Đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng, đơn giản hoá thủ tục vay vốn nhằm tăng khả năng tiếp thụ vốn cho doanh nghiệp và người dân là những giải pháp căn cơ mà ngành Ngân hàng đang triển khai để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.
Giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. |
Ngay trong quý I năm 2019, để góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng và hạn chế tín dụng đen trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2019 chú ý mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với tái cơ cấu và nâng cao chất lượng tín dụng, ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời triển khai các giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp, chính đáng của người dân góp phần hạn chế cơ hội phát triển của tín dụng đen. Theo đó, các ngân hàng tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ như: chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7-3-2017; chính sách tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015; chương trình cho vay nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP, cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Hiện tại, các chương trình tín dụng nêu trên ở tỉnh ta đều có mức tăng trưởng ổn định, hiệu quả, an toàn. Tính đến hết 30-6-2019, tổng dư nợ cho vay tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 26.995 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,3% tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Tổng mức huy động vốn ước đạt 60.082 tỷ đồng, tăng 5.709 tỷ đồng (tương đương 10,5%) so với đầu năm và tăng 7.956 tỷ đồng (tương đương 15,3%) so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng đối với nền kinh tế ước đạt 58.306 tỷ đồng, tăng 2.242 tỷ đồng (tương đương 4%) so với đầu năm và tăng 6.232 tỷ đồng (tương đương 12%) so với cùng kỳ. Các tổ chức tín dụng đã tập trung kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với khách hàng/nhóm hàng có dư nợ lớn. Ngoài ra, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng, người dân, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn như: cải tiến quy trình cho vay, nâng cao chất lượng công tác thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho vay. Đa dạng hoá các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng. Các tổ chức tín dụng chủ động xem xét, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do các nguyên nhân khách quan chính đáng cho khách hàng chưa thể trả nợ đúng hạn theo quy định hiện hành bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, miễn, giảm lãi vay… giúp khách hàng không phải đi vay nặng lãi để đáo hạn. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đảm bảo kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Hiện tại, đã có 326 khách hàng tham gia chương trình với số tiền cam kết cho vay là 7.533 tỷ đồng, đã giải ngân được 6.907 tỷ đồng, bằng 91,7% mức cam kết. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng chủ động giảm lãi suất cho vay, cụ thể lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa 6%/năm, riêng Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Nam Định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với các khoản vay của các doanh nghiệp còn dư nợ đến ngày 9-1-2019. Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6-6,5%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6-9%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, khoảng 9-11%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. Các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi tiếp tay, thông đồng với các đối tượng cho vay nặng lãi; tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ vay vốn; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ thông tin về các kênh tín dụng chính thống, các chính sách tín dụng của ngân hàng, đặc biệt là chính sách cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng đến người dân và những dấu hiệu, tác hại của tín dụng đen để người dân cảnh giác. Đối với 2 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Agribank trên địa bàn tỉnh là Agribank chi nhánh Bắc Nam Định và Agribank tỉnh Nam Định, bên cạnh đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ còn chủ động triển khai gói tín dụng cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng của Hội sở chính để đáp ứng các nhu cầu vay cấp bách, chính đáng của khách hàng. Gói tín dụng này có hạn mức cho vay khoảng 30 triệu đồng, xét duyệt hồ sơ và giải ngân trong ngày với lãi suất thoả thuận hợp lý đảm bảo bù đắp rủi ro chi phí cho vay. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nam Định tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, đánh giá các chương trình tín dụng, điều chỉnh vốn cho các khu vực còn thiếu, khu vực có nhu cầu lớn, thực hiện giải ngân đúng đối tượng, sử dụng vốn hiệu quả. Tăng cường củng cố chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, đẩy mạnh công tác truyền thông về các chương trình tín dụng chính sách và tác hại của tín dụng đen để người dân biết và tránh. Từ ngày 1-3-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo; đồng thời nâng mức cho vay chương trình học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg lên mức 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên, để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường. Ngoài ra, để phòng ngừa các hoạt động “tiếp tay” cho tín dụng đen, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của các tổ chức tín dụng; chủ động phối hợp với Công an tỉnh cử cán bộ thanh tra tham gia Tổ công tác liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân; giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh góp phần giảm nạn tín dụng đen./.
Bài và ảnh: Đức Toàn