Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Đề án 939), những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần khuyến khích, động viên phụ nữ mạnh dạn phát triển các ý tưởng để khởi nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phụ nữ xã Nam Phong (thành phố Nam Định) thu hoạch hoa cúc. |
Để đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành hoạt động hợp tác xã cho 32 chị trong Ban quản trị các hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ, thương hiệu sản phẩm cho Ban quản trị, Ban giám đốc các hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ quản lý. Phối hợp với Trung tâm Nâng cao năng lực cho phụ nữ (Học viện Phụ nữ Việt Nam) tổ chức tập huấn kiến thức khởi nghiệp thông minh cho 44 học viên là phụ nữ có ý tưởng khởi sự, khởi nghiệp. Qua đó giúp chị em cập nhật kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công tác quản trị, điều hành hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác, đưa ra ý tưởng phát triển các sản phẩm mới để thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ tỉnh còn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tư vấn, hỗ trợ phụ nữ thành lập các mô hình kinh tế tập thể. Năm 2018 đã tư vấn hỗ trợ thành lập 2 hợp tác xã, 2 tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh là: Hợp tác xã chăn nuôi và cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch xã Hải Sơn (Hải Hậu); Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ xã Trực Thanh (Trực Ninh); Tổ phụ nữ liên kết phát triển nghề đan cói xuất khẩu xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc); Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn xã Xuân Ninh (Xuân Trường). Đến nay, toàn tỉnh có 9 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 15 tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất do phụ nữ làm chủ. Hầu hết các mô hình này đều hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nữ tại địa phương. Để hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất, trong năm 2018, Hội Phụ nữ tỉnh đã duyệt cho 3 hộ của Hợp tác xã chăn nuôi và cung cấp thực phẩm nông nghiệp sạch xã Hải Sơn vay số tiền 150 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của địa phương. Ngoài ra, Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức thành công “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018” với chủ đề “Phụ nữ Nam Định sáng tạo khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới”, biểu dương 23 tập thể, cá nhân tiêu biểu; mời các chuyên gia đến trao đổi, chia sẻ về những cơ hội, thách thức cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Tháng 5 vừa qua, Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019” với chủ đề “Phụ nữ Nam Định khởi nghiệp cùng hàng Việt an toàn, chất lượng” nhằm khuyến khích, thúc đẩy tinh thần và khả năng sáng tạo của hội viên phụ nữ, hội viên nông dân, các thành viên hợp tác xã đề xuất các ý tưởng kinh doanh để khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nâng cao thu nhập cho gia đình và xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Trong 72 ý tưởng đăng ký tham gia, Ban tổ chức đã xét chọn 40 ý tưởng sản phẩm mới, sáng tạo đã được hiện thực hóa và khởi nghiệp thành công, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động để tôn vinh, biểu dương.
Tại các huyện, thành phố, để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động như: tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên về mục đích, yêu cầu, nội dung hoạt động của Đề án 939; hướng dẫn cơ sở Hội nắm bắt các ý tưởng kinh doanh của hội viên để tư vấn, hỗ trợ chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất; tổ chức hội nghị chuyên đề giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ cho thành viên câu lạc bộ doanh nhân nữ; hỗ trợ xúc tiến giới thiệu, bán sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp… Tiêu biểu là Hội Phụ nữ các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng đã phối hợp tổ chức thành công các “Phiên chợ nông sản”, tạo điều kiện cho chị em liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh hàng hóa trên thị trường, tăng số lượng phụ nữ tham gia khởi nghiệp. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn vay, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức phong trào tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, đến nay tổng số tiền vận động tiết kiệm từ các loại hình là 112 tỷ đồng, hỗ trợ 87.233 phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế với lãi suất thấp; tích cực ký kết, nhận ủy thác vay các nguồn vốn để hỗ trợ chị em vay đầu tư phát triển sản xuất. Nhiều phụ nữ đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư khởi nghiệp, kinh doanh, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhiều điển hình phụ nữ vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như: Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) của chị Lại Thị Duyên với các sản phẩm rau hẹ, cá bống bớp, thủy sản nước lợ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 7 thành viên của hợp tác xã và 10 lao động của địa phương. Chị Mai Thị Nhung, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp khép kín theo chuỗi giá trị trên diện tích 50ha, thu hút 150-200 lao động, doanh thu đạt 5-7 tỷ đồng/năm. Chị Phạm Thị Chiên, xã Hải Châu (Hải Hậu) đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá diêu hồng, trồng cây đinh lăng dược liệu, tạo việc làm cho 35 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng, doanh thu của cơ sở đạt 250-300 triệu đồng/năm. Chị Đoàn Thị Gấm, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch xã Hải Sơn đã liên kết 20 hộ gia đình tập trung chăn nuôi, trồng trọt trên diện tích 12.960m2, cung cấp thực phẩm, các loại rau, củ, quả sạch cho người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh, thu nhập 150 triệu đồng/năm. Chị Đỗ Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã trồng cây dược liệu xã Hải Lộc đã liên kết các hộ gia đình sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGap trên diện tích 15ha, tạo việc làm cho 154 lao động, trong đó 85 lao động nữ địa phương, doanh thu đạt 2,43 tỷ đồng/năm. Chị Nguyễn Thị Lộc, xã Nam Vân (thành phố Nam Định), chủ hộ sản xuất bánh cuốn, tạo việc làm cho 10 lao động nữ, với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm…
Thời gian tới, Hội Phụ nữ tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các ban, ngành chức năng nắm bắt ý tưởng, triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tăng cường sự kết nối, giao thương hàng hóa, cung cấp các sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp của các doanh nghiệp nữ tới các hiệp hội tiêu thụ nông sản sạch, hệ thống siêu thị, người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Lam Hồng