Tỉnh ta là tỉnh đầu tiên trong cả nước xuất hiện sâu keo mùa thu trên lúa mùa. Vì vậy các địa phương, người dân cần chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ đối tượng sâu hại này để bảo vệ sản xuất.
Sâu keo mùa thu có tên tiếng Anh là Fall Armyworn, viết tắt là FAW, tên khoa học là Spodoptera frugiperda J.E.Smith, thuộc Bộ cánh vảy, họ ngài đêm, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới của châu Mỹ và lần đầu tiên phát hiện ở châu Phi vào tháng 1-2016. Tại châu Á, loài sâu này được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ vào tháng 5-2018 và tiếp tục xâm nhập, lây lan sang các nước: Băng-la-đét, Sri-lan-ca, My-an-ma, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… Đây là loài sâu hại đa thực, có thể gây hại trên 300 loài thực vật và gây hại nặng trên ngô, lúa, kê và các loại rau. Ở nước ta, ngày 16-4-2019 Cục Bảo vệ thực vật công bố chính thức sâu keo mùa thu xuất hiện trên ngô. Sau khi xâm nhập vào nước ta, sâu keo mùa thu phát sinh và gây hại cục bộ ở hầu hết các tỉnh có trồng ngô với tổng diện tích 16.467ha ngô hè thu, trong đó diện tích nhiễm nặng 2.740,8ha… Tại tỉnh ta, ngày 9-4-2019 đã phát hiện sâu keo mùa thu trên ngô vụ xuân tại Hợp tác xã Nông nghiệp Bảo Xuyên, xã Liên Bảo (Vụ Bản), tiếp đó ngày 18-4-2019 phát hiện sâu keo mùa thu gây hại cục bộ trên ngô tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), nơi cao 5-7 con/m2. Đến ngày 16-7-2019, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại cục bộ trên ngô hè thu tại các xã Liên Bảo (Vụ Bản), Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Nam Hồng (Nam Trực), Phương Định và Trực Hùng (Trực Ninh), Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng), mật độ nơi cao 3-6 con/m2, cá biệt 7-10 con/m2. Đến ngày 23-7-2019, sâu keo mùa thu đã phát sinh thêm và gây hại cục bộ trên ngô hè thu tại xã Nam Hoa (Nam Trực), Ninh Cường (Trực Ninh)…
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tình trạng sâu keo mùa thu hại ngô tại địa bàn xã Liên Bảo (Vụ Bản). |
Sâu keo mùa thu gây hại chủ yếu trên ngô giai đoạn 3 lá đến trỗ cờ, gây hại mạnh giai đoạn ngô còn non (3-7 lá), những diện tích trồng sớm và muộn hơn so với đại trà đều bị sâu gây hại nặng. Sâu ra rải, lứa kéo dài, có hiện tượng gối lứa, mật độ sâu phổ biến 1-2 con/m2, cao 3-6 con/m2, cục bộ 7-10 con/m2. Sau cây ngô, ngày 23-7-2019, tại tỉnh ta tiếp tục phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên lúa tại xã Yên Tiến (Ý Yên), mật độ rải rác từ 1-2 con/m2, cục bộ 3-4 con/m2. Đến ngày 26-7-2019 phát hiện sâu này gây hại lúa mùa ở 2 xã Xuân Kiên, Xuân Phương (Xuân Trường); phân bố rải rác, nơi cao 1-3 con/m2. Đến ngày 6-8-2019, xuất hiện sâu keo mùa thu trên lúa tại xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). Khi phát hiện thấy loài giống sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại trên lúa trên địa bàn tỉnh, Chi cục đã thu thập mẫu gửi giám định tại Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật và Học viện Nông nghiệp Việt Nam để giám định loài, chủng. Ngày 7-8-2019, Chi cục đã mời các chuyên gia đầu ngành của Viện Bảo vệ thực vật và lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc về kiểm tra, xác minh và lấy mẫu giám định. Kết quả giám định mẫu côn trùng khẳng định, sâu keo mùa thu gây hại trên ngô đã lây lan và gây hại trên lúa mùa của tỉnh. Ngày 15-8-2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh công bố chính thức sâu keo mùa thu trên ngô (Spodoptera frugiperda) lây lan và gây hại trên lúa mùa cùng với sâu keo lúa (Spodoptera mauritia) và sâu keo da láng (Spodoptera exigua) tại xã Yên Tiến (Ý Yên); Xuân Kiên, Xuân Phương (Xuân Trường); Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng).
