Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh ta gồm có 310 cống qua đê chính, đê bối và đê dự phòng; 833 trạm bơm điện tưới tiêu có 1.228 máy bơm với tổng công suất 2.388.890 m3/giờ; 3.343 đập điều tiết, xi phông, cống luồn, cầu máng trên kênh cấp I, II, III; 2.600 cống cấp II; 51.769 cống cấp III và cống khoảnh; 274 kênh cấp I với tổng chiều dài 1.213km; 2.963 kênh cấp II với tổng chiều dài 3.958km; 33.936 kênh cấp III với tổng chiều dài trên 9.883km. Dù đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh và phòng chống thiên tai nhưng trong những năm gần đây thiên tai bất thường, có nhiều đợt mưa lớn kéo dài, thời gian mưa trùng với kỳ triều cường hoặc có lũ, quá tải khả năng tiêu úng của các công trình thủy lợi, nhất là các huyện phía nam tỉnh: Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, gây nhiều tác động tiêu cực cho các vùng sản xuất nông nghiệp; cá biệt có khu vực bị ngập úng đúng thời điểm nhạy cảm của cây trồng (mới gieo cấy, sắp thu hoạch hoặc lúa mới gieo sạ) làm 100% cây trồng chết úng. Nông dân nhiều địa phương liên tục kiến nghị, đề xuất tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng, nạo vét, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi.
Thi công nâng cấp cống Lác (Vụ Bản) góp phần cải thiện tăng năng lực tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Người dân các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng phản ánh, từ năm 2016 đến nay, khi mưa bão cùng với việc xả lũ hồ thủy điện gây khó khăn cho công tác tiêu nước, thoát úng làm lúa chết hàng loạt; đề nghị tỉnh quan tâm, xem xét sớm đầu tư xây dựng trạm bơm cống Rõng xã Trực Thuận để tiêu nước thuận lợi ra sông Ninh Cơ. Người dân huyện Trực Ninh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét, bố trí ngân sách đầu tư nạo vét 5km sông Sẻ qua địa phận các xã Trực Phú, Trực Hùng, Trực Cường, Trực Thái và kiên cố hóa kênh Cổ Lễ - Cát Chử, nâng cao hiệu quả tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo công tác phòng chống lụt bão. Người dân huyện Hải Hậu cũng phản ánh, nhiều năm gần đây, vào mùa mưa lũ (nhất là mùa mưa năm 2018) ngập úng kéo dài khiến các cống trên sông Ninh Cơ không kịp tiêu thoát nước. Tình trạng này dẫn tới lượng nước ở các xã, thị trấn Trực Đại, Trực Thắng, Trực Hùng, Ninh Cường (Trực Ninh); Hải An, Hải Toàn, Hải Phong, Hải Ninh, Hải Giang và vùng giữa huyện dồn về phía đông huyện, kéo dài thời gian tiêu úng, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, người dân huyện Hải Hậu đề nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng cống tiêu qua Quốc lộ 21 tại xã Hải Chính để đảm bảo tiêu thoát úng cho sản xuất nông nghiệp kết hợp bổ sung nước ngọt cho vùng chuyển đổi của xã Hải Chính và Hải Lý. Đề nghị tỉnh sớm có kế hoạch đầu tư nâng cấp các cống tiêu thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp trên đê sông Sò thuộc địa phận các xã Hải Nam, Hải Phúc vì sau khi đầu tư nâng cấp mặt đê nhưng không nâng cấp cống khiến mặt cống thấp hơn mặt đê nhiều, khó khăn cả cho việc đi lại và tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lụt bão.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của Luật Thủy lợi như: đảm bảo an toàn hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; rà soát quy mô điểm giao nhận dịch vụ công ích thủy lợi, yêu cầu các công ty khai thác công trình thủy lợi cam kết tưới tiêu hợp lý và ưu tiên nguồn vốn cấp thủy lợi phí để tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi theo nhu cầu sản xuất. Giai đoạn 2015-2018, UBND tỉnh đã cấp bổ sung vốn điều lệ cho các công ty khai thác công trình thủy lợi với tổng số hơn 340 tỷ đồng từ Quỹ Sắp xếp doanh nghiệp Trung ương; phê duyệt và bố trí kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi... Đối với kiến nghị đầu tư nạo vét