Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, huyện Mỹ Lộc đã chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác những lợi thế của địa phương để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó kinh tế nông nghiệp ở huyện Mỹ Lộc phát triển đa dạng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa ở xã Mỹ Tân. |
Huyện Mỹ Lộc đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh thâm canh, giữ vững sản lượng lúa đảm bảo an ninh lương thực và tăng diện tích, sản lượng lúa hàng hóa chất lượng cao giúp nông dân tăng thu nhập. Huyện chỉ đạo đổi mới cơ cấu giống lúa theo hướng sử dụng các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao và ít nhiễm sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các xã, thị trấn tăng cường phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho nông dân. Đồng thời tạo điều kiện giúp nông dân tiếp cận vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mỹ Lộc đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2018, ông Trần Đăng Huấn, thôn Liễu Nha, xã Mỹ Phúc đã thuê gom được 3 mẫu ruộng cấy lúa kém hiệu quả ở địa phương và chuyển sang trồng cây trạch tả. Ông Huấn cho biết, đây là cây thuốc nam, chữa một số bệnh như: lợi tiểu, hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh gút, phục hồi chức năng gan, thận… nên đang được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, củ trạch tả sau khi thu hoạch có thể sấy khô, bảo quản được hơn 1 năm nên người trồng không phải lo nhiều về đầu ra. Vừa qua, ông Huấn thu được 3 tấn củ trạch tả khô, sau khi trừ chi phí lãi trên 60 triệu đồng. Ngoài mô hình này hiện nay ở xã Mỹ Phúc còn một số hộ dân chuyển đổi 6ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng niễng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, xã Mỹ Tân đã mạnh dạn cho chuyển đổi diện tích đất thùng đào, thùng đấu ven đê, diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, hoa, cây cảnh và phát triển mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: xã đã vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hiện xã có trên 500ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích cấy lúa chỉ còn 130ha; rau màu và các loại cây hoa chiếm diện tích trên 200ha, còn lại là diện tích phát triển trang trại, gia trại tổng hợp… đang phát huy hiệu quả cao gấp nhiều lần so với cấy lúa, giúp nông dân có thêm việc làm và tăng thu nhập. Riêng diện tích chuyển đổi sang trồng hoa các loại cho thu nhập 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 7 lần so với trồng lúa. Sau dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, xã Mỹ Tiến đẩy mạnh chuyển đổi 30ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang làm vườn, nuôi thủy sản. Hiện xã đã hình thành 3 vùng chuyên canh là: vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại đạt 150 triệu đồng/ha; vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả 220 triệu đồng/ha; vùng trồng hoa, cây cảnh bãi Lang Xá trên 200 triệu đồng/ha. Nhờ chuyển đổi sản xuất nhiều nông dân trong xã có nghề mới, chất lượng lao động của xã từng bước được nâng lên theo hướng chuyên môn hóa. Điển hình như ông Trần Văn Ấp, ở thôn Lang Xá hiện là chủ trang trại 5ha trồng cây ăn quả đặc sản như cam Đường Canh, bưởi Diễn cho thu nhập trên dưới 500 triệu đồng/năm. Ngoài các mô hình kể trên, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mỹ Lộc còn thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn như: mô hình trồng mướp kết hợp nuôi thủy sản ở xã Mỹ Trung quy mô 30ha đạt 400 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi cá trắm đen 40ha tại xã Mỹ Hà doanh thu 500 triệu đồng/năm; vùng trang trại, gia trại 27ha ở xã Mỹ Thuận đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm… Đó là những kết quả tích cực trong thực hiện kế hoạch chuyển đổi những vùng canh tác lúa khó khăn sang các mô hình canh tác có hiệu quả kinh tế cao hơn của huyện Mỹ Lộc. Ở vùng đồng cao, khó khăn về nước tưới, huyện chuyển đổi sang canh tác rau màu, hoa cây cảnh; vùng đồng trũng khó khăn về tiêu thoát nước vụ mùa chuyển sang nuôi trồng thủy sản tập trung, kết hợp nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi theo phương thức sử dụng linh hoạt đất trồng lúa, chuyển đổi sang trồng cây rau màu ngắn ngày và các mô hình canh tác kết hợp... đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác của tỉnh tăng lên gần 110 triệu đồng; giá trị lợi nhuận mang lại cao hơn gấp 3-7 lần trồng lúa. Huyện Mỹ Lộc đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản tập trung cho sản lượng lớn, sạch và thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh kết quả đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Mỹ Lộc hiện vẫn còn một số hạn chế như: hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ở một số xã chưa đồng bộ; việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất của một số hộ dân còn mang tính tự phát chưa bảo đảm tính ổn định lâu dài.
Thời gian tới, huyện Mỹ Lộc tiếp tục duy trì cơ cấu mùa vụ hợp lý, khuyến khích phát triển đa dạng nhóm cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, có sức cạnh tranh cao. Chú trọng cải tạo hệ thống thủy lợi phù hợp với mô hình chuyển đổi. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhân rộng những điển hình nông dân sản xuất giỏi trên lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với chủ trương của Nhà nước là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng không làm mất diện tích đất trồng lúa và giúp tăng hiệu quả kinh tế - xã hội trên cùng một diện tích đất. Hỗ trợ thông tin thị trường giúp nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi; đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh