Xuôi theo triền đê sông Đào về xóm 8, xã Tân Thành (Vụ Bản), hỏi thăm anh Nguyễn Hữu Đông chuyên trồng lan, chúng tôi được người dân tận tình chỉ dẫn. Sau hơn 10 năm gắn bó, nghề trồng lan không chỉ thỏa mãn niềm đam mê với loài hoa này mà còn mang lại cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Hữu Đông, xã Tân Thành (Vụ Bản) chăm sóc lan đai châu trong vườn nhà. |
Xuất phát từ thú vui điền viên, từ lâu, anh Đông đã đặc biệt yêu thích các loài hoa, nhất là hoa lan, mỗi lần sà vào hàng lan là mải mê ngắm nghía, mua đến không còn đồng nào trong túi. Ban đầu chỉ là mua chơi vài chục ngồng, sau nhận thấy giá trị kinh tế của cây lan, anh tập trung vào trồng để kinh doanh. Việc trồng lan khá kỳ công, ngoài sự yêu thích còn đòi hỏi sự tỉ mỉ về quy trình chăm sóc và hiểu biết cặn kẽ thuộc tính của từng loài. Khó nhất là thời gian mới trồng, cây chưa ra rễ và thuần với khí hậu nên thường xuyên phải chú ý về sâu bệnh, điều tiết độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ. Chăm sóc lan hơn chăm con mọn, ngày ngày, anh luôn bám vườn, kịp thời phát hiện các triệu chứng bệnh để điều trị ngay, tránh lây lan; tạo môi trường sạch sẽ, thoáng mát cho cây phát triển. Lúc đầu, do chưa nắm vững về kỹ thuật chăm sóc, thiếu kinh nghiệm nên anh gặp rất nhiều khó khăn. Có những hôm đang nắng gặp mưa, lá và thân lan thối nhũn phải vất đi 6, 7 bệ hoa. Có những cây đã trồng được 7 năm, hoa lá đang vào độ đẹp, phát triển tốt thì phải dỡ ra trồng lại do ký trên gỗ nhãn hay bị mục chân. Ngoài ra, cây lan còn thường gặp một số loại sâu bệnh như: rụt rễ, vàng lá, rệp vảy nhót và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên người trồng phải biết cân đối nắng, mưa… Trước khi mưa, anh thường phải bơm phủ một lớp thuốc cho cây như một lớp áo giáp bảo vệ, sau khi mưa lại lấy nước bơm vào để hoàn tính môi trường của cây trở lại bình thường. Chưa kể những ngày bão gió, mưa dầm, sương muối phải “chạy” cây vào nơi an toàn hoặc phủ bạt để che chắn. Trải qua không ít thất bại trong suốt quá trình trồng, anh dần dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá, từ khâu ghép cây, chăm sóc đến khâu chọn gỗ để ghép lan. Nhiều lần, anh kỳ công mua những gốc cây tận chùa Hương về tỉa tót, đưa lên bệ để trồng lan, còn nếu đắt tiền hơn là dùng gỗ lũa, không bao giờ lo mối mọt. Sau những thăng trầm của nghề, đến nay, anh đã thuần thục về kỹ thuật chăm sóc lan đai châu, tạo ra những ngồng lan đẹp nở vào đúng dịp Tết, được người chơi rất ưa chuộng. Khi chọn mua giống cây, anh thường thiên về đai châu rừng Lào, Trường Sơn, không trồng và chơi đai châu cấy mô. Theo anh, đai châu rừng có hương thơm đặc biệt quyến rũ, màu sắc sáng đẹp, chuỗi hoa dài lại có độ bền cao, từ khi bắt đầu có ngồng hoa đến khi nở hết kéo dài khoảng 2,5 tháng. Lan đai châu còn “hay” ở chỗ ngoài cho hoa, chơi lá và rễ cũng rất đẹp bởi lá dày mọng nước, xanh đậm quanh năm, rễ khỏe khoắn, tỏa đều buông rủ. Anh Đông cho biết: “Hầu hết giống hoa lan rừng trong vườn nhà tôi hiện đã được thuần dưỡng, thích nghi với khí hậu nên không quá vất vả khi chăm sóc. Hiện tại, một tháng tôi chỉ cần phun thuốc 2 lần để phòng trừ các loại bệnh cho cây”. Để cây lan sinh trưởng tốt, anh còn đầu tư hàng trăm triệu đồng làm 4-5 giàn treo, có lưới che mát, đảm bảo cây không bị ánh nắng chiếu trực tiếp mà vẫn hứng được khí trời, sương, gió. Đến nay, vườn lan nhà anh Đông đã có 50 bệ đai châu, mỗi bệ ghép từ 30 ngồng trở lên, cá biệt có bệ ghép tới 40-50 ngồng. Ngoài ra anh còn sở hữu hàng trăm giỏ phi điệp là loài rất được thị trường ưa chuộng hiện nay và nhiều loại lan thân thòng như trầm, long tu, hạc vỹ... Riêng với đai châu, là loài hoa mang ý nghĩa “nghinh xuân” nên vào mỗi dịp Tết, lan đai châu nở rộ, vườn nhà anh lại tấp nập người đến thuê. Với giá cho thuê mỗi bệ từ 5-7 triệu đồng trong khoảng thời gian từ 18 tháng Chạp đến mồng 8 tháng Giêng, hàng năm, anh thu được vài trăm triệu đồng, chưa kể tiền bán các loại lan thòng. Thành công với nghề trồng lan, am hiểu về lan rừng, anh còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, hướng dẫn tận tình kỹ thuật chăm sóc cho người thích trồng và chơi lan.
Hơn 10 năm bén duyên với nghề trồng lan, anh Đông đã thỏa niềm đam mê khi ngày ngày được chăm sóc, ngắm nghía những ngồng lan xanh mướt, những giò lan đung đưa trong gió tỏa hương thơm ngát. Và hơn cả, nghề trồng lan đã góp phần phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh./.
Bài và ảnh: Lam Hồng