Nghĩa Bình đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

05:08, 09/08/2019

Xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) có diện tích đất tự nhiên là 815,27ha nằm sát biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão; do đó trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền và người dân trên địa bàn xã đã chủ động đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường.

Cán bộ Hợp tác xã Nghĩa Bình kiểm tra tiến độ sinh trưởng của giống lúa chất lượng cao Trường Xuân QH.
Cán bộ Hợp tác xã Nghĩa Bình kiểm tra tiến độ sinh trưởng của giống lúa chất lượng cao Trường Xuân QH.

Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nghĩa Bình cho biết: “Để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 là 13%/năm, thời gian qua, xã đã tập trung rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hàng năm và lồng ghép các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu vào thực hiện các quy hoạch; đồng thời xác định trọng tâm tái cơ cấu trồng trọt và nuôi trồng thủy sản”. Trong lĩnh vực trồng trọt, xã đã chú trọng phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp, chuyển đổi cơ cấu giống lúa, sử dụng giống lúa có gạo chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện tại, diện tích đất cấy 2 vụ lúa toàn xã đạt 378ha. Cùng với bộ giống hiện có, hàng năm, xã tổ chức khảo nghiệm, tuyển chọn thêm các giống mới có nhiều ưu việt để thay thế các giống cũ kém hiệu quả. Đến nay, xã đã xây dựng được một cánh đồng lớn rộng 30ha tại đội 5, 8, 9 sử dụng giống lúa Bắc thơm 7 liên kết theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ bao tiêu sản phẩm gạo sạch với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) thu hút 141 hộ tham gia. Ngoài ra, xã còn triển khai liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học kỹ thuật VINABHTABA Bắc Ninh xây dựng 2 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao bằng giống Trường Xuân QH và nếp Nhung lùn diện tích 20ha tại đội 13. Hiện tại, diện tích lúa chất lượng cao sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến năng suất bình quân đạt trên 2 tạ/sào. Bên cạnh đó, tranh thủ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), để từng bước khôi phục giống lúa nếp cổ bản địa, xây dựng thương hiệu “nếp Bắc Nghĩa Bình”. Đây là giống lúa có chất lượng gạo ngon, hương thơm đặc trưng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện tại, diện tích tập trung trồng lúa nếp Bắc của xã đạt 37ha với 150 hộ tham gia. Năng suất bình quân đạt 130-150 tấn. Xã đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng hồ sơ, tài liệu công nhận về chất lượng an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chỉ dẫn địa lý để xây dựng thương hiệu nếp Bắc Nghĩa Bình, nâng cao giá trị tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường lúa đặc sản. Trong lĩnh vực thủy sản, xã tiến hành rà soát, lập đề án quy hoạch chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp với trồng màu vườn tập trung ở các đội sản xuất 1, 2, 12, 13, 14. Năm 2018, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn xã đạt 127,69ha; giá trị thu nhập trên 1ha mặt nước đạt 106,02 triệu đồng/ha. Trong đó, vùng chuyển đổi rộng 20ha tập trung ở xóm Thanh Hương đem lại thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ nuôi đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ mô hình nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng kết hợp thả cá truyền thống và trồng cây màu, rau, cây ăn quả các loại như hộ các ông: Trần Văn Đoàn, Nguyễn Văn Cường, Vũ Thế Anh, Vũ Mạnh Bằng… Chị Nguyễn Thị Noãn ở đội sản xuất 12 cho biết: “Từ năm 2012, gia đình tôi bắt đầu chuyển đến vùng chuyển đổi để đào ao thả cá phát triển kinh tế hộ với tổng diện tích 8 sào. Hiện tại, bình quân thu nhập hàng năm của gia đình tôi từ nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt kết hợp nuôi cá, trồng cà chua đạt hơn 200 triệu đồng”. Vụ nuôi tôm thẻ chân trắng vừa rồi gia đình chị thu được gần 1 tấn, trừ chi phí, lãi gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, với hơn 1.000 con cá giống diêu hồng, 500 con cá đối mục và 700 gốc cây cà chua cũng giúp gia đình chị kiếm thêm thu nhập lớn. Nhất là con cá đối mục đang dần vươn lên thay thế cho các loại cá nước ngọt truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, trở thành đối tượng nuôi chủ lực xen canh cùng tôm thẻ chân trắng tại vùng chuyển đổi của xã. Ông Bùi Văn Trung ở đội sản xuất 12 cho biết: “Hiện tại, trên diện tích 1,3 mẫu ao, gia đình chúng tôi đang thả hơn 1.000 con cá trắm và cá đối mục xen ghép với tôm thẻ chân trắng. Cá đối mục là loài cá cỡ lớn, thịt béo, thơm ngon, thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế cao, rất phù hợp khi thả nuôi xen canh, con tôm phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh như trước, môi trường nước trong và sạch hơn nhờ cá đối ăn tảo làm vệ sinh môi trường nước”. Bình quân nuôi 6 tháng, cá đối mục sẽ đạt trọng lượng trưởng thành từ 0,7-0,8kg/con, tỷ lệ sống đạt hơn 90%. Với giá bán tôm 105 nghìn đồng/kg, cá đối mục 80-90 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, ông Trung tính ra thu lãi gần 10 triệu đồng/sào/năm. Ngoài ra, trên vườn và bờ ao, ông trồng hơn 60 gốc ổi Đài Loan, 2.000-3.000 gốc đinh lăng giúp gia đình có thêm 50 triệu đồng mỗi năm.

Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp toàn diện theo hướng chuyển dịch từ “lượng” sang “chất”, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, Nghĩa Bình tiếp tục huy động mọi nguồn vốn hỗ trợ kết hợp nguồn ngân sách địa phương tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây bổ sung 5 cống trên kênh cấp 2, cấp 3; kiên cố hóa 7,2km kênh mương cấp 3, đầu tư thêm trạm bơm công suất 1.200m3/h và kho lạnh với diện tích 150-200m2. Tiếp tục hoàn thành xây dựng quy hoạch và xây dựng thương hiệu phát triển các nông sản chủ lực của xã như lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, cà chua, bí xanh, khoai tây… Tập trung đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi thuỷ sản phù hợp để khai thác cơ hội từ thị trường; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung ở vùng nuôi Đô Quan, Thạch Cầu, Đồng Côi… Tăng cường ứng dụng công nghệ, sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học trong trồng trọt đảm bảo theo quy trình VietGAP đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, nhất là đối với giống lúa nếp Bắc đặc sản của địa phương. Xây dựng và mở rộng thêm các mô hình sản xuất cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi được bao tiêu sản phẩm. Tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp. Xã phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị ngành Nông nghiệp đạt 3-4%/năm, thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com