xuất, ứng vốn cho nông dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ hạt giống lúa lai F1. Quá trình sản xuất được sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia nông nghiệp đầu ngành như: Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Động; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm; Anh hùng Lao động Trần Văn Cận... Nhờ đó, hoạt động sản xuất giống lúa lai của Công ty không ngừng phát triển, các tổ hợp lúa lai 2 dòng, 3 dòng: CT16, TH3-7, HQ19, tổ hợp Lai thơm TH6-6 và các giống lúa thuần chất lượng cao như: Hương cốm, Hương cốm 4, Hồng Đức 9, M1-NĐ, CS6-NĐ, Đột biến 5... được sản xuất thành công. Quy mô vùng liên kết sản xuất giống lúa lai F1 của Công ty không ngừng tăng trưởng từ 80ha năm 2008 lên 500ha vào vụ xuân năm 2019. Bên cạnh đó, Công ty cũng liên kết sản xuất trên diện tích 300ha các giống lúa thuần làm gạo thương phẩm cung cấp cho thị trường. Giá bán sản phẩm giống lúa lai F1 của Công ty luôn thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 20-30%. Hiện, trung bình mỗi năm, Công ty bán từ 1.500-2.000 tấn giống lúa lai cho nông dân trong và ngoài tỉnh, góp phần thay thế giống lúa nhập ngoại, giúp bà con chủ động nguồn giống, đảm bảo cơ cấu mùa vụ và năng suất, nâng cao thu nhập trên từng đơn vị diện tích. Theo tính toán của Công ty, các cánh đồng liên kết đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 2,6-3,6 lần so với sản xuất đại trà, đồng thời tạo thêm hàng nghìn ngày công lao động cho nông dân trong vùng. Đối với chủ ruộng riêng cho thuê có thu nhập ổn định từ 20-24 triệu đồng/ha/năm và có thể đi làm các công việc khác hoặc đầu quân làm “công nhân” cho Công ty tiếp tục sản xuất để gia tăng thu nhập. Đối với nông dân tham gia liên kết với Công ty có lợi nhuận từ 36-40 triệu đồng/ha/năm; trong trường hợp xảy ra rủi ro thiên tai vẫn được Công ty chi trả đảm bảo thu nhập tương đương với sản xuất đại trà. Ngoài ra, quá trình sản xuất Công ty cũng tạo thêm 600-650 ngày công/ha, với giá trị mỗi ngày công là 120 nghìn đồng cho người lao động ở các địa phương.
Cùng chung phương thức liên kết với nông dân cùng làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới, mặc dù mới thành lập được gần 2 năm và hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, Hợp tác xã Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) tập hợp được 9 thành viên góp vốn, góp ruộng, đẩy mạnh sản xuất và phát triển dịch vụ thu gom, chế biến lúa gạo cung cấp cho thị trường. Để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở các địa phương phát triển, nhất là việc lo đầu ra cho sản phẩm lúa gạo, Hợp tác xã đã liên kết với 6 Hợp tác xã và trên 100 đại lý ở các huyện: Mỹ Lộc, Ý Yên, Trực Ninh và Hải Hậu làm việc trực tiếp với các hộ nông dân để thu gom lúa làm nguyên liệu sản xuất gạo cung cấp cho thị trường. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Bốn cho biết: “Chúng tôi xác định ruộng đồng là một phần của Hợp tác xã, nông dân là bạn đồng hành gắn bó lâu dài, chất lượng sản phẩm là nền tảng vững chắc để Hợp tác xã tồn tại trên thị trường. Bởi vậy, trong quá trình hợp tác, liên kết, Hợp tác xã luôn xác định xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa quyền lợi với bà con nông dân. Các sản phẩm nông sản của bà con nông dân trong vùng sản xuất đều được Hợp tác xã thu gom, chế biến và cung cấp cho người tiêu dùng gạo chất lượng tốt nhất”. Hợp tác xã Bốn Thuận đã đầu tư 21 tỷ đồng để xây khu nhà xưởng rộng 2.500m2, lắp đặt hệ thống máy xay xát công nghệ Nhật Bản công suất 200 tấn/năm. Sản lượng thu mua, chế biến trung bình mỗi năm của Hợp tác xã 12-13 nghìn tấn thóc cung cấp gạo cho các bếp ăn của Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Công an, Khu công nghiệp Bảo Minh và thị trường bán lẻ ở thành phố Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Nội. Doanh thu trước thuế của Hợp tác xã trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 90 tỷ đồng, tạo việc làm cho 16 lao động, với mức thu nhập 6,5-7 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã đang nỗ lực xây dựng hướng phát triển đa dạng các dịch vụ liên quan đến sản xuất nông nghiệp; đồng thời chú trọng phát triển và xây dựng thương hiệu gạo Hương Thơm là giống lúa đặc sản của quê hương Vụ Bản, nhằm tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho các thành viên, người lao động và các hộ nông dân liên kết sản xuất với Hợp tác xã.
Với những suy nghĩ, cách làm và nỗ lực đóng góp không ngừng cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong những năm qua từ mô hình liên kết sản xuất giống lúa lai F1 và phát triển dịch vụ chế biến nông sản không chỉ mở ra hướng phát triển mạnh mẽ cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Hợp tác xã Bốn Thuận mà còn góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, nông dân ở các vùng nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương./.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên