Phát triển nuôi cá lồng trên sông ở Xuân Trường

04:08, 30/08/2019

Tận dụng lợi thế ven sông Hồng, sông Ninh Cơ những năm gần đây, một số hộ dân ở huyện Xuân Trường đã đầu tư khai thác phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Chúng tôi về Xuân Châu, tìm đến mô hình nuôi cá lồng trên sông của gia đình ông Nguyễn Văn Tung ở đội 1, là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn huyện Xuân Trường. Trời oi nắng nhưng bố con ông Tung vẫn đang rải thức ăn cho đàn cá lăng, cá diêu hồng và cá chép ăn đúng bữa. Từ hồi trai trẻ ông đã gắn bó với nghề sông nước nên ông Tung khá am hiểu về con nước và những lợi thế của nghề này. Năm 2015, nhận thấy các hộ dân tỉnh Thái Bình làm lồng nuôi cá trên sông Hồng, ông Tung đã quyết định “vượt sông” tham quan, tìm cách làm theo. Nhận thấy khả năng thành công với mô hình nuôi mới này, ông đã quyết định đầu tư làm lồng nuôi cá trên sông. Ông Tung cho biết, mới bắt đầu triển khai nuôi cá lồng, do chưa có kinh nghiệm nên ngay trong cơn bão số 1 năm 2016, một số lồng cá của gia đình ông đã bị gió bão cuốn trôi, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Tận dụng mặt nước, các hộ dân ở Xuân Trường đã tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định. (Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tung, xóm 1, xã Xuân Châu đang cho cá ăn).
Tận dụng mặt nước, các hộ dân ở Xuân Trường đã tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông bước đầu mang lại nguồn thu nhập ổn định. (Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tung, xóm 1, xã Xuân Châu đang cho cá ăn).

Những thất bại ban đầu không làm ông nản lòng mà càng làm ông quyết tâm hơn. Lần này ông nghiên cứu kỹ chọn vị trí và xin phép đặt vị trí lồng nuôi cá tại Km193 + 100 đê hữu Hồng, phía thượng lưu cách bến đò số 6 khoảng 300m, thuộc địa bàn xã Xuân Châu. Đây là vùng lõm nên lưu lượng dòng chảy nhẹ, phù hợp cho nghề nuôi cá. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, ông Tung đã tiến hành đổ cọc bê tông, giăng dàn dây cáp phi 24 dưới dòng sông để giữ ổn định vị trí lồng khi con nước lên xuống và đảm bảo an toàn khi có gió bão. Sau một thời gian chuẩn bị, cả thảy 26 lồng nuôi cá được hàn dựng bằng khung tuýp thép không han gỉ, diện tích mỗi lồng 36m2 đã được đưa xuống dòng sông Hồng chằng buộc cẩn trọng, chắc chắn, an toàn. Sau khi tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, ông Tung quyết định chọn nuôi các loại cá lăng, cá diêu hồng và chép giòn là những giống cá bản địa, phù hợp với nguồn nước sông Hồng; thức ăn dùng cám tổng hợp nên lượng phát thải sinh ra từ quá trình nuôi ít và hầu như không ảnh hưởng đến môi trường nước. Nguồn cá giống được ông chọn mua từ các hộ nuôi cá lồng bè ở các tỉnh Hải Dương, Hòa Bình đảm bảo khỏe mạnh, sạch bệnh. Theo ông Tung, lợi thế lớn nhất của nuôi cá lồng trên sông chính là nguồn nước luôn động, ít bị ô nhiễm nên có thể thả các loại cá với mật độ cao để tận dụng mặt nước; đồng thời nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào hơn so với nuôi nội đồng nên cá lớn nhanh và ít bị bệnh, mỗi lồng chỉ rộng 36m2 nhưng ông thả tới 5.000-6.000 con. Với 24 lồng, ông dành 18 lồng nuôi cá thịt, còn lại ương cá giống. Trong hơn 2 năm qua, mặc dù vừa nuôi vừa đầu tư nhưng nuôi cá lồng đã mang lại nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng, vì vậy ông Tung có kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng thêm lồng nuôi cá trên sông...

Hiện nay trên địa bàn huyện Xuân Trường có 50 lồng nuôi cá trên sông của hộ các ông: Đoàn Văn Hùng, Đoàn Văn Vượng, xã Xuân Ngọc; Nguyễn Văn Thanh, thị trấn Xuân Trường với tổng diện tích mặt nước gần 26 nghìn m2. Theo đồng chí Trần Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Trường, nuôi cá lồng trên sông Hồng, sông Ninh Cơ của một số hộ dân bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế; các giống cá được người dân chọn nuôi là cá trắm, cá lăng, diêu hồng và cá chép, với hình thức nuôi công nghiệp. Để hỗ trợ người nuôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã mở các đợt tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nói chung, nuôi cá lồng nói riêng; cách lựa chọn và sử dụng các loại thức ăn phù hợp để cá khỏe, lớn nhanh; hướng dẫn các kỹ thuật vệ sinh lồng cá sạch sẽ để tránh gây ô nhiễm môi trường nước, giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt; hướng dẫn lựa chọn vị trí đặt lồng cá phù hợp, thuận lợi và đảm bảo an toàn trong quá trình nuôi, nhất là trong mùa mưa bão; đồng thời không cản trở việc lưu thông của các phương tiện vận tải thủy và hành lang thoát lũ; hướng dẫn thủ tục, quy định liên quan đến việc đặt lồng cá trên sông. Việc nuôi thả phải đảm bảo mật độ không nên thả quá dầy dễ gây ô nhiễm môi trường khiến cá phát sinh bệnh tật, chậm lớn làm giảm giá trị thu nhập.

Với những kết quả bước đầu của mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng, sông Ninh Cơ mang lại, người nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đang tin tưởng vào hiệu quả của mô hình mới này, nhiều hộ dân đang có kế hoạch đầu tư phát triển và mở rộng diện tích nuôi cá trên sông. Địa phương nên sớm có định hướng cụ thể cho mô hình nuôi cá lồng trên sông để đảm bảo hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân; có giải pháp hỗ trợ người dân về một số vấn đề như: tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn để có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá trên sông; được tham gia bảo hiểm rủi ro để được hỗ trợ khi xảy ra thiệt hại do thiên tai, mưa lũ... giúp các hộ gia đình yên tâm sản xuất, phát triển nuôi cá lồng trên sông, nâng cao thu nhập gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com