Khuyến khích, hỗ trợ hộ nông dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng

07:09, 12/09/2019

Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm khuyến khích, hỗ trợ hộ nông dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng như: hỗ trợ nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm cho nông dân… 

Mô hình trồng hoa đồng tiền của hội viên nông dân Trần Ngọc Sơn, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng hoa đồng tiền của hội viên nông dân Trần Ngọc Sơn, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hàng năm, các cấp Hội trực tiếp tổ chức và phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, các công ty, doanh nghiệp tổ chức trên 2.000 buổi tập huấn cho 180 nghìn l­ượt hội viên nông dân với các nội dung như: Hướng dẫn sản xuất rau sạch theo quy trình VietGap; tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học an toàn và hiệu quả; hướng dẫn quy trình chăn nuôi và phòng trị bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cách bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. Phối hợp tổ chức đối thoại nhịp cầu nhà nông cho trên 5.000 hội viên nông dân của 5 huyện Xuân Trường, Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản, Mỹ Lộc. Phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Enzyma Việt Nam tập huấn về sử dụng chế phẩm sinh học Biowish trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản nông sản, triển khai thử nghiệm 15 mô hình ở các huyện Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường... Qua đó đã giúp cho các hộ nông dân nâng cao kiến thức trong sản xuất cũng như cách phòng trừ bệnh trên cây trồng, vật nuôi từ đó mang lại năng suất và hiệu quả cao góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011-2020” của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ tỉnh Hội đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi phương thức quản lý Quỹ, tiếp tục thành lập Ban vận động quỹ ở cơ sở, giao chỉ tiêu hàng năm tăng trưởng từ các nguồn, trong đó chú trọng việc vận động tăng trưởng ở cấp cơ sở. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ toàn tỉnh là trên 23,6 tỷ đồng, 10 năm qua đã cho vay 126 dự án với 7.845 lượt hộ vay. Các dự án sau khi được vay vốn đầu tư đã đem lại hiệu quả kinh tế cho hội viên nông dân, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân. Hội Nông dân các cấp còn ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức tín dụng cho nông dân vay vốn, đến nay tổng dư nợ vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 9.356,6 tỷ đồng cho 54.143 hộ vay; vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.130,2 tỷ đồng cho 40.712 hộ vay. Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở luôn gắn kết với các doanh nghiệp như: Công ty Tiến Nông, Lâm Thao, Ninh Bình, Văn Điển, Con Heo Vàng... hàng năm cung ứng trên 15 nghìn tấn phân bón, 1.500 tấn thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; phối hợp với các công ty sản xuất phân bón xây dựng 150 mô hình sử dụng phân bón hiệu quả. Nhằm hỗ trợ cho nông dân đưa cơ giới hoá vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và chuyển dần tỷ lệ lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, các cấp Hội đã tích cực triển khai chương trình liên kết với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam chuyển giao hàng trăm máy móc theo phương thức trả chậm; chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền có chính sách hỗ trợ các hộ mua máy nông nghiệp theo Quyết định số 497 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ lãi suất mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn”. Kết quả áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trong khâu làm đất đạt 100%, sạ hàng đạt 40%, thu hoạch đạt 70%. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục được đẩy mạnh, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến vươn lên làm giàu, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương, đi đầu trong tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ các ông: Nguyễn Văn Cửu, xã Giao Xuân (Giao Thủy) với diện tích 135ha nuôi ngao thương phẩm, sản xuất 3 tỷ con giống, mỗi năm thu hoạch 1.500 tấn ngao, doanh thu đạt 15-20 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 100 lao động; Nguyễn Văn Sơn, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) chuyên sản xuất giống và nuôi cá bống bớp, lợi nhuận hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động; Trần Văn Hài, xã Trực Hùng (Trực Ninh) sản xuất sợi PE cung cấp cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, lợi nhuận mỗi năm đạt 500 triệu đến 1 tỷ đồng; thu hút hàng trăm lao động thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng; Nguyễn Hữu Trung, xã Tân Thành (Vụ Bản) với mô hình chế biến nông sản, lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng/năm; Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) với mô hình nuôi cá trắm đen, lợi nhuận hàng năm bình quân 800 triệu đồng… Hàng năm, các cấp Hội đã vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ gần 7.000 hộ nông dân khó khăn có thêm tiền vốn, vật tư để sản xuất. Trong 10 năm qua, các cấp Hội trực tiếp đóng góp ủng hộ 1 tỷ 548 triệu đồng giúp cho 292 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn nâng cao mức sống; hỗ trợ nâng cấp 12 căn nhà; tặng 298 chiếc xe đạp cho con em hội viên nông dân vượt khó vươn lên trong học tập. Nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các cấp Hội trực tiếp tặng 300-500 suất quà, mỗi suất trị giá từ 200-500 nghìn đồng cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân còn tổ chức cho hội viên nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong và ngoài tỉnh; vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng hàng trăm mô hình cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển các hình thức kinh tế tập thể gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân cũng được chú trọng, 10 năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp tổ chức dạy nghề được 119 lớp cho 3.755 lượt người; phối hợp tổ chức 1.112 lớp cho 34.868 lượt người, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%. 

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; đẩy mạnh hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân; hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể; phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho nông dân. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống nông dân./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com