Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020, huyện Nam Trực đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa; xây dựng mô hình cánh đồng lớn; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi... Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân.
Nông dân xã Nam Hoa chăm sóc cây khoai tây. |
Huyện Nam Trực có tổng diện tích đất nông nghiệp 11.565ha, bao gồm đất trồng lúa, đất chuyên màu và đất trồng hoa, cây cảnh. Sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, huyện đã hình thành được 3 vùng sản xuất nông nghiệp chính là: vùng chuyên trồng lúa trên 8.300ha; vùng đất bãi bồi ven sông Hồng và sông Đào trên 300ha và đất chuyên màu trên 1.200ha... Thực hiện chỉ đạo của huyện, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển các mô hình cánh đồng lớn có liên kết tiêu thụ sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao như: vùng chuyên canh cây màu, cây vụ đông ở các xã Nam Dương, Nam Hùng, Nam Hoa, Thị trấn Nam Giang; vùng bãi bồi ở Nam Thắng, Tân Thịnh; vùng trồng hoa cây cảnh ở các xã Điền Xá, Nam Toàn, Nam Mỹ… hàng năm cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng. Năm 2018, huyện có 45 cánh đồng lớn với quy mô 2.800ha chuyên sản xuất lúa, cây màu hàng hóa, tăng 19 cánh đồng lớn so với năm 2015. Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tại các cánh đồng lớn sản xuất lúa, trồng màu, nông dân đã thực hiện phương thức 3 “cùng”: cùng giống, cùng thời vụ, cùng quy trình thâm canh và tăng cường cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch nên đã giảm đáng kể chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế tăng từ 4,5-5 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà. Năm 2018, sản lượng nông sản ở các vùng cánh đồng lớn đạt 9.000 tấn lúa, 14.425 tấn khoai tây, lạc, chủ yếu bán ra thị trường các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... thông qua các doanh nghiệp và các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện và Thành phố Nam Định. Mô hình cánh đồng lớn trồng lúa Dự hương quy mô 350ha tại các xã Bình Minh, Nam Thái, Nam Hải, Nam Tiến... vụ xuân năng suất 65 tạ/ha, sản lượng 2.275 tấn; vụ mùa đạt 58 tạ/ha, sản lượng 2.030 tấn; hiệu quả kinh tế tăng 5% so với sản xuất lúa đại trà. Mô hình vùng trồng lạc vụ xuân diện tích 700ha tại xã Nam Hoa, Nam Hùng, Nam Dương... đạt năng suất 40 tạ/ha, sản lượng 2.800 tấn, hiệu quả kinh tế tăng 3-5% so với sản xuất đại trà. Mô hình vùng trồng khoai tây vụ đông quy mô 750ha tại các xã: Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Dương, Thị trấn Nam Giang năng suất 155 tạ/ha, sản lượng 11.625 tấn, hiệu quả kinh tế tăng 5% so với sản xuất đại trà. Mô hình trồng hoa, cây cảnh tại Điền Xá, Nam Toàn, Nam Mỹ, Nam Thắng quy mô 370ha, tăng 120ha so với năm 2011 thu hút khoảng 3.000 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng. Trước xu thế cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, năm 2017 UBND huyện đã xây dựng Đề án “Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020” nhằm động viên hộ nông dân, tổ chức, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất tạo những vùng ruộng lớn phù hợp yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hoá có thể cơ giới hóa tối đa các khâu, phù hợp với thực tế lao động nông nghiệp giảm, mùa vụ gấp rút, quay vòng nhanh, thuận lợi, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng sức thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Năm 2018, huyện đã hỗ trợ xây dựng triển khai chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa Bắc thơm 7 chất lượng cao giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) với Hợp tác xã nông nghiệp Nam Thành (xã Nam Thái) và 63 hộ nông dân, quy mô 50ha, sản lượng thu mua trên 200 tấn/vụ, hiệu quả kinh tế tăng 10-15% so với sản xuất lúa đại trà. Tại xã Tân Thịnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Syngenta Việt Nam đã thuê ruộng của các hộ nông dân để đầu tư thực hiện dự án Nghiên cứu và phát triển giống lúa lai Syngenta với quy mô 4ha. Năm 2017, Công ty đã lai tạo thành công giống lúa lai 3 dòng S9368 và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Năm 2018, Công ty đã được công nhận sản xuất thử giống lúa SYN98 và một số giống lúa và cây trồng khác. Sản xuất phát triển ổn định, Công ty tạo việc làm cho trên 30 lao động nông nghiệp tại địa phương với mức thu nhập ổn định bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi của huyện cũng chuyển dịch nhanh từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, tập trung quy mô vừa, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện, toàn huyện có 18 trang trại, tăng 9 trang trại, hiệu quả kinh tế tăng gấp 2,5 lần so với năm 2011 và 345 gia trại, giá trị sản xuất hàng hóa bình quân đạt trên 900 triệu đồng/gia trại. Điển hình như: Công ty Cổ phần Gà giống Châu Thành có diện tích 7,9ha với 15 dãy chuồng nuôi 12 nghìn gà mái đẻ/năm; mỗi tháng cung cấp cho thị trường 280 nghìn trứng gà, 46 nghìn trứng vịt và 180 nghìn con gà, vịt giống. Doanh thu hàng năm của Công ty đạt 17,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 41 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô gia trại theo công nghệ chuồng kín như hộ ông Triệu Văn Tuấn ở xã Nam Hoa nuôi từ 100-150 con lợn và 2.500-6.500 con vịt thịt/lứa; hộ ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Nam Thái, quy mô 60 con lợn nái sinh sản, 150 con lợn thịt/lứa; hộ ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Nam Cường nuôi 150-250 con lợn thịt/lứa. Kinh tế thủy sản nội đồng của huyện cũng phát triển tích cực, diện tích nuôi thủy sản đến nay đạt 751ha, tăng 125ha so với năm 2011; sản lượng hàng hóa đạt 2.380 tấn, tăng 1,5 lần so với năm 2011; đã hình thành nhiều vùng nuôi thủy sản tập trung ở các xã: Nghĩa An, Nam Toàn, Nam Hoa, Nam Hồng... Đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, từ nuôi các loại cá truyền thống đã chuyển dần sang các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, thị trường ổn định. Nghề nuôi cá thịt phát triển kéo theo sản xuất cá giống tăng trưởng mạnh. Công ty Cổ phần Cá giống Nam Trực ở xã Nam Toàn có 4,5ha nuôi thủy sản, trong đó có 3ha chuyên nuôi cá bố mẹ sinh sản cung cấp cho người nuôi tại các tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam. Năm 2018, tổng sản lượng cá bột của Công ty đạt 750 triệu con các loại, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 5-5,5 triệu đồng/người/tháng…
Từ những kết quả bước đầu trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát huy thành tựu của chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tạo thế và lực cho huyện tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất theo quy hoạch đã được phê duyệt, thúc đẩy xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, các vùng sản xuất chuyên canh; xây dựng các mô hình sản xuất lúa, rau an toàn, hoa công nghệ cao, nuôi thủy sản thâm canh làm cơ sở để nhân ra diện rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao./.
Bài và ảnh: Văn Đại