Nhằm xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh ta đã tích cực mở rộng, phát triển chương trình khí sinh học, tạo nguồn năng lượng sạch thông qua việc triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Được Dự án hỗ trợ các-bon thấp hỗ trợ xây công trình khí sinh học giúp anh Nguyễn Văn Thanh, xã Yên Tân (Ý Yên) xử lý phân, nước thải đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi. |
Là một trong 10 tỉnh được lựa chọn tham gia dự án theo Quyết định số 3559/QĐ-BNN-TC ngày 31-8-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt điều chỉnh kế hoạch tổng thể Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp, tỉnh đã thành lập Ban quản lý Dự án nông nghiệp các-bon thấp để xây dựng kế hoạch triển khai dự án đồng bộ, hiệu quả. Ban quản lý dự án đã phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, hệ thống đài phát thanh các huyện, thành phố và đài truyền thanh cấp xã tuyên truyền về các nội dung hỗ trợ của dự án; lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị của Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên về những lợi ích thiết thực của việc tham gia dự án. Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Điều phối viên Ban quản lý Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp tỉnh cho biết: ngành chăn nuôi của tỉnh ta khá phát triển nên trung bình mỗi năm có trên 1,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi xả ra môi trường, chưa kể các loại phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Các loại chất thải này nếu không được xử lý phù hợp sẽ là nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là các loại phân tươi, sẽ phát sinh khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ trái đất... Do vậy, việc triển khai Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp sẽ góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp, quản lý các hoạt động chế biến, bảo quản sau thu hoạch nông sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nông nghiệp thông qua việc xây dựng, chuyển giao các ứng dụng quản lý chất thải nông nghiệp, hướng tới giảm thiểu phát thải khí nhà kính ra môi trường. Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn và tạo điều kiện, hàng nghìn hộ chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh đã được tiếp cận với các nguồn hỗ trợ từ dự án. Đến nay, dự án đã xây dựng, lắp đặt 5.508 công trình khí sinh học với tổng kinh phí đã giải ngân là 1 tỷ 025 triệu đồng; trong đó, vốn do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ là 708 triệu đồng, vốn đối ứng của Chính phủ là 317 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, dự án đã hoàn thành xây dựng 132 công trình khí sinh học; trong đó có 131 công trình cỡ nhỏ được hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình. Để đảm bảo phát huy hiệu quả dự án, Ban quản lý dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn về cách vận hành, sử dụng công trình cho 120 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các địa phương tham gia; cử lao động tham gia đào tạo tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng, lắp đặt các công trình khí sinh học để đảm bảo yêu cầu chất lượng khi xây dựng tại các địa phương; chủ động tập huấn về quản lý chất thải chăn nuôi an toàn... Trong quá trình triển khai dự án, Ban quản lý dự án đã phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, chọn lựa những hộ đăng ký sớm, có chuồng trại chăn nuôi nằm trong khu dân cư nhằm ưu tiên giải quyết ô nhiễm môi trường nước, không khí tại địa bàn. Việc lựa chọn vị trí, vật tư xây dựng, lắp đặt công trình khí sinh học được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng và thi công đúng thiết kế, thời gian được duyệt nhằm phát huy hết công năng của công trình. Huyện Hải Hậu là địa phương có nhiều công trình khí sinh học được hỗ trợ xây dựng, lắp đặt từ dự án với khoảng 1.200 công trình. Hộ anh Đoàn Văn Thanh, xóm Trần Cường, xã Hải Thanh (Hải Hậu) là một trong những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn của địa phương với khoảng hơn 200 con lợn nái và 300 con lợn thịt/lứa. Trao đổi với chúng tôi, anh Thanh cho biết: Để hạn chế chất thải chăn nuôi thải trực tiếp ra môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sự an toàn của đàn vật nuôi cũng như đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh, anh đã đăng ký tham gia Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp. Được dự án hỗ trợ, anh đã xây dựng công trình hầm biogas để thu gom toàn bộ chất thải từ quá trình chăn nuôi, xử lý, vừa thu được khí gas để đun nấu, phục vụ sinh hoạt và sản xuất; vừa có phân bón và nước tưới cho cây trồng. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị sử dụng khí gas để thắp sáng, tiết kiệm tiền điện, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận từ chăn nuôi.
Có thể thấy, Dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp được triển khai tiếp nối trong hơn 2 năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là các hộ nuôi lợn với số lượng lớn. Hiện, dự án đang tích cực triển khai thực hiện các mô hình về chăn nuôi tiết kiệm nước, mô hình tưới và mô hình bể lắng tách chất thải trong chăn nuôi. Dự án đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng, lắp đặt thêm 400 công trình khí sinh học; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn vận hành, kiểm tra, giám sát việc xây dựng, lắp đặt và quản lý công trình khí sinh học cho các hộ chăn nuôi, cán bộ cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, nhận thức về việc quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi và những lợi ích khi tham gia dự án; xây dựng mô hình tổ hợp tác thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, chất thải hầm khí sinh học để chế biến phân hữu cơ, các mô hình: chăn nuôi tiết kiệm nước, máy tách phân di động, máy phát điện sử dụng khí gas...; thực hiện phân tích đánh giá môi trường nước thải chăn nuôi bằng các trang thiết bị do dự án cung cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và bảo vệ môi trường nông thôn./.
Bài và ảnh: Văn Đại