Phối hợp lo sinh kế cho người chăn nuôi lợn

04:07, 12/07/2019

Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cả nước đang phải “gồng mình” chống chọi với dịch bệnh, người nuôi lợn lao đao, không thể và không dám tái đàn. Cùng với yêu cầu chuẩn bị nguồn thịt lợn thiếu hụt vào cuối năm thì việc tìm sinh kế trước mắt cho người nuôi lợn đang là vấn đề cần được ngành chức năng của tỉnh và các địa phương quan tâm...

Phát triển nuôi thủy sản thay thế chăn nuôi lợn là một trong những sinh kế được người dân xã Hải Đông (Hải Hậu) lựa chọn nhằm mang lại nguồn thu nhập cao hơn.
Phát triển nuôi thủy sản thay thế chăn nuôi lợn là một trong những sinh kế được người dân xã Hải Đông (Hải Hậu) lựa chọn nhằm mang lại nguồn thu nhập cao hơn.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tính đến ngày 1-7-2019, dịch tả lợn châu Phi đã khiến tổng đàn lợn của tỉnh giảm 29,6%; trong đó nhiều nhất là huyện Hải Hậu giảm 42,6% tổng đàn, tiếp đến là Trực Ninh 39,3%, Nghĩa Hưng 32,5% tổng đàn... Ý Yên là địa phương xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi chậm nhất vào ngày 14-4-2019, tuy nhiên đến ngày 30-6-2019, tổng số lượng lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy là 28.775 con, chiếm trên 20,8% tổng đàn lợn của toàn huyện. Nhiều xã trong tỉnh có số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy chiếm tới 70-80% tổng đàn như: Nam Hồng, Nam Hùng (Nam Trực); Trực Thắng (Trực Ninh); Hải Phương, Hải Thanh (Hải Hậu); Tân Thành, Đại Thắng (Vụ Bản); Yên Quang, Yên Lương (Ý Yên)... Trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, gia đình anh Nguyễn Viết Kiên, ở xóm 5, xã Tân Thành (Vụ Bản) đang có nguồn thu nhập khá ổn định từ nghề nuôi lợn. Khi có dịch mặc dù anh đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhưng cũng không thể bảo vệ được đàn lợn khi dịch lan rộng. Cả đàn lợn 1 con lợn nái, 7 con lợn thịt và 5 con lợn choai phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 1.145kg. Đã 2 tháng nay, cả 3 ô chuồng nhà anh vẫn để trống. Không nuôi lợn cũng đồng nghĩa anh Kiên không có việc làm và cũng chẳng có thu nhập nên đời sống gặp không ít khó khăn. Anh Kiên tâm sự: tôi cũng trăn trở, loay hoay tính toán để chuyển sang nuôi bò nhưng tìm đâu ra vốn? Chỉ đôi ba cặp bò cũng tốn cả trăm triệu đồng mua con giống, rồi chưa kể đến tiền xây chuồng, mua thức ăn. Muốn kiếm việc khác để làm thì không có nghề... Băn khoăn của anh Kiên cũng là khó khăn chung của nhiều hộ chăn nuôi lợn đang bị cơn bão dịch tả lợn châu Phi gây ra. Với những hộ thực hiện mô hình tổng hợp VAC thì việc lo sinh kế, thu nhập trước mắt không quá cấp bách vì còn có cây, con khác nhưng thu nhập giảm mạnh là điều không tránh khỏi, sinh kế lâu dài vẫn là điều trăn trở với người làm chủ gia đình.

Chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh ta chiếm trên 70% trong tổng số hộ chăn nuôi, đây là ngành nghề luôn tiềm ẩn rủi ro. Vì thế, sự cần thiết trước tiên là phải chuyển đổi từ mô hình, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, xen kẹp trong khu dân cư sang mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô, được đầu tư bài bản, hiện đại và phát triển tại các vùng quy hoạch dành cho chăn nuôi. Thực tế trong gần 4 tháng kể từ khi tỉnh ta xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên cho thấy, bệnh dịch tả lợn châu Phi khởi phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô nuôi từ 5-10 con lợn và nhanh chóng lây lan sang hộ khác trên địa bàn. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ nên các hộ ít quan tâm đầu tư, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cũng như công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại không được chú trọng; thậm chí việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch ở một số hộ dân ban đầu còn mang tính hình thức, đối phó và không tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của ngành chuyên môn. Không chỉ là nguyên nhân, tác nhân chính khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, mạnh, khó kiểm soát, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ còn gây rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý khi dịch xảy ra. Bởi trong khu dân cư nhiều đường ngang, ngõ tắt, mặt đường nhỏ hẹp khiến việc đưa phương tiện vào vận chuyển lợn bệnh đi tiêu hủy rất khó khăn. Trong khi tốc độ lây lan nhanh, số lợn phải tiêu hủy lớn, các ổ dịch lại nằm rải rác ở nhiều thôn, xóm và diễn ra trong nhiều ngày… Từ thực tế trên cho thấy, đã đến lúc cần tính toán cụ thể cho việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi lợn từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại với sự đầu tư đồng bộ, bài bản về chuồng trại, kiểm soát quy trình chăn nuôi chặt chẽ từ chọn lựa con giống, thức ăn đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêu độc, khử trùng và vệ sinh môi trường.

Theo đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để từng bước ngăn chặn, khống chế và chấm dứt bệnh dịch tả lợn châu Phi thì ngay từ bây giờ cần phải tính toán và xem đây là “cơ hội” để cơ cấu, quy hoạch lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển tập trung, quy mô trang trại, gia trại, đủ khả năng chống chọi với các loại dịch bệnh cũng như những diễn biến dị thường của thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt trong những năm gần đây; đồng thời cung cấp cho thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh, dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ và đáp ứng cả yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thị Tố Nga thì cho rằng: Ngoài việc chuyển đổi về quy mô ngành và phương thức chăn nuôi thì việc cơ cấu lại đối tượng con nuôi cũng cần được tính đến, tức là bên cạnh con lợn, cần nghiên cứu định hướng đến những con nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với khả năng, tập quán, nguồn lực đầu tư của nông dân như: trâu, bò, con nuôi thủy sản... Kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu thực phẩm (thịt gia cầm, trâu, bò, lợn…) để giúp người chăn nuôi trong quá trình chuyển đổi sản xuất.

Tuy nhiên, để việc chuyển đổi ngành chăn nuôi và tạo sinh kế bền vững cho người chăn nuôi đảm bảo thành công rõ ràng rất cần có sự vào cuộc của ngành chức năng, các địa phương và sự tham gia tích cực, chủ động của người chăn nuôi. Có cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tạo chuỗi liên kết, hợp tác giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp trong việc cung cấp con giống, nguồn thức ăn và tiêu thụ sản phẩm... Đồng thời cũng cần sự hợp tác của người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, không quá thiên về thịt lợn để giảm áp lực lên chăn nuôi lợn cũng như tạo cơ hội tiêu thụ các đối tượng nuôi khác./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



Đơn vị cung cấp Làm Chủ Cuộc Săn Với Heo Rừng uy tín

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com