Hội Nông dân Nghĩa Hưng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

08:07, 22/07/2019

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tham gia có hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Gia đình anh Ngô Văn Tôn, Thị trấn Liễu Đề trồng quất cảnh và hoa các loại, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Gia đình anh Ngô Văn Tôn, Thị trấn Liễu Đề trồng quất cảnh và hoa các loại, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 21-7-2014 của Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX về “Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân giai đoạn 2014-2018 và những năm tiếp theo”, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực như: hỗ trợ nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản hàng hóa, tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, dạy nghề tại chỗ cho nông dân. Ngoài nguồn ủy thác Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương 1,7 tỷ đồng cho 39 hộ vay phát triển các mô hình tổ hợp tác sản xuất nước mắm truyền thống tại xã Nghĩa Hải, nuôi thủy sản tại các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Bình, đến nay Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong huyện có trên 1 tỷ đồng, tạo vốn cho nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các hộ được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, tập trung chăn nuôi, trồng cây rau màu, làm nấm, nuôi trồng thủy hải sản, duy trì và phát triển làng nghề... góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hội viên. Cùng với đó, các cấp Hội đã thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất. Đến nay, dư nợ vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các cấp Hội Nông dân huyện đang quản lý là trên 1.595 tỷ đồng cho 9.275 hộ vay; dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 100 tỷ đồng cho 2.829 hộ vay. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn được giao quản lý nguồn vốn 120 của Trung ương Hội (Chương trình Quốc gia về giải quyết việc làm) với số tiền 675 triệu đồng cho 15 hộ vay. Cùng với hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh, các cấp Hội Nông dân trong huyện còn đẩy mạnh các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Từ năm 2014-2018, Hội đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển nông nghiệp Thăng Long cung ứng hàng nghìn tấn phân bón trả chậm cho hội viên; phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cung ứng 3.000 giống cây ăn quả chất lượng cao cho hội viên các xã, thị trấn. Huyện Hội tổ chức cho hội viên tham gia 3 gian hàng tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại khu vực đồng bằng sông Hồng, giới thiệu các mặt hàng về giống cây ăn quả đặc sản và sản phẩm phục vụ tiêu dùng hàng ngày. Các cấp Hội còn triển khai xây dựng các loại hình tổ hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh, qua đó, các thành viên cùng nhau góp quỹ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ nhau về vốn, giống, kỹ thuật. Đến nay, toàn huyện có 12 tổ hợp tác được thành lập và đi vào hoạt động với 201 thành viên tham gia, tiêu biểu là: Tổ hợp tác trồng nấm dược liệu tại xã Nghĩa Phong; chăn nuôi lợn thịt và sinh sản tại xã Nghĩa Tân; nuôi cá bống bớp tại Thị trấn Rạng Đông; nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản ở xã Nghĩa Hải; nuôi trồng thủy, hải sản và tiêu thụ cá nước lợ ở xã Nghĩa Thắng; nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Nghĩa Lợi; nuôi trồng thủy sản ở các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Bình, Nghĩa Hùng; phát triển sản xuất trồng hoa, cây cảnh ở Thị trấn Liễu Đề. Để hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, giai đoạn 2014-2018, Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với các sở, ban, ngành, trung tâm, doanh nghiệp tổ chức 538 lớp tập huấn cho 93.629 lượt hội viên về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật; triển khai 3 mô hình trình diễn phân nén nhả chậm tại các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hải; 2 mô hình chăn nuôi sử dụng chế phẩm BIOWISH ở xã Nghĩa Thái và Thị trấn Quỹ Nhất; mô hình trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao tại các xã Nghĩa Thắng, Nam Điền. Hội Nông dân các cấp trong huyện còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Dạy nghề công lập huyện, Công ty Cổ phần May Sông Hồng tổ chức 74 lớp dạy nghề cho 2.490 nông dân, sau đào tạo 75% lao động có việc làm.

Để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện còn đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Qua phong trào đã có nhiều hội viên vươn lên làm giàu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Điển hình như: ông Nguyễn Văn Sơn, Thị trấn Rạng Đông chuyên sản xuất giống và nuôi cá bống bớp kết hợp tiêu thụ quy mô lớn trên địa bàn, thu nhập bình quân hàng năm trên 2 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Điệp, xã Nghĩa Lạc sản xuất đồ gỗ dân dụng thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm; ông Đinh Văn Đoài, xã Nghĩa Thành sản xuất nước sạch đóng chai thu nhập 400-500 triệu đồng/năm; ông Lại Văn Đương ở Thị trấn Quỹ Nhất chăn nuôi lợn thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm; bà Nguyễn Thị Hải, xã Nghĩa Lâm sản xuất cói xuất khẩu thu nhập 1 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Văn Chiến, xã Nghĩa Thắng nuôi cá mú thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Hội viên các chi Hội ở Thị trấn Liễu Đề trồng hoa cây cảnh, cho thu nhập 300-350 triệu đồng/hộ/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội Nông dân huyện đã phát động 60% hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và phấn đấu cuối năm có 50% số hộ đạt; chỉ đạo các đơn vị tiếp tục xây dựng mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi liên kết, xây dựng mô hình cánh đồng lớn, mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập từ 250 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phát động mỗi chi Hội đăng ký giúp từ 1-3 hộ thoát nghèo; mỗi xã, thị trấn trực tiếp giúp 1 hộ nghèo nâng cao đời sống. Hội viên trong huyện đã quyên góp 50,7 triệu đồng; 152 ngày công; vật tư, con giống trị giá 28,5 triệu đồng giúp đỡ 15 hội viên. Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Hội Nông dân huyện và cơ sở đã trao 110 suất quà với tổng số tiền 34,2 triệu đồng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ, hội viên còn ủng hộ xây dựng Quỹ “Mái ấm nông dân” với số tiền 9,5 triệu đồng.

Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, công ty, doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức các lớp dạy nghề cho nông dân. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn nông dân sử dụng vốn đúng mục đích, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân. Phối hợp với các doanh nghiệp theo chương trình liên kết “4 nhà”, trong đó Hội Nông dân là cầu nối giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp, các nhà khoa học có năng lực, giúp nông dân từ khâu quy hoạch, sản xuất, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích nông dân phát triển sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại với công nghệ tiên tiến, sản xuất theo chuỗi liên kết./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com