Tháo gỡ khó khăn để phát triển chế biến nông, thủy sản

06:06, 19/06/2019

Đưa công nghệ vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng nhất của quy trình sản xuất nhằm giảm tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc này chưa được các doanh nghiệp và người sản xuất trong tỉnh quan tâm đúng mức, gây ảnh hưởng đến chất lượng, giảm giá trị kinh tế và thương hiệu của nông sản địa phương.

Dây chuyền chế biến gạo của một cơ sở chế biến tại xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng).
Dây chuyền chế biến gạo của một cơ sở chế biến tại xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng).

Gần đây, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm đã mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị sử dụng công nghệ chế biến hiện đại vào hoạt động có hiệu quả, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho nông sản địa phương trên thị trường. Ðiển hình là các sản phẩm: nấm sạch Linh Phát, rau sạch Ngọc Anh, giò 7 phút Nam Phát, chả cá Hùng Vương, sứa Tân Long, nước mắm Ninh Cơ… Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Dương, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Ðịnh) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh đầu tư dây chuyền sấy chân không chế biến nông sản tươi: ngô nếp, khoai, chuối, mít… với công suất 4-5 tấn/ngày; sản phẩm giữ nguyên được hàm lượng dinh dưỡng có trong củ, quả tươi, hương vị, màu sắc thơm ngon tự nhiên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, giải quyết bài toán đầu ra nông sản trong chuỗi liên kết tiêu thụ cho nông dân. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) xây dựng nhà máy sấy, xay sát, đóng gói gạo khép kín với công nghệ hiện đại, công suất 20 nghìn tấn/năm; Công ty Trách nhiệm hữu hạn VINATP, xã Liên Bảo (Vụ Bản) đầu tư dây chuyền chế biến, bảo quản rau, quả như: dưa chuột, dứa xuất sang Liên bang Nga. Về chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (Thành phố Nam Ðịnh) với hệ thống dây chuyền giết mổ hiện đại công suất 500 con/ngày và chế biến các sản phẩm từ thịt lợn thành các sản phẩm giò, chả, xúc xích với công suất 400 tấn/năm; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Danh, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Ðịnh) đầu tư dây chuyền giết mổ lợn thịt, lợn sữa xuất khẩu hiện đại, công suất 5.000 con/ngày… Trong lĩnh vực thủy sản, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Ðịnh) của nhà đầu tư Hà Lan xây dựng nhà máy chế biến ngao thành các sản phẩm đa dạng từ ngao tươi sống đến đóng hộp và đông lạnh với công suất thiết kế 300 tấn ngao/ngày để xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Nga, Mỹ, Nhật Bản; doanh nghiệp tư nhân Thành Vui (Hải Hậu) đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng bến cảng và dây chuyền máy móc hiện đại phục vụ việc khai thác, chế biến thủy sản; chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội - Xí nghiệp Chế biến thủy sản Xuân Thủy với dây chuyền hiện đại trị giá trên 30 tỷ đồng chế biến thủy sản xuất khẩu công suất 1.000 tấn/năm...

Ngoài các doanh nghiệp kể trên, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản ở tỉnh ta vẫn còn ở mức thấp, hạn chế. Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tại địa bàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và hơn 200 hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô bằng phương pháp thủ công truyền thống nên giá trị gia tăng không cao, tổn thất nhiều. Các nông sản chủ lực như: lạc, cà chua, rau màu... sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được bán ngay, số còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế, đóng gói bao bì và tích trữ theo phương pháp cũ, lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và thời gian bảo quản sản phẩm ngắn. Công nghệ chế biến cũng đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi khi toàn tỉnh chưa có nhiều cơ sở chế biến, giết mổ tập trung. Chế biến thủy sản vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế nên sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao... Phần đông nông dân vẫn chưa nhận thức đúng về việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu gieo trồng đến sau thu hoạch (bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản). Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn chuyển giao cho nông dân về công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa được các địa phương chú trọng đúng mức. Tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp, số được đào tạo chủ yếu theo nhu cầu của doanh nghiệp là một trong những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Mặt khác, người sản xuất thường bị động về thông tin thị trường nên dẫn đến tình trạng được mùa thì lại bị thương lái ép giá, lợi nhuận không cao, hạn chế tích lũy nên thiếu vốn không đủ nguồn lực để đầu tư hệ thống nhà xưởng công nghệ máy móc đồng bộ, mới chỉ đầu tư một số thiết bị riêng lẻ, không hiệu quả. Ngoài ra, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và nhân rộng các mô hình bảo quản, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thủy sản và xác nhận quyền sở hữu các mặt hàng của địa phương. Trong khi đó, quy mô của nhiều vùng sản xuất chưa đảm bảo tập trung để có thể cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản sau thu hoạch.

Chế biến là khâu quan trọng nhất để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa mang tính ổn định; đồng thời giải quyết đồng bộ các vấn đề về thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa doanh nghiệp và nông dân; từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông sản, thủy sản; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com