Những năm qua, nhờ phát triển chăn nuôi gà siêu trứng theo tiêu chuẩn VietGAHP, mô hình nuôi gà ta đẻ trứng, gà thịt của gia đình hội viên Nguyễn Văn Công, xóm 3 Đức Thuận, xã Hải Xuân (Hải Hậu) đã cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình của gia đình anh là một điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được nhiều người đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAHP của gia đình anh Nguyễn Văn Công, xóm 3 Đức Thuận, xã Hải Xuân cho hiệu quả kinh tế cao. |
Trước khi nuôi gà đẻ siêu trứng, anh Công đã từng làm nhiều nghề khác nhau. Trong một lần tình cờ biết đến mô hình nuôi giống gà siêu trứng Brown, anh nhận thấy mô hình này cho hiệu quả kinh tế rất cao. Vốn là người từng có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi nên đã thôi thúc anh tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật từ các mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng thành công khác. Năm 2006, qua các kênh thông tin, kết hợp với tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình, anh quyết tâm chuyển hướng chăn nuôi gà siêu trứng theo tiêu chuẩn VietGAHP. Xuất phát điểm là một gia trại chăn nuôi quy mô nhỏ, bản thân anh luôn suy nghĩ phải làm sao để phát triển mô hình kinh tế trang trại nhằm đưa ra những sản phẩm sạch, an toàn đến với người tiêu dùng. Với định hướng phát triển đó, anh tập trung nguồn vốn, vay mượn anh em, bạn bè và các nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn. Hệ thống chuồng trại được lắp đặt hệ thống thông gió, giàn lạnh, trong đó anh quy hoạch xây dựng một trại gà đẻ trứng áp dụng công nghệ chăn nuôi của Thái Lan với quy mô 10 nghìn con. Năm 2013, anh tiếp tục đầu tư, mở rộng xây dựng thêm một trang trại nuôi gà siêu trứng khép kín với quy mô 5.000 con, nâng tổng đàn gà đẻ lên 15 nghìn con. Năm 2014, anh đầu tư xây mới một trại chăn nuôi gà trắng thuộc giống gà Công Phượng với quy mô 10 nghìn con, nâng tổng đàn gà đẻ lên 25 nghìn con. Đến nay, trang trại của anh đã có gần 50 nghìn con gà siêu trứng giống Brown, trung bình mỗi ngày gia đình anh Nguyễn Văn Công cung cấp ra thị trường khoảng hơn 40 nghìn quả trứng, với giá bán dao động từ 1.700-2.000 đồng/quả. Ngoài ra, mỗi năm trang trại của anh còn xuất ra thị trường hàng chục tấn gà thịt sau khi thôi đẻ. Sau khi trừ hết chi phí gia đình anh Công có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Ngoài chăn nuôi gà, anh còn đào ao nuôi cá với diện tích mặt nước trên 6.000m2 thả cá diêu hồng, cá trắm và quy hoạch 8.000m2 trồng cây ăn quả lâu năm. Với mong muốn đưa các sản phẩm của mình làm ra tới mọi miền của đất nước, năm 2015 anh quyết định thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Phượng. Từ đó, các thương hiệu trứng cũng được ra đời mang tên: Trứng gà Công Phượng, Trứng gà quê Công Phượng, Trứng vịt quê Công Phượng cũng được ra đời. Anh cũng đầu tư lắp đặt thêm dây chuyền thức ăn tự động của Đức và nâng tổng đàn chăn nuôi gà công nghệ cao lên 55 nghìn con. Theo anh Công, nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAHP đòi hỏi người chăn nuôi phải đảm bảo nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Toàn bộ hệ thống chăn nuôi của gia đình anh được đầu tư xây dựng khép kín, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm chuồng nuôi được điều khiển tự động và điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của đàn gà. Trước khi vào trại gà, công nhân phải trải qua bước khử trùng nhằm loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Cũng như gà thịt, gà nuôi lấy trứng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống cho đến phương pháp nuôi, đặc biệt là giai đoạn đẻ trứng, ấp, nở gà giống. Trong quá trình nuôi, đàn gà sẽ được theo dõi hàng ngày, có sổ nhật ký ghi lại những triệu chứng cụ thể để có cách xử lý. Quá trình chăm sóc, anh hướng dẫn người lao động làm việc trong trang trại luôn tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật như tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, nhất là trong thời tiết nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm. Do vậy đàn gà phát triển tốt, ít bệnh và tỷ lệ đẻ trứng cao. Từ khi nuôi gà con đến khi gà đẻ trứng khoảng 5 tháng, một lứa gà có thể khai thác trứng từ 7-8 tháng, tỷ lệ đẻ đạt 70-80%. Sau khoảng 8 tháng khai thác sẽ thay thế đàn gà mới, đảm bảo nguồn cung cấp trứng ra thị trường. Hiện ngoài nguồn lao động trong gia đình, trang trại của anh còn tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo anh Công, thực hiện chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAHP đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với các trại gà thông thường 4-5 lần, nhưng lại cho năng suất cao, sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều và đầu ra tiêu thụ thuận lợi. Đồng thời, thực hiện quy trình khép kín có thể giảm từ 5-10% chi phí thức ăn, chi phí thuốc thú y và giảm số nhân công phục vụ. Để tiếp tục phát triển quy mô sản xuất, anh thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao trình độ quản lý, chú trọng xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất vào chăn nuôi; đồng thời làm tốt công tác bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao để nâng cao sức cạnh tranh trong và ngoài tỉnh. Với hướng đầu tư hiệu quả, doanh thu bình quân hàng năm của trang trại đạt trên 20 tỷ đồng.
Trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được quan tâm như hiện nay, việc phát triển chăn nuôi sạch được cấp chứng nhận VietGAHP đang có rất nhiều triển vọng và mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Mô hình nuôi gà siêu trứng của gia đình anh Nguyễn Văn Công là một trong những mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương cũng như của tỉnh. Ngoài việc tích cực phát triển kinh tế gia đình, anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp nhau giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn