Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Nghĩa Hưng (Agribank Nghĩa Hưng) đã tập trung thực thi chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là cho vay phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của UBND tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống người dân trong huyện.
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Nghĩa Hưng ở Thị trấn Liễu Đề. |
Ðồng chí Nguyễn Như Ngọc, Giám đốc Agribank Nghĩa Hưng cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua ngân hàng đã tập trung mọi nguồn lực cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp. Agribank Nghĩa Hưng đã chú trọng mở rộng đối tượng cho vay, đơn giản tối đa hồ sơ thủ tục vay, áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay theo tinh thần Nghị định 55/2015/NÐ-CP của Chính phủ để ngày càng có nhiều khách hàng là nông dân được tiếp cận vốn vay của Agribank. Ngoài ra, Agribank Nghĩa Hưng cũng chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Agribank Nghĩa Hưng cũng thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thống nhất về định hướng vay vốn phát triển nông nghiệp; bố trí kịp thời, sát với nhu cầu vay vốn của người dân, phục vụ tốt nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ đó, nhiều gia đình nông dân đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, gia trại mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2018, tổng nguồn vốn huy động của toàn bộ hệ thống Agribank trên địa bàn huyện đạt khoảng 1.500 tỷ đồng với hơn 7.000 lượt khách hàng; dư nợ cho vay đạt 1.700 tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, tổng nguồn vốn huy động tăng 150 tỷ đồng; dư nợ cho vay tăng 60 tỷ đồng. Tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn được duy trì ở mức 98% tổng dư nợ. Ðến nay, mạng lưới cho vay thông qua tổ vay vốn của ngân hàng đã được thành lập tại 100% số xã, thị trấn trong huyện với 450 tổ tiết kiệm và vay vốn”. Bà Phạm Thị Na ở tổ dân phố Nam, Thị trấn Liễu Ðề (Nghĩa Hưng) là một khách hàng của Agribank Nghĩa Hưng cho biết: “Thời gian qua, việc vay vốn của chúng tôi tại Agribank Nghĩa Hưng khá thuận lợi, thủ tục nhanh gọn, giải ngân kịp thời, lượng vốn vay cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất của gia đình”... Gia đình bà vốn có nghề truyền thống trồng đào, quất cảnh. Do thời vụ đào, quất cảnh kéo dài, thời gian quay vòng vốn chậm, vốn đầu tư lớn nên để có vốn tái sản xuất trước đây gia đình thường xuyên phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao. Ðược sự hỗ trợ của Hội Nông dân thị trấn, đầu tháng 3-2019, bà Na đã được Agribank Nghĩa Hưng cho vay 1 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư đấu thầu thêm 700m2 đất mở rộng sản xuất trồng thêm 500 gốc đào, quất cảnh. Nguồn vốn vay được giải ngân nhanh gọn, đúng thời điểm đã giúp gia đình bắt đúng thời cơ đầu tư, mở ra cơ hội phát triển kinh tế hộ vững chắc. Không chỉ gia đình bà Na, nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn thị trấn cũng được hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank Nghĩa Hưng để phát triển mô hình kinh tế hộ hiệu quả vào các lĩnh vực dịch vụ thương mại như kinh doanh nhà hàng ăn uống, nghỉ dưỡng, kinh doanh vật liệu xây dựng như anh Ðinh Văn Dũng, ông Ngô Văn Tam, Nguyễn Văn Lương, Phạm Văn Viện… Theo đồng chí Mai Ðức Việt, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn, hiện tại, đã có 299 hộ được vay vốn ưu đãi từ Agribank Nghĩa Hưng để đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ cho vay là 92 tỷ 28 triệu đồng, trong đó, mức vay vốn từ 100-300 triệu đồng chiếm tới 70% số hộ vay trên địa bàn thị trấn. Quá trình sử dụng vốn vay của các thành viên được giám sát chặt chẽ, việc đôn đốc thu hồi nợ kịp thời, đảm bảo chất lượng tín dụng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank Nghĩa Hưng, đời sống kinh tế người dân ở thị trấn không ngừng nâng cao, phát triển ổn định. Năm 2018, thu nhập bình quân theo đầu người trên địa bàn thị trấn đạt 45 triệu đồng; bình quân tăng trưởng dư nợ của thị trấn 1-1,5 tỷ đồng/tháng.
Có thể nói, việc đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Agribank Nghĩa Hưng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho từng gia đình, góp phần phát huy tiềm năng kinh tế của huyện Nghĩa Hưng, thúc đẩy xây dựng kinh tế nông thôn mới bền vững. Thời gian tới, Agribank Nghĩa Hưng tiếp tục ưu tiên mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu, gia tăng giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác; tập trung đầu tư cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp./.
Bài và ảnh: Ðức Toàn