kênh Sẻ, đến nay Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Hậu đã tiến hành nạo vét 1,6km kênh đoạn qua xã Trực Thái bị bồi lắng nhiều; các đoạn còn lại cũng được Công ty cân đối nguồn vốn và lập kế hoạch ưu tiên nạo vét. Đối với kiến nghị kiên cố hóa kênh Cổ Lễ - Cát Chử, ngày 4-10-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình nạo vét, kiên cố hóa 2.500m kênh Cổ Lễ - Cát Chử đoạn từ cầu Điện Biên đến Ngặt Kéo với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh đang thực hiện thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu để triển khai dự án. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh khẩn trương triển khai thực hiện dự án và tham mưu cho UBND tỉnh trình Trung ương xem xét, cấp kinh phí để triển khai nạo vét, kiên cố hóa toàn tuyến để đảm bảo phục vụ sản xuất. Đối với kiến nghị đầu tư xây dựng các cống tiêu qua Quốc lộ 21, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án xây dựng cống số 1, cống số 4 qua đê biển góp phần giải quyết tốt việc tiêu úng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp bổ sung nước ngọt cho vùng chuyển đổi của các xã Hải Chính, Hải Lý... Tỉnh cũng xác định việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi theo kiến nghị của cử tri là hết sức cần thiết song do khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác còn rất hạn chế; thu nhập của đại bộ phận các hộ sản xuất nông nghiệp chưa cao nên khả năng đóng góp kinh phí làm thủy lợi nội đồng cũng rất khó khăn dẫn đến việc đầu tư xây dựng, nạo vét, kiên cố hóa kênh mương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì vậy theo Quy hoạch thủy lợi đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2013 đã đề ra lộ trình tu sửa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, trong đó có bao gồm những công trình người dân các địa phương kiến nghị sửa chữa, nâng cấp nhưng đến nay nhiều hạng mục công trình chưa được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Cụ thể như trường hợp đầu tư nâng cấp các cống tiêu thoát trên đê sông Sò, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Hải Hậu nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng lại các cống nhỏ hẹp trên sông Sò nhưng do chưa bố trí được nguồn vốn nên đến nay chưa triển khai thực hiện. Về kiến nghị xây dựng trạm bơm Rõng của người dân hoàn toàn phù hợp vì đây là công trình nằm trong danh mục xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2554/QĐ-TTg ngày 17-10-2012 về Quy hoạch thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuy nhiên, việc xây dựng trạm bơm Rõng cần kinh phí đầu tư rất lớn (khoảng 700 đến 900 tỷ đồng), trong khi nguồn vốn ngân sách của tỉnh còn khó khăn. Năm 2018 nhiều đoàn chuyên gia quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã về kiểm tra xem xét, đề xuất các dự án đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau song hiện tại vẫn chưa thống nhất được phương án thực hiện. UBND tỉnh đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiến nghị Trung ương, các tổ chức quan tâm tìm tạo nguồn kinh phí xây dựng trạm bơm Rõng cũng như các dự án thủy lợi trọng điểm.
Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập úng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn để sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh hạn chế thiệt hại do ngập úng. Chủ động vận hành công trình thủy lợi để tiêu rút kiệt nước đệm trong hệ thống kênh mương, mặt ruộng trước các trận mưa nhằm tăng khả năng trữ nước nội đồng; tăng cường vận hành công trình tiêu nước khi có mưa lớn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở các vùng thường xuyên bị ngập lụt, úng; thay đổi biện pháp trồng lúa từ gieo sạ sang cấy để tăng cường khả năng chống úng của cây trồng./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy