Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vụ Bản đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, khởi nghiệp, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Chị Nguyễn Thị Sen, thôn Bất Di 3, xã Quang Trung (Vụ Bản) phát triển đàn vịt nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Để hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phong trào giúp phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Theo đó, ngay từ đầu năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tập trung chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã, thị trấn rà soát, nắm số lượng các hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Trên cơ sở đó hướng dẫn cơ sở Hội phân loại hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để có phương án hỗ trợ phù hợp về vốn, kiến thức, con giống, dạy nghề và tư vấn việc làm... Năm 2018, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đã giúp được 56 hộ thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều. Năm 2019, dự kiến số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ thoát nghèo là 45 hộ. Đồng hành với phụ nữ nghèo, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục duy trì xây dựng các quỹ: “Vì phụ nữ nghèo”, “Học bổng Hoàng Ngân”, “Mái ấm tình thương”... Từ đầu năm 2019 đến nay, nguồn đóng góp cho quỹ Học bổng Hoàng Ngân của huyện đạt gần 71 triệu đồng, quỹ Mái ấm tình thương là 45,6 triệu đồng... Từ nguồn quỹ trên, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm tình thương” cho chị Nguyễn Thị Hà, thôn Ngọc Thành, xã Cộng Hòa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 20 triệu đồng; thăm, tặng 224 suất quà, tổng trị giá 69,5 triệu đồng cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp lễ, tết; trao 6 cặp lá yêu thương; hỗ trợ 3 gia đình hội viên mắc bệnh hiểm nghèo và 1 gia đình hội viên khó khăn làm nhà ở với số tiền 15,5 triệu đồng… Hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm luôn được các cấp Hội quan tâm tổ chức thực hiện. Cụ thể, Hội Phụ nữ các xã Trung Thành, Hợp Hưng, Hiển Khánh, Minh Tân, Kim Thái, Thành Lợi, Tân Khánh phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trường Trung cấp nghề thương mại, du lịch, dịch vụ tỉnh, Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh tổ chức 8 lớp dạy nghề chế biến món ăn, may công nghiệp, gia súc, gia cầm, thu hút 275 hội viên tham gia. Đầu năm 2019, Hội Phụ nữ huyện phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Tín tổ chức hội nghị chuyên đề hướng dẫn kỹ thuật gieo sạ và chăm sóc, bảo vệ cho mạ, lúa và hoa màu, hướng dẫn sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, mầu vụ xuân, thu hút 7.852 hội viên phụ nữ. Hội Phụ nữ xã Tân Khánh phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức lớp may công nghiệp cho 35 học viên. Hội Phụ nữ xã Cộng Hòa phối hợp với Công ty Cổ phần Thương mại thanh niên Việt Nam mở 12 lớp tập huấn về “Ứng dụng an toàn sinh học trong sản xuất nông nghiệp”, thu hút 135 hội viên phụ nữ tham gia... Hoạt động hỗ trợ vốn giúp hội viên phát triển sản xuất được các cấp Hội đẩy mạnh, huy động dưới nhiều hình thức như: các nhóm tiết kiệm tại các chi, tổ phụ nữ, Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Quỹ quay vòng làm công trình vệ sinh hộ gia đình, Quỹ TYM, vốn An ninh thực phẩm hộ gia đình… Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn cho tổ tiết kiệm và vay vốn; kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn vay của tổ và các hộ gia đình. Đến nay, các cấp Hội đang quản lý 91 tỷ 401 triệu đồng, giúp cho 5.760 hộ vay vốn. Trong đó, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, 6 tháng đầu năm 2019 đã giải ngân 12 tỷ 017 triệu đồng cho 430 hộ vay, nâng tổng dư nợ toàn huyện là 73 tỷ 256 triệu đồng cho 3.342 hộ vay vốn. Thực hiện chương trình dự án Quỹ quay vòng làm công trình vệ sinh hộ gia đình, Hội Phụ nữ 4 xã Đại Thắng, Liên Bảo, Đại An, Hợp Hưng đang duy trì tốt nguồn vốn cho vay với dư nợ 2 tỷ 496 triệu đồng cho 699 hộ vay. Cùng với đó, hoạt động của Quỹ TYM được triển khai hiệu quả tại 9 xã, thị trấn và 60 cụm với dư nợ đạt trên 17,2 tỷ đồng cho 2.237 thành viên vay, tỷ lệ hoàn trả đạt 100%. Thông qua hoạt động triển khai các nguồn vốn vay đã khích lệ hội viên phụ nữ tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, vượt khó vươn lên làm giàu, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần hạn chế tình trạng phải đi làm ăn xa. Điển hình như các chị: Bùi Thị Hạnh, thôn Vậy, xã Cộng Hòa, mạnh dạn thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo quỹ đất đầu tư nuôi cá Koi, trồng chè, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương, doanh thu đạt 180-230 triệu đồng/năm; chị Đỗ Thị Thảo, thôn Trung Cấp, xã Tam Thanh tận dụng thuê đất nông nghiệp bỏ hoang của người dân địa phương để trồng các loại lúa đặc chủng như ST24, Bắc thơm 7, tạo việc làm cho 15 lao động nữ địa phương, thu nhập đạt 130 triệu đồng/vụ; chị Phạm Thị Thủy, xóm 14, xã Hợp Hưng nhận khoán 16.800m2 đất của xã để xây trang trại nuôi thỏ New Zealand, thu nhập đạt 85 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 7-8 lao động nữ với mức lương 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Mô hình thu mua, chế biến các mặt hàng nông sản của chị Nguyễn Thị Thu Hương, xóm 8, Tân Thành mang lại thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động, trong đó có 10 lao động nữ với mức lương 4-6 triệu đồng/người/tháng…
Thời gian tới, để đồng hành, hỗ trợ hội viên, đặc biệt là phụ nữ nghèo, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện tiếp tục rà soát, nắm số lượng phụ nữ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế... phấn đấu hàng năm có 90% phụ nữ được giúp đỡ về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế. Mỗi cơ sở Hội giúp được ít nhất một hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững. Hàng năm, các cấp Hội phối hợp tổ chức dạy nghề mới và khôi phục nghề truyền thống cho 200-300 lao động nữ, 60% trở lên có việc làm sau đào tạo góp phần tăng thu nhập cho phụ nữ./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân