Đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trên biển trong mùa mưa bão

08:06, 14/06/2019

Những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai khó lường khiến việc khai thác thủy hải sản của bà con ngư dân trong tỉnh gặp không ít khó khăn. Việc chủ động xây dựng phương án và triển khai đến ngư dân các kế hoạch, biện pháp phòng, chống thiên tai góp phần tích cực đảm bảo sản xuất hiệu quả, an toàn cho ngư dân và tàu cá ra khơi khai thác trong mùa mưa bão, tăng khả năng ứng phó với các tình huống thiên tai.

Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Hà Lạn (Giao Thủy) đang được khẩn trương hoàn thành đưa vào khai thác trong mùa mưa bão năm nay.
Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Hà Lạn (Giao Thủy) đang được khẩn trương hoàn thành đưa vào khai thác trong mùa mưa bão năm nay.

Toàn tỉnh hiện có 2.135 tàu, thuyền đang hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản với tổng công suất 301.468CV. Loại tàu công suất nhỏ hơn 20CV là 1.113 chiếc, tàu từ 20CV đến dưới 90CV là 153 chiếc và tàu từ 90CV trở lên là 869 chiếc. Tổng số lao động đang tham gia sản xuất, khai thác thủy sản trên biển khoảng 12 nghìn người. Hiện ở các địa phương có 18 đoàn, tổ, đội khai thác thủy hải sản xa bờ với 364 tàu cá, chiếm 17% tổng số tàu cá của toàn tỉnh cùng 1.504 lao động trực tiếp tham gia sản xuất trên các tàu. 3 huyện ven biển có 36 tàu cá vỏ thép xin cấp phép hoạt động khai thác hải sản (huyện Hải Hậu có 18 tàu, Nghĩa Hưng 11 tàu và Giao Thủy 7 tàu). Để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản đạt hiệu quả, an toàn trong mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện khai thác theo quy định, đảm bảo đủ giấy tờ của tàu và người trên tàu; không cho phép tàu không đủ điều kiện an toàn ra khơi. Các ban, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương, đồn biên phòng tuyên truyền phổ biến nội dung các văn bản, quy định pháp luật về công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên biển, giúp ngư dân và chủ tàu cá nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, thống kê số đăng ký, tên chủ tàu, nghề, địa chỉ, loại máy liên lạc, số điện thoại thường xuyên liên lạc, dự kiến vùng hoạt động của từng tàu cá, từng tổ, đội tàu khai thác; hướng dẫn chủ tàu, đội ngũ thuyền trưởng tàu cá trang bị đầy đủ, đồng bộ các thiết bị an toàn hàng hải, các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn… trước khi ra khơi. Theo kế hoạch đã xây dựng, khi có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ phân công các đoàn công tác trực tiếp xuống các đồn biên phòng, Hải đội 2 phối hợp với các địa phương thông báo, vận động người dân trên các lều, chòi trông coi đầm bãi ở khu vực ven biển vào nơi tránh trú an toàn; huy động xuồng máy chuyên dụng và trưng dụng tàu cá của ngư dân địa phương kêu gọi tàu, thuyền và ngư dân đang hoạt động tại các khu vực cửa sông, vùng bãi triều, ven biển vào nơi tránh trú theo quy định. Chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng phối hợp với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I, khu vực II, Vùng I Cảnh sát biển, cơ quan Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình theo dõi, giám sát, tiếp nhận thông tin để ứng cứu ngư dân bị nạn, tàu, thuyền bị hỏng máy trôi dạt trên biển đưa vào bờ an toàn, bàn giao cho chính quyền địa phương và gia đình. Cùng với việc chuẩn bị kế hoạch tổ chức diễn tập thực địa các phương án đảm bảo an toàn cho các phương tiện khai thác hải sản đang hoạt động trên các vùng biển, tuyến sông, các đơn vị, ngành chức năng của tỉnh còn chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư như: pháo hiệu bắn báo bão, áp thấp nhiệt đới; nhiên liệu phục vụ phương tiện làm nhiệm vụ kêu gọi tàu, thuyền, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, hệ thống chống thủng, các loại phao cứu sinh; các tàu cá khai thác hải sản xa bờ được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm ngắn Galaxy, Seagle 900, các máy tầm xa như VX-1700, IC-718 đảm bảo thông tin 2 chiều giữa tàu và bờ để các cơ quan chức năng kịp thời thông tin có bão, lốc, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên biển cho ngư dân... Để việc neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới của ngư dân được thuận tiện, an toàn, ngoài việc phát huy tốt công năng của 1 cảng cá và 5 bến cá hiện có tại 3 huyện ven biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành và đưa vào sử dụng Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cửa Ninh Cơ huyện Hải Hậu; đưa vào sử dụng âu số 1 khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ huyện Nghĩa Hưng. Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Hà Lạn, huyện Giao Thủy cũng đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến công trình sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 7-2019 đảm bảo tránh trú an toàn cho trên 200 tàu, thuyền các loại… Giao Thủy là huyện có đội tàu khai thác hải sản đông với 864 tàu, thuyền; trong đó có 508 tàu công suất dưới 20CV, 301 tàu có công suất trên 90CV... Để đảm bảo hoạt động an toàn trong mùa mưa bão năm 2019, huyện yêu cầu các tàu chuyên khai thác hải sản xa bờ lắp đặt máy trực canh, thiết bị thông tin liên lạc hai chiều giữa tàu với đất liền; thiết bị định vị vệ tinh Movimax để tiếp nhận kịp thời thông tin về tình hình bão, giông lốc, áp thấp nhiệt đới từ các ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thông báo. Huyện đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên các tuyến sông, trên biển khi có áp thấp nhiệt đới, bão mạnh, siêu bão xảy ra và ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta; phối hợp chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng tránh, ứng phó với tình hình thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, chống tư tưởng chủ quan cho các chủ tàu, thuyền và người lao động của địa phương hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản tại các vùng biển, trên các tuyến sông nhằm đảm bảo khả năng phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra; Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và 2 Đồn Biên phòng Ba Lạt, Quất Lâm, Trạm Kiểm ngư kiểm tra, thống kê và lập danh sách các phương tiện tàu, thuyền đánh bắt xa bờ; đôn đốc, nhắc nhở các chủ phương tiện trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh; phương án cứu hộ ngư dân, phương tiện gặp nạn trên biển; tiến hành kiểm tra phương án đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, nuôi thủy sản và tìm kiếm cứu nạn của các xã, thị trấn.

Khi có thông tin về các hiện tượng thời tiết xấu xảy ra, các Đồn Biên phòng Ba Lạt, Quất Lâm chủ động phối hợp với các xã, thị trấn ven biển, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức bắn pháo hiệu báo kịp thời, đúng quy định, gọi tàu, thuyền và ngư dân vào bờ tránh trú; đồng thời tổ chức lực lượng cơ động, triển khai các phương án ứng cứu hộ đê và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu. Bưu điện huyện và Trung tâm Viễn thông Giao Thủy chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị tiếp sóng, đường dây liên lạc và có phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời và chính xác phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của UBND và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com