Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đảm bảo người dân dễ dàng tiếp cận với các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ các hộ khó khăn phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Xuân Trường giao dịch định kỳ tại xã Xuân Thượng. |
Để tiếp tục phân bổ nguồn vốn hiệu quả kết hợp đẩy mạnh hỗ trợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đảm bảo an toàn, hiệu quả, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp và công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ; thực hiện có hiệu quả việc phân bổ vốn vay, ủy thác cho vay qua các tổ chức hội, đoàn thể đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách nhanh chóng có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các huyện, thành phố đã có 339 thành viên tham gia, trong đó: cấp tỉnh có 12 thành viên; cấp huyện, thành phố có 327 thành viên. Công tác kiện toàn bổ sung Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện, thành phố được quan tâm chỉ đạo góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, giúp lãnh đạo các địa phương nắm bắt kịp thời tình hình quản lý vốn vay; đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình triển khai nguồn vốn đảm bảo phù hợp với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện những tồn tại, sai sót; có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đề xuất kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng để xử lý, chỉnh sửa, bổ sung vốn chính sách phù hợp với thực tế tại địa phương. Thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát, đến 30-6-2019, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện kiểm tra tại 8/10 đơn vị cấp huyện, kiểm tra được 8 đơn vị cấp xã, 18 tổ tiết kiệm và vay vốn, 88 hộ vay vốn, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố kiểm tra được 133/229 xã, phường, thị trấn; 314 tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó, Ban đại diện Hội đồng quản trị đã tham mưu kịp thời cho HĐND, UBND các cấp cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động của Ngân hàng trên địa bàn, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình tín dụng giữa các địa bàn; điều chỉnh nguồn vốn giữa các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên đảm bảo nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng đúng, kịp thời, an toàn.
Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2019, tổng nguồn vốn tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tăng trưởng đạt 3.044,2 tỷ đồng, tăng 208,7 tỷ đồng so với đầu năm. Cơ cấu nguồn vốn được phân bổ hợp lý gồm nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 2.596,42 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 85,3% tổng nguồn vốn, tăng so với đầu năm 206,6 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân là 421,1 tỷ đồng, chiếm 13,8% tổng nguồn vốn. Vốn nhận ủy thác đầu tư từ ngân sách địa phương là 26,68 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng nguồn vốn. Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 20.479 lượt khách hàng được vay vốn với số tiền 620,1 tỷ đồng, bằng 107,7% cùng kỳ năm trước, cho vay tập trung chủ yếu vào các chương trình: hộ cận nghèo 233,8 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 204,6 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 103,7 tỷ đồng; hộ nghèo 38,3 tỷ đồng; giải quyết việc làm 21,7 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 30-6-2019 đạt 3.021,7 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 187 tỷ đồng (tương đương 6,6%), đạt 99,3% kế hoạch giao với 105.796 khách hàng đang có dư nợ. Tăng trưởng dư nợ tập trung ở các chương trình cho vay hộ cận nghèo (tăng 110,8 tỷ đồng), nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (tăng 95,3 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (tăng 61,5 tỷ đồng)… Các chi nhánh huyện, thành phố đều có dư nợ tăng trưởng so với năm trước, một số đơn vị có mức tăng trưởng cao như: Nghĩa Hưng tăng 37,3 tỷ đồng, Ý Yên tăng 32,7 tỷ đồng, Hải Hậu tăng 32 tỷ đồng, Nam Trực tăng 19,6 tỷ đồng, Giao Thủy tăng 19 tỷ đồng, Trực Ninh tăng 18,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng 6 tháng đầu năm, đã có 775 hộ nghèo, 4.733 hộ cận nghèo, 2.125 hộ mới thoát nghèo và 12.843 đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 1.146 hộ thoát nghèo, 1.197 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm cho 540 lao động; 2.049 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để tiếp tục học tập; xây dựng 20.484 công trình nước sạch, vệ sinh; 8 căn nhà ở cho người có thu nhập thấp, 1 căn nhà cho hộ nghèo có nhà ở dột nát đóng góp tích cực ổn định an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22-2-2019 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, từ 1-3-2019, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được nâng từ 60 tháng lên 120 tháng. Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho được 100 hộ vay với tổng số tiền là 8 tỷ đồng (bình quân 80 triệu đồng/hộ), trong đó 39 hộ được vay mức tối đa 100 triệu đồng. Cùng với việc tăng trưởng dư nợ tín dụng, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục được Ngân hàng tập trung chỉ đạo quyết liệt trong toàn tỉnh nên tỷ lệ nợ quá hạn hiện chỉ chiếm 0,1% tổng dư nợ. Ngoài ra, nhằm huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân, công tác huy động tiền gửi thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được Ngân hàng quan tâm chỉ đạo thực hiện giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hành tiết kiệm, tạo nguồn hỗ trợ cho việc trả nợ, trả lãi tiền vay và tự tạo lập nguồn vốn ngày càng nhận được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban quản lý tổ và đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực của người vay. Do vậy hoạt động tiền gửi của Tổ tiếp tục đi vào ổn định 6 tháng đầu năm, doanh số thu tiền gửi đạt 31 tỷ 375 triệu đồng, doanh số chi tiền gửi 24 tỷ 350 triệu đồng. Đến 30-6-2019, có 100% số tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiền gửi với 106.160 tổ viên tham gia, chiếm 97% số tổ viên. Số dư tiền gửi đạt 129 tỷ 451 triệu đồng, tăng 7 tỷ 25 triệu đồng.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục dành nguồn vốn ngân sách bổ sung nguồn vốn ủy thác qua ngân hàng năm 2019, bám sát chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng để giải ngân triệt để các nguồn vốn, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, phấn đấu giảm tỷ lệ quá hạn xuống dưới 0,1% dư nợ; nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, thị trấn; xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2020 và giai đoạn 2020-2022 đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, về tác hại của tín dụng đen, đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu để phát huy sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở các địa phương./.
Bài và ảnh: Đức Toàn