Theo số liệu khảo sát, năm 2018, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) có 4.636 hộ với 16.010 khẩu; trong đó có 137 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,02%), đến tháng 6-2019 giảm còn 95 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,09%). Để đạt được kết quả đó, Đảng ủy, UBND Thị trấn Cát Thành đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Các chương trình, dự án giảm nghèo đã nhận được sự chung tay, đóng góp của cộng đồng để hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Mạnh Quân Phát, Thị trấn Cát Thành tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Hàng năm, Đảng ủy, UBND thị trấn chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo; thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: Chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ về nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ hộ nghèo tiền điện sinh hoạt, cấp thẻ Bảo hiểm y tế… Thị trấn cũng triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đảm bảo mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các khu dân cư từng bước nâng cao trình độ, năng lực công tác cũng như ý thức trách nhiệm; triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo; làm tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm chính xác, đầy đủ, đúng quy định, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp giảm nghèo và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trấn có 56 hộ nghèo phát sinh; trong đó có 37 hộ nghèo được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Các hộ nghèo, cận nghèo luôn được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ y tế, giáo dục. Đến nay, 100% người nghèo ở thị trấn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế với tổng chi phí hàng chục triệu đồng. Qua đó, mỗi năm có hàng trăm lượt người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí, giảm bớt khó khăn. Đối với chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo, năm học 2018-2019, thị trấn đã hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí cho học sinh con hộ nghèo theo Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính phủ. Các chính sách hỗ trợ về nhà ở, tiền điện, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn thị trấn đều được triển khai đúng đối tượng. Đến nay, thị trấn có 245 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi; trong đó vốn vay hộ nghèo 1,775 tỷ đồng, vốn vay hộ cận nghèo 4,584 tỷ đồng, vốn vay học sinh, sinh viên 808 triệu đồng, vốn vay giải quyết việc làm 1,340 tỷ đồng, vốn vay thoát nghèo 835 triệu đồng. Công tác quản lý vốn vay được thực hiện chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Cùng với việc được vay vốn, các hộ nghèo, cận nghèo còn được tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tuyên truyền và hướng dẫn cho đoàn viên, hội viên quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế… Ngoài việc tuyên truyền, tư vấn cho các đối tượng tham gia học nghề do tỉnh, huyện tổ chức, thị trấn đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn (trung bình từ 1-2 lớp/năm), gồm: May công nghiệp, cơ khí, sửa chữa điện tử, điện lạnh, mỗi lớp từ 40-45 học viên, chủ yếu là lao động thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thị trấn đã huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các công trình đến nay đã hoàn thành theo quy hoạch đạt chuẩn nông thôn mới và ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo cải thiện sinh kế, điều kiện sống. Thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về việc làm, thu nhập cho người dân, trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, thời gian qua Thị trấn Cát Thành đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng các ngành nghề sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo thêm việc làm cho người lao động. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thị trấn đã tập trung triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích gieo cấy vụ chiêm xuân 2019 là 493,25ha; diện tích gieo sạ đạt 95% tổng diện tích lúa. Trong chăn nuôi, các hộ dân phát triển theo hướng gia trại, trang trại, đưa các giống gia súc, gia cầm có chất lượng, giá trị thu nhập cao vào chăn nuôi. Trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, Thị trấn Cát Thành được quy hoạch thành 3 vùng kinh tế gồm: Khu thương mại dịch vụ (khu dân cư thôn Trực Cát); khu phát triển nghề khâu nón lá truyền thống (khu dân cư thôn Hương Cát); chế biến nông sản (khu dân cư thôn Phú An); khu phát triển nghề dịch vụ vận tải sông biển, công nghiệp đóng tàu (Cụm công nghiệp Cát Thành). Trên địa bàn thị trấn thu hút được 2 công ty có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty KIARA (Ấn Độ) và Công ty Sungwon Vina (Hàn Quốc) tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các khu vực lân cận. Thu nhập bình quân đầu người ở thị trấn đạt 42,4 triệu đồng/năm.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5% mỗi năm, thời gian tới Thị trấn Cát Thành chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Tăng cường rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, qua đó phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng; trên cơ sở đó triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các giải pháp hỗ trợ cụ thể phù hợp đối với từng nhóm đối tượng./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng