Toàn tỉnh có 663km đê, gồm 365km đê cấp I đến cấp III (91km đê biển, 274km đê sông) và 298km đê dưới cấp III. Trong điều kiện thiên tai diễn biến hết sức bất thường, phức tạp và ngày càng cực đoan, hệ thống đê của tỉnh đã phải hứng chịu nhiều sự cố lũ lớn, lũ đặc biệt lớn uy hiếp đến an toàn đê. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát chuyên đề cuối năm 2018 của HĐND tỉnh, công tác bảo vệ hành lang đê điều trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Trên các tuyến đê sông, đê biển tồn tại nhiều công trình xây dựng, bãi tập kết vật liệu xây dựng, chất thải trong phạm vi hành lang bảo vệ đê; trồng cây trên thân đê; làm ao đầm nuôi trồng thủy sản ngay sát chân đê, vi phạm hành lang đê điều, ảnh hưởng đến việc duy trì, phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt là huyện Hải Hậu. Các địa phương hầu hết chưa làm tốt việc phát quang mái đê dẫn đến khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện sự cố hư hỏng đê điều trong mùa mưa bão. Nhiều vụ việc vi phạm hành lang đê điều nhưng chưa được xử lý. Năm 2018, toàn tỉnh phát sinh 102 vụ vi phạm hành lang đê điều mới, nâng tổng số vụ vi phạm lên 223 vụ nhưng đến cuối năm mới giải toả được 24 vụ, còn tồn đọng 199 vụ vi phạm chưa giải quyết được. Nguyên nhân chính của tình trạng vi phạm này phổ biến và kéo dài là do chính quyền xã, thị trấn sở tại thiếu kiểm tra, chậm phát hiện vi phạm dẫn đến khó khăn trong việc xử lý, giải tỏa. Có nhiều trường hợp lực lượng quản lý đê chuyên trách phát hiện vi phạm, lập biên bản, báo cáo kịp thời nhưng UBND xã, phường, thị trấn cũng không ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền và không báo với cấp cao hơn để xử lý sớm. Thậm chí, nhiều vi phạm dù được cấp trên, kể cả UBND tỉnh, chỉ đạo nhưng chính quyền cơ sở vẫn không xử lý hoặc xử lý một cách hình thức, không triệt để, không kịp thời.
UBND huyện Vụ Bản phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra công tác quản lý hành lang đê hữu sông Đào. |
Để khắc phục bất cập trên, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý đê điều của các cấp chính quyền; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Các huyện, thành phố yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn, lập kế hoạch, kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là các vi phạm mới phát sinh; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23-8-2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Từ đầu năm đến nay, các xã, thị trấn đã chủ động nâng cao trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm hành lang đê điều, nhất là các vụ việc mới phát sinh. Tiêu biểu như huyện Trực Ninh, từ cuối tháng 2-2019, qua giám sát, kiểm tra, Hạt Quản lý đê Trực Ninh mới phát hiện, kịp thời báo cáo và nhận được sự hợp tác xử lý tích cực của chính quyền địa phương đối với hai trường hợp vi phạm đê điều trên địa phận Thị trấn Cát Thành, xã Trực Hùng. Cụ thể: tại K11+500 đê hữu sông Ninh Cơ thuộc địa phận Thị trấn Cát Thành, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Tần đang xây dựng sân tennis cách chân đê phía sông 9m (kích thước 38x20m), xây tường xung quanh sân cao 1m so với mặt bãi, trồng cột, quây lưới, vi phạm Điều 7 và Điều 26, Luật Đê điều; ngày 23-2-2019 Hạt quản lý đê Trực Ninh cùng UBND Thị trấn Cát Thành đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu Công ty dừng thi công, giải tỏa công trình, hoàn trả mặt bằng; UBND Thị trấn Cát Thành đã tập trung đôn đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Tần thực hiện đúng các yêu cầu kiến nghị trong biên bản. Tại K25+660 đê tả sông Ninh Cơ thuộc địa phận Cụm công nghiệp Trực Hùng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân đang đào móng, đổ bê tông chân cột để dựng nhà khung thép (kích thước chiều vuông góc với đê 60m, chiều dọc theo đê là 27m). Tổng số 30 hố, kích thước 1 hố (2x2x1m), vi phạm Điều 26 Luật Đê điều. Hạt quản lý đê Trực Ninh và UBND xã Trực Hùng đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân dừng thi công, giải tỏa công trình, hoàn trả mặt bằng; UBND xã Trực Hùng đã tập trung đôn đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân thực hiện theo đúng các yêu cầu kiến nghị trong biên bản. Tại huyện Nam Trực, ngay khi phát hiện việc trồng cây vi phạm hành lang bờ hữu kênh Cổ Lễ - Bà Nữ tại xã Nam Thanh, từ vị trí phía trước nhà quản lý cống Cổ Lễ đến nhà ông Hường thuộc địa phận thôn Tân Giang, huyện đã tập trung lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời xử lý. UBND huyện Nam Trực đã yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh căn cứ Luật Thủy lợi và các văn bản quy định của Nhà nước về bảo vệ công trình thủy lợi, tạo điều kiện để UBND xã Nam Thanh giao tập thể tổ dân phố số 7 thôn Tân Giang quản lý và tạm thời mượn sử dụng phần đất hành lang bảo vệ kênh Cổ Lễ - Bà Nữ để trồng cây (cây bóng mát, hoa...) và các công trình khác khi được sự nhất trí của Công ty và UBND xã Nam Thanh. UBND xã và cấp ủy cơ sở thôn Tân Giang tăng cường phố hợp với Công ty làm tốt công tác quản lý đất đai và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm hành lang bảo vệ kênh Cổ Lễ - Bà Nữ thuộc thôn Tân Giang theo đúng quy định pháp luật; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ hành lang công trình đê điều, thủy lợi, phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm và báo cáo kịp thời về Công ty, UBND xã để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Những sự việc kể trên cho thấy, các địa phương trên toàn tỉnh cần tích cực phát huy tinh thần chủ động nâng cao trách nhiệm từ cấp chính quyền cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành lang đê điều./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy