Chuyển biến về chất trong tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi

07:07, 16/07/2019

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm khắc phục những giới hạn của nền nông nghiệp kinh tế hộ, quy mô nhỏ với những hạn chế nội tại để nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, đồng thời góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Anh Nguyễn Phi Vũ, xã Tam Thanh (Vụ Bản) phát triển trồng giống thanh long ruột đỏ tại vùng chuyển đổi của xã, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Anh Nguyễn Phi Vũ, xã Tam Thanh (Vụ Bản) phát triển trồng giống thanh long ruột đỏ tại vùng chuyển đổi của xã, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 17-7-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định; Quyết định số 1346/QĐ-UBND ngày 30-7-2014 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch tích cực; trong đó cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh đã chuyển từ lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu, sang chất lượng và giá trị gia tăng, chuyển từ khai thác tài nguyên sang ứng dụng khoa học công nghệ và quản trị tiến bộ, sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường; đồng thời tích cực đổi mới các hình thức sản xuất, hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tạo sự phát triển đột phá ở nhiều địa phương. An ninh lương thực được đảm bảo, an ninh dinh dưỡng được cải thiện. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trong toàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh nông thôn mới, về đích sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra. Sản xuất nông nghiệp các huyện, thành phố đã phát triển nhiều mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Toàn tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được 207 cánh đồng lớn sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với diện tích 6.500ha, trong đó có 34 cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 1.480ha. Điều đáng ghi nhận là sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, góp phần tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác và lợi nhuận của người dân góp đất. Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của doanh nghiệp Toản Xuân với các hợp tác xã và hộ nông dân đạt tổng diện tích trên 300ha, sản lượng tiêu thụ trên 1.000 tấn lúa; lợi nhuận của hộ nông dân tham gia mô hình đạt 18 triệu đồng/ha, tăng 8-10% so với sản xuất đại trà. Cùng với việc duy trì quy mô chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giống lúa lai, lúa thuần quy mô 400ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân đã liên kết với doanh nghiệp của Nhật Bản triển khai mô hình sản xuất - tiêu thụ lúa gạo Japonica với quy mô 60ha; quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ nên chất lượng sản phẩm đảm bảo và được tiêu thụ tốt. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Phượng, xã Hải Xuân (Hải Hậu) thực hiện chuỗi sản xuất trứng gà theo tiêu chuẩn VietGAHP với quy mô 30 nghìn con gà đẻ. Mỗi năm Công ty cung cấp hơn 8 triệu quả trứng ra thị trường, lợi nhuận đạt 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, các siêu thị để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chương trình phát triển sản xuất rau sạch, rau an toàn tiếp tục được quan tâm với hàng chục mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của các công ty: VinEco, Tuệ Hương, Rau quả sạch Ngọc Anh. Thông qua những mô hình này đang từng bước hình thành lực lượng lao động mới có tư duy phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Không chỉ chuyển đổi phương thức sản xuất, các giống cây mới có tiềm năng năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa cao cũng đang được các địa phương và người dân áp dụng, mở rộng diện tích gieo trồng. Cụ thể, một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao như: M1, CS6, Thiên Trường 217 và một số giống khoai tây sạch bệnh đang được nghiên cứu đưa vào sản xuất thay thế các giống có năng suất thấp, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh cao. Tái cơ cấu chăn nuôi được triển khai theo hướng phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung; hình thành các doanh nghiệp chăn nuôi theo quy trình tiên tiến. Một số công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến như công nghệ chuồng kín, quy trình chăn nuôi sinh thái… được áp dụng nhanh trong các trang trại, gia trại. Nhờ đó đã giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có 313 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí mới, lợi nhuận bình quân đạt 250 triệu đồng/trang trại. Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAHP từng bước được áp dụng trong chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có 9 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP. Tỉnh đã xây dựng được 1 xã (xã Xuân Ngọc, Xuân Trường) và 14 trang trại lợn đảm bảo tiêu chí và được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng, góp phần quản lý tốt dịch bệnh và chất lượng đàn lợn đực giống, cải tạo chất lượng đàn vật nuôi ngay từ khâu con giống. Nuôi trồng thủy sản chuyển dần từ quảng canh sang thâm canh, hình thành các vùng nuôi tập trung. Một số đối tượng nuôi mới có giá trị, hiệu quả kinh tế cao như: tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược... được du nhập và phát triển ở các vùng nuôi.

Thị trường và phương thức tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cũng không ngừng được mở rộng, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế ở các địa phương. Hiện toàn tỉnh có hàng chục mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị. Mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường liên kết với các nhóm hộ nông dân xã Xuân Ninh, Xuân Thượng sản xuất hạt giống lúa lai F1, quy mô 100ha. Các công ty chịu trách nhiệm thu mua và tiêu thụ toàn bộ hạt lai F1 cho nông dân nên thu nhập của người sản xuất nâng cao từ 20 đến 25 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thường... Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân với các hộ nông dân; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu giữa Công ty Cổ phần Nam Dược với tổ hợp tác nuôi trồng và chế biến dược liệu Hải Lộc (Hải Hậu). Trong lĩnh vực trồng trọt, Công ty VinEco thuộc Tập đoàn VinGroup triển khai dự án đầu tư sản xuất rau sạch công nghệ cao tại huyện Xuân Trường với quy mô 140ha; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân và Công ty Ajichi Farm, tỉnh Fukui (Nhật Bản) thành lập Công ty liên doanh tổ chức hợp tác sản xuất và chế biến sản phẩm từ các giống lúa Nhật… Hiện tỉnh ta và tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) đang xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực và sản xuất, chế biến tiêu thụ một số nông, thủy sản có thế mạnh của tỉnh. Trong chăn nuôi, Công ty Cổ phần HTC-VINA và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Đạt đã đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; Công ty Ngũ Hải, Công ty Thái Việt… đầu tư trang trại chăn nuôi hàng nghìn con lợn nái ngoại, lợn thịt siêu nạc. Đặc biệt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (Thành phố Nam Định) liên kết với một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh với sản lượng 3.000 con lợn thịt/năm để sản xuất thịt lợn, xúc xích, chân giò hun khói. Công ty Biển Đông đã đầu tư gần 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn hiện đại, quy mô 20 nghìn tấn/năm. Ở lĩnh vực thủy sản, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan) đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến ngao xuất khẩu tại Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định) tổ chức liên kết sản xuất với các hộ nuôi ngao trong tỉnh, với dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín từ khâu làm sạch đến bảo quản, hàng năm xuất khẩu 5.000 tấn ngao sạch… Bên cạnh đó, việc xây dựng và quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu cũng đã được coi trọng. Nhiều thương hiệu nông sản đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước như: Gạo sạch Toản Xuân, Ngao sạch Lenger, Nước mắm Ninh Cơ, Rau quả sạch Ngọc Anh…

Những kết quả đã đạt được trong thực hiện tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian qua cho thấy bước chuyển về chất trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Đó là nền tảng quan trọng để nông nghiệp của tỉnh phát triển phù hợp với xu thế và yêu cầu thời kỳ mới./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



Thế giới Cây và hoa Việt Nam

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com