Tập trung xử lý nợ xấu, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả

08:05, 03/05/2019

Thực hiện phương án cơ cấu lại hoạt động, tổ chức gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ quá hạn, nợ xấu để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng vốn huy động và dư nợ cho vay an toàn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống chiếm tỷ lệ 1,2% tổng dư nợ cho vay. Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hơn 1.633 tỷ đồng, tăng 9 tỷ 872 triệu đồng so với năm 2017. Trước tình hình trên, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tập trung chỉ đạo chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô triển khai và báo cáo kết quả thực hiện xử lý nợ xấu của các đơn vị. Theo đó, đến cuối năm 2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xử lý được 697 tỷ 896 triệu đồng nợ xấu. Trong quý I-2019, toàn hệ thống đã xử lý được 829 tỷ 837 triệu đồng. Số tiền xử lý được chủ yếu từ 2 nguồn sử dụng nguồn quỹ dự phòng rủi ro và khách hàng trả nợ. Có 2 đơn vị là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Nam Định và Ngân hàng Quân đội (MB) Chi nhánh Nam Định áp dụng chính sách tại Nghị quyết số 42 là tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo theo đúng quy định, có sự thỏa thuận với khách hàng và đã bán được tài sản để thu hồi nợ. Tổng số tiền xử lý của 2 đơn vị là 16 tỷ 105 triệu đồng, trong đó xử lý bằng tài sản đảm bảo 10 tỷ 941 triệu đồng... Để giảm thiểu rủi ro, hạn chế nợ xấu phát sinh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thành lập đoàn thanh tra tích cực triển khai thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Trong 3 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tiến hành 10 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn, gồm 3 cuộc thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ tín dụng nhân dân Nam Thanh (Nam Trực) và Quỹ tín dụng nhân dân Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) và 7 cuộc kiểm tra đột xuất tiền mặt, vàng tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam; tham gia đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn tỉnh; tham gia 2 đoàn liên ngành của tỉnh và Thành phố Nam Định kiểm tra hoạt động đổi tiền mệnh giá nhỏ tại các điểm tổ chức lễ hội và dịp Tết Nguyên đán; kiểm tra hoạt động máy giao dịch tự động ATM và tổ chức kiểm tra đột xuất Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (AgriBank) tỉnh Nam Định... Ông Phạm Văn Hướng, Giám đốc Chi nhánh AgriBank tỉnh cho biết: Chi nhánh đang trong quá trình kiểm tra lại tài sản để chuẩn bị cổ phần hóa nên việc kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng được gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường. Việc xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng để đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn... Tại BIDV Chi nhánh tỉnh Nam Định, để xử lý hiệu quả nợ xấu, Chi nhánh tiến hành đánh giá toàn diện tình hình tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hồ sơ pháp lý của khách hàng phát sinh nợ xấu và đề ra các biện pháp xử lý phù hợp đối với từng khách hàng, từng khoản nợ. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tạm thời để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn trả nợ; giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ cho khách hàng, thực hiện tái cơ cấu lại nợ vay đối với trường hợp đủ điều kiện giúp khách hàng vượt qua khó khăn. Thường xuyên làm việc với khách hàng, đôn đốc, gửi văn bản thông báo đề nghị khách hàng tìm kiếm mọi nguồn thu trả nợ vay. Ngoài ra, Chi nhánh còn phối hợp với các khách hàng để thanh lý hàng tồn kho, thu hồi công nợ phải thu, thanh lý các tài sản bảo đảm là bất động sản, động sản để thu hồi nợ xấu. Nhờ đó, Chi nhánh đã xử lý được gần 70 tỷ đồng nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng bằng việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của khách hàng.

Cán bộ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định rà soát, đối chiếu dư nợ khách hàng để đôn đốc thu hồi nợ.
Cán bộ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định rà soát, đối chiếu dư nợ khách hàng để đôn đốc thu hồi nợ.

Thời gian tới, lường trước tình hình kinh tế trong nước có nhiều diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các khách hàng gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng, nhất là tình trạng nợ xấu từ chương trình cho vay đóng mới tàu vỏ sắt theo Nghị định số 67 của Chính phủ, ảnh hưởng đến sự an toàn và tính thanh khoản của toàn hệ thống, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 17-9-2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Thành lập đoàn công tác tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các ngân hàng thương mại để đánh giá và làm rõ các nội dung liên quan đến tình hình nợ xấu, công tác xử lý nợ xấu. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu đồng thời có giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh; rà soát việc phân loại nợ, đảm bảo phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống và việc thu hồi nợ của các chi nhánh, công ty tài chính, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của các công ty tài chính trên địa bàn đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Chấn chỉnh, củng cố hoạt động và tập trung thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các quỹ tín dụng nhân dân. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát vi mô của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, sai phạm. Xử lý nghiêm theo quy định đối với những quỹ tín dụng nhân dân có vi phạm, đặc biệt là các vi phạm đã được cảnh báo, vi phạm tái diễn hoặc chậm khắc phục; chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan công an các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; bảo đảm quỹ tín dụng nhân dân hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật. Chỉ đạo, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các quỹ tín dụng nhân dân, chú trọng nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, công tác quản trị điều hành, kiểm soát đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và lộ trình đề ra. Tiếp tục thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về xử lý các vấn đề của Quỹ tín dụng nhân dân Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

Tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng giúp khách hàng, nhất là các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



Tải app VPBank NEO

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com