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện khoanh vùng và phun trừ đạt hiệu quả cao đối với 5ha lúa mùa của các địa phương. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ngay sau khi nhận được Công văn số 351/BVTV-TV ngày 19-2-2019 của Cục Bảo vệ thực vật về việc điều tra và theo dõi sâu keo mùa thu, ngày 27-2-2019 Chi cục đã ban hành Công văn số 28/TTBVTV về việc điều tra và theo dõi sâu keo mùa thu trên địa bàn tỉnh, đồng thời cử cán bộ điều tra theo dõi, thu thập mẫu sâu keo mùa thu trên ngô; ban hành Hướng dẫn số 86/TTBVTV ngày 6-5-2019 về hướng dẫn quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu trên ngô; tham mưu cho Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân và phòng, chống sâu keo mùa thu… Sở đã tổ chức hội nghị tập huấn biện pháp phòng, chống sâu keo mùa thu cho lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; đại diện một số xã, hợp tác xã trong tỉnh cùng toàn bộ cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Thường xuyên có văn bản hướng dẫn cách nhận biết sâu keo mùa thu và biện pháp phòng, chống sâu keo mùa thu, phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh phổ biến và đăng tải trên trang thông tin điện tử của ngành. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tiến hành khảo nghiệm, đánh giá hiệu lực phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô của một số loại thuốc bảo vệ thực vật tại xã Liên Bảo. Kết quả cho thấy, một số loại thuốc có hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC, Ammate® 150EC...), hoạt chất Flubenliamide (Takumi 20WG...), hoạt chất khác (Prevathon® 5SC, Chlorferan 240 SC…) có hiệu quả cao trong phòng trừ sâu keo mùa thu.
Tuy nhiên, sâu keo mùa thu là loài sâu hại mới nên chưa có nhiều thông tin về quy luật phát sinh gây hại cũng như biện pháp phòng trừ đặc hiệu sự tiếp cận nhận biết về sâu keo mùa thu của cán bộ địa phương và nông dân còn hạn chế. Thời vụ trồng ngô kéo dài, liên tục, việc gieo trồng manh mún, không tập trung tạo điều kiện cho sâu keo mùa thu lây lan từ vụ trước sang vụ sau. Hơn nữa, sâu keo mùa thu ra rải, lứa kéo dài, gối lứa, trong cùng thời điểm sâu có nhiều độ tuổi khác nhau nên khó phòng trừ. Bộ thuốc đăng ký trong danh mục phòng trừ sâu keo mùa thu chưa có, chỉ có một số ít loại thuốc trong danh mục thuốc tạm thời của Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo. Mặt khác, tỉnh ta là tỉnh đầu tiên phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên lúa, nên cũng chưa có quy định cụ thể về phương pháp điều tra, ngưỡng thống kê diện tích nhiễm, tỷ lệ hại… dẫn đến những khó khăn trong công tác điều tra, thống kê và chỉ đạo phòng trừ. Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về sâu keo mùa thu cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp huyện, xã và nông dân. Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo tình hình phát sinh gây hại; chủ động tham mưu cho tỉnh các biện pháp chỉ đạo phòng, chống sâu keo mùa thu kịp thời, hiệu quả; tổ chức áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để phòng, chống sâu keo mùa thu. Khuyến cáo các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp canh tác như: Làm sạch cỏ dại xung quanh ruộng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; làm đất kỹ, phơi đất khô để diệt nhộng trong đất; thực hiện luân canh ngô - lúa nước ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ngắt ổ trứng tiêu hủy ngay. Sử dụng chế phẩm nấm xanh, vi khuẩn BT, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; dùng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành. Phun thuốc hóa học lúc sáng sớm hoặc chiều mát khi mật độ sâu lớn hơn 4 con/m2, sâu 1-3 tuổi; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC, 300WG, Ammate® 150EC, Obaone 95WG, Sunset 300WG...) và hoạt chất khác (Takumi 20WG, Prevathon® 5SC, Chlorferan 240 SC…) để phun trừ cho những diện tích ngô, lúa bị nhiễm sâu keo mùa thu.
Sự vào cuộc tích cực, chủ động của ngành chuyên môn, các cấp chính quyền và người dân thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn hiệu quả sự lây lan, phá hại lúa, ngô của sâu keo mùa thu sẽ góp phần đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả./.
Bài và ảnh: Văn Đại