Những năm qua, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) nhờ đẩy mạnh đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, con nuôi, tập trung phát triển ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nên đời sống kinh tế - xã hội của địa phương đã tăng trưởng tích cực, tăng thêm thu nhập cho người dân. Đến nay, giá trị thu nhập trên 1ha canh tác của xã đạt 112 triệu đồng, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 49,5 triệu đồng/năm.
Với lợi thế nằm ngay vùng cửa sông Ninh Cơ đổ ra biển nên khai thác và nuôi trồng thuỷ, hải sản nghề lâu đời và nay phát triển thành mũi nhọn phát triển kinh tế của xã. Lực lượng khai thác hải sản không ngừng được phát triển cả về quy mô lẫn ngư trường. Xã có gần 130 phương tiện tàu thuyền với tổng công suất máy đạt 6.315CV hoạt động các nghề khai thác ven bờ, thả lưới rê, chụp mực và đánh bắt xa bờ ở các ngư trường từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, thu hút gần 1.000 lao động tham gia với thu nhập bình quân đạt từ 9-12 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nghề khai thác hải sản còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động gián tiếp, thời vụ. Năm 2018, sản lượng hải sản khai thác của xã đạt trên 3.416 tấn, tổng giá trị khai thác thuỷ sản đạt hơn 96 tỷ đồng. Cùng với khai thác thủy sản, ở Nghĩa Thắng đã hình thành và phát triển mạng lưới dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm khai thác với 20 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm, chế biến bột cá phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Các cơ sở chế biến đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trong đó, cơ sở chế biến hải sản của anh Nguyễn Văn Chiến ở xóm 10 đầu tư dây chuyền liên hoàn các công đoạn hấp, sấy, nghiền trị giá hàng tỷ đồng chuyên chế biến bột cá nhạt nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 20 tấn cá bột tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 lao động.
Chăm sóc cây đinh lăng tại gia đình ông Trần Văn Toản ở xóm 2, xã Nghĩa Thắng. |
Cùng với phát triển nghề khai thác và chế biến, xã còn đẩy mạnh phát triển nuôi thuỷ sản nước ngọt nội đồng theo hướng công nghiệp, chuyên canh các con nuôi có giá trị kinh tế cao như: cá lóc, tôm thẻ chân trắng nước ngọt… Hiện tại, diện tích nuôi trồng thuỷ sản nội đồng được duy trì và phát triển mạnh, đặc biệt là nuôi tôm, cá đặc sản đạt hiệu quả kinh tế cao với diện tích 175,12ha; sản lượng nuôi trồng đạt 233 tấn. Tổng giá trị nuôi trồng thuỷ sản của xã năm 2018 đạt 40,2 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, cá lóc đã trở thành con nuôi chủ lực trên địa bàn xã dần thay thế các con nuôi truyền thống như trắm, trôi, mè, chép bởi ưu thế năng suất cao, giá trị kinh tế lớn. Diện tích nuôi cá lóc ở xã đã được mở rộng đạt 10ha tập trung nhiều ở các xóm: 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 9 với 20 hộ nuôi thâm canh đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến thăm mô hình của gia đình ông Trần Văn Toản, xóm 2, chúng tôi được biết, gia đình ông đã nuôi cá lóc được hơn chục năm nay và là hộ có diện tích nuôi thuộc tốp đầu của xã. Ông Toản chia sẻ: cá lóc là loại cá ăn tạp, sống bầy đàn, tăng trưởng nhanh, ít dịch bệnh; cộng với chất lượng thịt cá thơm ngon, dai nên thị trường rất ưa chuộng. Trước đây, cá lóc chỉ được nuôi phổ biến ở các tỉnh phía Nam, nay đã được người dân nghiên cứu áp dụng nuôi thâm canh ở xã. Để đầu tư nuôi cá lóc hiệu quả, ông đã dành nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu kỹ thuật nuôi giống cá mới này. Với kinh nghiệm sẵn có từ nuôi cá nước ngọt truyền thống, đàn cá của gia đình ông luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Theo kinh nghiệm của ông Toản, để cá lóc sinh trưởng tốt, người nuôi phải chú trọng đến chất lượng nước, mật độ thả nuôi hợp lý và thức ăn phù hợp cho cá. Thông thường ao nuôi công nghiệp cá lóc phải có diện tích tối thiểu từ 500m2 trở lên, độ sâu từ 1-1,5m, bờ ao phải được kè cao và chắc chắn. Trước khi thả cá, ao cần được tát cạn, vét bùn đáy khử trùng, tu sửa các điểm sạt lở, vệ sinh, rắc vôi bột kỹ trước khi cấp nước, xuống giống. Nguồn nước cấp cho ao nuôi cá phải đảm bảo chủ động cấp, thoát dễ dàng để luôn giữ nước sạch. Thức ăn của cá lóc bông chủ yếu là cá tạp, cá vụn. Hàng ngày người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ mức độ ăn của cá để điều chỉnh hợp lý lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá. Nước trong ao cần được thay đổi thường xuyên (1-2 lần/tuần, tùy theo mật độ cá trong ao), mỗi lần thay 40-50% lượng nước trong ao. Với hơn 2ha ao, sản lượng bình quân từ 5-8 tấn/sào; mỗi năm gia đình ông thu về hơn 400 triệu đồng từ nuôi cá lóc. Tính ra, nuôi cá lóc đem lại thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa. Cùng với nuôi cá lóc, xã cũng tập trung khuyến khích người dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt và các con nuôi thuỷ sản truyền thống khác. Hiện tại, xã đã có hơn 60 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt theo hướng công nghiệp với tổng diện tích hơn 5ha chủ yếu tập trung ở xóm 3 và xóm 6. Bình quân mỗi sào nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt, người nuôi tôm cũng có lãi từ 20-30 triệu đồng. Cùng với phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ, hải sản, xã cũng tập trung tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi diện tích vườn tạp, cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu đinh lăng. Hiện tại, diện tích vùng trồng cây dược liệu đinh lăng của xã đạt hơn 50ha với hơn 300 hộ dân tham gia. Nhiều hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cải tạo vườn tạp sang trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO như hộ các ông: Vũ Văn An, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Văn Hưng… Ngoài ra, xã cũng khuyến khích người dân tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống đan cói mỹ nghệ xuất khẩu tập trung ở xóm 1 và xóm 2 với 200 lao động. Với giá bình quân từ 38-45 nghìn đồng/sản phẩm cói; mỗi ngày từ 5-7 sản phẩm, nghề đan cói mỹ nghệ xuất khẩu ở xã Nghĩa Thắng đã từng bước vươn lên trở thành ngành nghề chính đem lại thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng cho 200 lao động trên địa bàn xã.
Thời gian tới, xã Nghĩa Thắng tiếp tục củng cố các mô hình nuôi thủy, hải sản, chọn lọc các đối tượng nuôi mới phù hợp, nghiên cứu mở rộng diện tích chuyên canh nuôi tôm thẻ chân trắng, cá lóc tại các vùng cấy lúa kém hiệu quả; tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản; đầu tư kinh phí hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, khuyến khích các hộ nuôi áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; liên kết chặt chẽ với các ngành chức năng để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, phát triển kinh tế biển có hiệu quả và bền vững./.
Bài và ảnh: Đức Toàn