Bước phát triển mới của ngành công nghiệp chế biến

07:07, 23/07/2019

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp địa phương phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cùng với chỉ đạo phát triển nguồn nguyên liệu, các ngành nghề mới, tỉnh chú trọng thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến nông sản nhằm tạo khả năng phát triển tương hỗ giữa hai ngành nông nghiệp và công nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao giá trị lao động, thu nhập cho người dân nông thôn.

Chế biến thịt lợn xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại Biển Đông (Hải Hậu).
Chế biến thịt lợn xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại Biển Đông (Hải Hậu).

Trước hết, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo quy trình liên hoàn, khép kín. Trong gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Công thương tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ cho hàng trăm doanh nghiệp sản xuất các nhóm hàng chủ lực, có liên kết chuỗi giá trị với nông dân trong sản xuất, chế biến nông sản tại khu vực nông thôn đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của đối tác. Các ngành còn quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề chế biến nông sản xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Sở Công thương và các địa phương đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản làm tốt chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp và chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) nhằm khuyến khích đầu tư nâng tầm thương hiệu, thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực, thế mạnh có giá trị gia tăng cao của địa phương. Sự tích cực hỗ trợ của các ngành chức năng đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm động lực tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nói chung và chế biến nông sản nói riêng. Toàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng thành công các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản quy mô lớn, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Tiêu biểu như, năm 2017 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) đã phát triển quy mô chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo sạch chất lượng cao lên trên 800ha và đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo có công suất 30 nghìn tấn/năm. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Biển Đông (Hải Hậu) đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy giết mổ lợn quy mô lớn nhất khu vực miền Bắc với công suất 300 con lợn/giờ; hệ thống dây chuyền giết mổ lợn tự động đồng bộ nhập từ Hàn Quốc. Năm 2018,  Công ty chính thức đưa tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn công nghệ quốc tế với sản phẩm chính là thịt đông lạnh, các sản phẩm từ thịt lợn chế biến qua gia nhiệt cung ứng cho thị trường trong nước qua hệ thống siêu thị, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài… Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hiện Công ty đã liên kết với Tập đoàn De Heus của Hà Lan mở ra cơ hội cung ứng sản phẩm sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công, Trung Quốc, Malaysia... Bên cạnh đó, trên toàn tỉnh đã xây dựng được một số mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân tạo sự tương hỗ, cam kết, tự nguyện đảm bảo chất lượng trong tất cả các khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân hàng năm sản xuất, chế biến và tiêu thụ khoảng 15 nghìn - 20 nghìn tấn gạo chất lượng cao; mô hình liên kết sản xuất, chế biến các cây rau màu, cây dược liệu và lúa đặc sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường); chuỗi liên kết chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sạch giữa Công ty Biển Đông với các trang trại, các hộ chăn nuôi có quy mô lớn. Nhiều sản phẩm, nhãn hiệu nông nghiệp chế biến của tỉnh đã có uy tín trên thị trường như: nước mắm Giao Châu, gạo sạch Toản Xuân, nông sản sấy Minh Dương, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, ngao sạch Lenger, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal; trong đó nhãn hiệu ngao Giao Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, vùng nuôi ngao các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng đã được EU công nhận là vùng nuôi an toàn cấp độ C... Đến nay toàn tỉnh đã hình thành hệ thống 343 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, trong đó có một số ngành hàng có công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các ngành, các địa phương xác định để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh cần tập trung khắc phục các khó khăn, bao gồm: phần lớn cơ sở sản xuất, chế biến quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô bằng phương pháp thủ công truyền thống nên giá trị gia tăng không cao, tổn thất nhiều; số lượng doanh nghiệp lớn tham gia chế biến gia súc, gia cầm, thủy sản vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phần đông nông dân vẫn chưa nhận thức đúng về việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu gieo trồng đến sau thu hoạch (bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản), vì vậy hiện sản lượng nguyên liệu đầu vào đạt quy chuẩn chất lượng phục vụ chế biến nông sản tại chỗ còn thấp...

Xác định công nghiệp chế biến nông sản có vai trò quan trọng, thiết thực nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, thương hiệu hàng hóa, các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo phương châm phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế ở địa phương; chú trọng đầu tư cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp liên kết cơ giới hóa vùng nguyên liệu, nâng cao năng lực các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Các địa phương đều xác định rõ chủ thể nâng cao năng lực chế biến, cơ giới hóa là các doanh nghiệp, hợp tác xã, từ đó tập trung khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các khâu tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tập trung phát triển chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm nông nghiệp lợi thế, sản phẩm truyền thống, đặc sản vùng miền thành các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, giám sát chất lượng nông sản, đưa công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com