Làm giàu từ nghề chế biến nông sản

04:08, 30/08/2019

Khởi nghiệp bằng nghề chế biến nông sản truyền thống của gia đình, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hương, xã Tân Thành (Vụ Bản) đã mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cơ sở chế biến nông sản Việt Trung của chị Nguyễn Thị Thu Hương, xã Tân Thành (Vụ Bản) tạo việc làm cho 20 lao động địa phương.
Cơ sở chế biến nông sản Việt Trung của chị Nguyễn Thị Thu Hương, xã Tân Thành (Vụ Bản) tạo việc làm cho 20 lao động địa phương.

Đến thăm cơ sở sản xuất, chế biến nông sản Việt Trung của gia đình chị Hương, mọi người đều thán phục trước cơ ngơi bề thế vợ chồng chị tạo dựng được. Trong khu nhà xưởng khang trang, các hoạt động sản xuất được thực hiện bằng hệ thống máy móc hiện đại, trung bình mỗi tháng sản xuất hơn 200 tấn nguyên liệu; đặc biệt trong dịp 2 tháng cuối năm, mỗi tháng sản xuất tới 400 tấn nguyên liệu. Vừa kiểm tra chất lượng mẻ đỗ thành phẩm trước khi đóng bao bì xuất hàng, chị Hương chia sẻ với chúng tôi về quá trình nỗ lực vượt qua khó khăn để có được những thành quả như ngày hôm nay. Khoảng mấy chục năm trước, do nhà nghèo đông con, bố mẹ chồng chị Hương ban ngày cày cấy ngoài đồng, đêm về phải làm thêm hàng sáo. Lúc đó, các loại nông sản được xay giã, dần sàng, phân loại, đóng gói đều theo phương pháp thủ công; nhà xưởng chưa có, vốn mua nguyên liệu có hạn nên nguồn hàng chỉ sản xuất được rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách. Sau khi lập gia đình riêng, vợ chồng chị Hương ra làm cùng bố mẹ, từng bước học hỏi kinh nghiệm làm nghề. Được chính quyền địa phương và các ngân hàng tạo điều kiện cho thuê đất, vay vốn, gia đình chị mạnh dạn đầu tư thành lập cơ sở sản xuất, chế biến nông sản Việt Trung. Hiện nay, tổng diện tích khu nhà xưởng khoảng 5.000m2. Bên cạnh đó, vợ chồng chị đã tích cực nghiên cứu, nắm bắt, xây dựng thị trường nông sản nguyên liệu, thị trường đầu ra cho nông sản thành phẩm. Từ chỗ chỉ bán ở trong tỉnh, đến nay, các mặt hàng nông sản của nhà chị được bán ở khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Nhận thấy nhu cầu về nguồn hàng ngày càng lớn, gia đình chị còn đầu tư cải tiến máy móc, thường xuyên bổ sung trang thiết bị mới đáp ứng kịp thời các đơn hàng và mở rộng quy mô sản xuất. Cơ sở chế biến nông sản của vợ chồng chị hiện có nhiều máy móc hiện đại phục vụ sản xuất được xây dựng theo quy trình dây chuyền khép kín. Riêng 2 máy xay xát thóc có công suất xay 100 tấn/ngày. Đặc biệt, gia đình chị đã đầu tư lắp ráp dây chuyền liên hoàn bóc tách, chế biến đỗ xanh trị giá nhiều tỷ đồng; trong đó, máy tách màu sử dụng công nghệ tiên tiến có thể loại bỏ những hạt bẩn, đen và tạp chất, cho ra sản phẩm đỗ xanh bóc vỏ thành phẩm đạt chất lượng cao. Chị Hương chia sẻ: “Nghề chế biến nông sản lãi không nhiều, chủ yếu lấy công làm lãi, tuy nhiên thị trường tiêu thụ lại rất lớn. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường, từ khâu chọn mua nguyên liệu thô đến khâu chế biến, gia đình tôi đều rất chú trọng”. Đơn cử như để chế biến sản phẩm đỗ xanh bóc vỏ phải qua rất nhiều công đoạn. Sau 2 lần sấy bằng máy, đỗ được cho vào thùng kín ủ 5-7 ngày để vỏ om, dễ bong rồi tiếp tục sấy thêm một lần nữa và cho vào máy xay xát, máy tách màu, loại bỏ hết hạt xấu, hạt sâu. Sử dụng máy bóc vỏ khô, sản phẩm đầu ra luôn khô ráo, không bị ẩm mốc, giữ được chất dinh dưỡng nhiều hơn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của cơ sở sản xuất và chế biến nông sản Việt Trung ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, được khách hàng ưa chuộng với mặt hàng chủ lực là đỗ xanh bóc vỏ nhãn hiệu “Tân Xuân”, vừng bóc vỏ… có mặt ở hệ thống siêu thị, cửa hàng, các chợ lớn tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng với việc tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở sản xuất chế biến, xuất các mối hàng buôn tại nhà, tại chợ Mỹ Tho (thành phố Nam Định), gia đình chị Hương còn có nhiều gian hàng kinh doanh các mặt hàng nông sản chế biến ở các địa phương khác. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập vài trăm triệu đồng.

Từ nghề chế biến nông sản, cơ sở sản xuất của gia đình chị Hương không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm cho 20 lao động có thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/người/tháng, trong đó có 10 lao động nữ; đồng thời tạo mối liên kết, tiêu thụ nguồn sản phẩm nông sản nguyên liệu lớn cho hàng nghìn hộ nông dân trong và ngoài xã, giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Với những đóng góp đó, chị Hương là một trong những phụ nữ tiêu biểu được Hội Phụ nữ tỉnh tôn vinh, biểu dương trong “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2019./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com