Nuôi thủy sản đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, vì vậy ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tích cực hướng dẫn hỗ trợ người dân khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên, kết hợp đồng bộ các giải pháp phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa với mục tiêu hiệu quả, bền vững.
Anh Lê Hồng Phong, xóm Nam Hải, xã Bạch Long (Giao Thủy) vớt tạp chất, xử lý nguồn nước ao nuôi trước khi xuống giống vụ nuôi thủy sản mới. |
Mục tiêu của vụ nuôi thủy sản năm nay là phấn đấu tổng diện tích nuôi đạt khoảng 16.215ha; trong đó nuôi mặn lợ 6.415ha, nuôi nước ngọt 9.800ha. Các đối tượng nuôi chủ lực, bao gồm tôm sú 2.720ha, tôm thẻ chân trắng 940ha, ngao 1.980ha, cá bống bớp 280ha... Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 154 nghìn tấn, tăng từ 3% trở lên so với năm 2018. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt khoảng 4.200 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng từ 4,5-5% so với vụ trước, chiếm khoảng 29% tỷ trọng cơ cấu kinh tế ngành. Ðể hoàn thành mục tiêu trên, ngay từ những tháng đầu năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh làm tốt công tác chuẩn bị điều kiện cần thiết cho vụ sản xuất mới; chủ động căn cứ lịch mùa vụ, nhu cầu thực tiễn để xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất các loại giống thủy sản đảm bảo số lượng, chất lượng cung ứng cho người nuôi. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn thành lập Ban chỉ đạo quản lý giống thủy sản, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo nhằm kiểm soát, quản lý chặt nguồn giống thủy sản đưa vào nuôi đảm bảo chất lượng, an toàn. Theo đó, ngay từ tháng 3-2019, các cơ sở sản xuất giống nước ngọt đã chọn cá bố mẹ và cho sinh sản một số loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá trắm cỏ, trắm đen, cá lăng, cá chép; các đối tượng con nuôi đặc sản khác gồm lươn, cá chạch đồng, ếch Thái Lan cũng được người dân học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm để nhân giống. Một số cơ sở sản xuất giống mặn lợ đã nhập, ương giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, hàu; sản xuất giống các loại tôm sú, ngao tại Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Ðến thời điểm này, tổng lượng con giống sản xuất đạt 10.950 triệu con, bằng 101,3% so với cùng kỳ 2018. Trong đó có 9.769 triệu con giống thủy sản mặn lợ, 1.181 triệu con giống thủy sản nước ngọt. Riêng lượng giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú nhập về trong 5 tháng đầu năm ước từ 1.000-1.100 triệu con. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản thực hiện tốt công tác vệ sinh, cải tạo ao, đầm, vùng nuôi trước khi xuống giống; xử lý tốt nguồn nước trong suốt quá trình nuôi; chú trọng cải tạo hệ thống kênh cấp, thoát nước đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu nuôi và hạn chế lây lan dịch bệnh; quản lý, xử lý hiệu quả các loại chất thải, nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở những ao, đầm nuôi có bệnh. Anh Lê Hồng Phong, xóm Nam Hải, xã Bạch Long (Giao Thủy) cho biết: Thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương, từ tháng 4-2019, anh đã tiến hành san nền, rắc vôi bột khử trùng, xử lý đáy ao; đồng thời sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước, quạt sục khí. Ðầu tháng 6, anh bắt đầu bơm nước vào 3 ao nuôi với tổng diện tích 5.000m2 mặt nước, sau đó chạy quạt sục khí liên tục để làm sạch nước, bơm hóa chất khử trùng, tạo màu và bổ sung nước ngọt để đảm bảo độ mặn hợp lý. Về con giống, anh Phong quyết định chọn mua 50 vạn con tôm thẻ chân trắng từ Công ty Giống thủy sản Nam Ðịnh vừa đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc trong quá trình tiêu thụ tôm thương phẩm sau này, thời gian và quãng đường vận chuyển ngắn nên con giống khỏe mạnh, nhanh chóng thích nghi với môi trường thả nuôi. Do đó, con tôm sinh trưởng, phát triển tốt, ít phát sinh dịch bệnh và cho năng suất cao. Ðể hỗ trợ người nuôi và đảm bảo thành công vụ nuôi thủy sản năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thường xuyên tiến hành quan trắc, lấy mẫu nước tại các vùng nuôi tôm, ngao và vùng nuôi thủy sản nước ngọt để đánh giá, phân tích, từ đó khuyến cáo và hướng dẫn kịp thời các biện pháp xử lý về môi trường vùng nuôi để người nuôi chủ động trong phòng, trị bệnh trên các đối tượng con nuôi thủy sản nói chung, tôm thẻ chân trắng và ngao nói riêng. Bên cạnh đó, ngành đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, đại lý kinh doanh các loại vật tư phục vụ nuôi thủy sản nhằm hạn chế tối đa các loại thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học, các chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi... không đảm bảo chất lượng cung cấp cho người nuôi, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, năng suất vụ nuôi thủy sản; khuyến cáo các hộ nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp thâm canh, siêu thâm canh, hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Nhờ chuẩn bị đầy đủ lượng con giống, đảm bảo tiến độ cải tạo ao, đầm, vùng bãi nuôi nên đến giữa tháng 6-2019, toàn tỉnh đã xuống giống khoảng 85% kế hoạch diện tích thả nuôi. Trong đó, vùng nuôi nước ngọt đã thả giống đạt khoảng 98% diện tích với chủ yếu là diện tích nuôi xen, thu tỉa thả bù; vùng mặn lợ diện tích thả tôm sú là 2.720ha, đạt 100% kế hoạch, diện tích thả tôm thẻ chân trắng khoảng 850ha, đạt 90% kế hoạch. Nhìn chung, các đối tượng con nuôi thủy sản đều phát triển bình thường, không có thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Việc chuẩn bị tốt các điều kiện ao, đầm, vùng bãi nuôi, đảm bảo chất lượng con giống và thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn là một trong những yếu tố căn bản hứa hẹn vụ nuôi thủy sản năm nay thắng lợi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở các địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Ðại