Huyện Vụ Bản có hệ thống sông, ngòi liên hoàn, địa hình có nhiều vùng trũng phù hợp phát triển nghề nuôi thuỷ sản nội đồng nên nghề “canh trì” ở đây phát triển từ khá lâu đời. Phương thức nuôi cũng đang được bà con nông dân chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, bán thâm canh, từng bước hình thành một số vùng nuôi tập trung mang lại giá trị kinh tế cho người nuôi.
Tập trung phát triển nuôi thủy sản đang mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh Đỗ Cao Huân ở thôn Hồng Tiến, xã Đại Thắng từ 600-700 triệu đồng/năm. |
Hiện nay, huyện Vụ Bản có tổng diện tích nuôi thủy sản 950ha với đối tượng nuôi là các loại cá truyền thống. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND huyện Vụ Bản đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ các xã, thị trấn quy hoạch hợp lý đất sản xuất, mở rộng diện tích vùng nuôi thủy sản tập trung; cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; chú trọng công tác đào tạo kỹ thuật nuôi thủy sản nội đồng; khuyến khích các hộ nuôi đầu tư kinh phí cải tạo ao, đầm... Huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tạo điều kiện hỗ trợ nông dân về thủ tục hành chính, đất đai và tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để có nguồn lực đầu tư cải tạo, xây mới hạ tầng kỹ thuật, mua sắm thiết bị vật tư phát triển nuôi thủy sản. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế từ nuôi thủy sản đã không ngừng được tăng lên, góp phần cải thiện đời sống người dân. Trên địa bàn huyện bước đầu hình thành một số vùng nuôi thủy sản tập trung bám theo 2 tuyến sông Sắt và sông Đào với diện tích mỗi vùng từ 10ha trở lên ở các xã: Tam Thanh, Minh Tân, Hiển Khánh, Minh Thuận, Cộng Hòa, Tân Thành, Thành Lợi, Đại Thắng. Tại xã Tân Khánh, những năm qua Đảng ủy, chính quyền xã luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân khai thác lợi thế tự nhiên phát triển nuôi thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại với các đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm, cá chép Nhật. Ban Nông nghiệp xã và Hợp tác xã đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản, giúp các hộ sản xuất thực hành nuôi tốt, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng trũng, chua, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Hiện, toàn xã có trên 20 hộ nuôi thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại với tổng diện tích 25ha; trong đó có 8 hộ đã được công nhận đạt tiêu chí trang trại. Ngoài diện tích nuôi thủy sản nội đồng tập trung ở vùng ven đê thuộc các xã Thành Lợi, Tân Thành, Đại Thắng, phương thức nuôi kết hợp cá - lúa cũng phát triển mạnh và đang là một sinh kế có tính bền vững của nông dân các xã: Tân Thành, Đại Thắng, Cộng Hòa, Minh Tân, Tân Khánh, Trung Thành, Hiển Khánh… Đối tượng nuôi kết hợp ở ruộng lúa chủ yếu là cá trắm, chép, mè, trôi, rô phi và cá chim trắng. Hiệu quả kinh tế từ nuôi kết hợp cá - lúa tăng gấp 2-3 lần so với chuyên canh lúa. Về cơ cấu giống thủy sản, trong những năm gần đây, ngoài các loại cá truyền thống đã có thêm một số giống mới được nuôi như: cá rô phi đầu vuông tại xã Hiển Khánh; ba ba, ếch tại các xã: Minh Tân, Liên Bảo, Thành Lợi bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá. Cá thương phẩm của các hộ nuôi quy mô lớn được thương lái về tận nơi thu mua để phân phối cho các thị trường: Thành phố Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội. Đây là mô hình sản xuất hiệu quả, đang được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nghiên cứu, nhân rộng. Theo thống kê của UBND xã Đại Thắng, trong những năm gần đây diện tích nuôi thủy sản của xã đạt trên 130ha, với sản lượng trên 200 tấn/năm. Năm 2018, toàn xã có 18 trang trại, gia trại nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trang trại. Mỗi ha nuôi thủy sản cho thu nhập từ 150-170 triệu đồng/năm, cao hơn trồng lúa 3-4 lần. Một số hộ có diện tích nuôi lớn, đầu tư bài bản đã có thu nhập cao như hộ các anh: Đỗ Cao Huân, Phạm Văn Dũng, Đỗ Văn Có... Anh Đỗ Cao Huân ở thôn Hồng Tiến cho biết: Được xã tạo điều kiện cho nhận thầu gần 3ha, anh đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cải tạo thành 7 ao nuôi cá; trong đó có 5 ao ương cá giống và 2 ao nuôi cá thịt, chủ yếu là các loại cá truyền thống trắm, trôi, mè, chim trắng. Trên bờ anh tận dụng trồng cỏ voi làm thức ăn cho cá và nuôi dê. Do chủ động được nguồn nước nên anh còn dành gần 1ha cấy lúa xuân, sau khi thu hoạch thì tiếp tục thả cá. Chủ động được cá giống nên cá thương phẩm được nuôi gối sóng, thực hiện “đánh tỉa thả bù”. Mỗi năm anh Huân thu hoạch khoảng 12 tấn cá thịt, gần chục tấn thóc và hàng trăm con dê thịt. Cá thu hoạch rải đều nên không bị ép giá. Tổng doanh thu từ các đối tượng sản xuất hàng năm đạt từ 600-700 triệu đồng. Trang trại của anh trở thành mô hình để các hộ nông dân trong và ngoài xã đến tìm hiểu, học hỏi làm theo. Hiện, anh đang tiếp tục thử nghiệm nuôi 200 con cá chép Nhật để đa dạng cơ cấu con nuôi nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho gia đình.
Thời gian tới, huyện Vụ Bản tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng nuôi thủy sản một cách hợp lý; đi đôi với chỉ đạo mở rộng diện tích nuôi thủy sản nội đồng có hiệu quả. Quan tâm khuyến khích người dân phát triển nuôi thủy sản quy mô trang trại, gia trại, liên kết theo chuỗi để có sản lượng hàng hóa lớn, thuận lợi trong tiêu thụ. Chỉ đạo các xã, thị trấn kết hợp lồng ghép linh hoạt với các chương trình, dự án để tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho người nuôi giúp họ chủ động trong chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Tạo điều kiện, động viên để người dân đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phát triển phương thức nuôi kết hợp lúa - cá với các loại cá đang được thị trường ưa chuộng; xây dựng mô hình thí điểm nuôi các đối tượng mới có giá trị hiệu quả cao để làm cơ sở nhân ra diện rộng./.
Bài và ảnh: Văn Đại