Tạo lập sinh kế cho người dân, góp phần xây dựng bền vững nông thôn mới

07:05, 07/05/2019

Đánh giá về một trong những thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, ngay từ giai đoạn đầu xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thiết lập sinh kế cho người dân tại địa phương theo hướng “ly nông không ly hương” để người dân nông thôn có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, tinh thần; từ đó sẽ chung sức đầu tư xây dựng, phát triển bền vững nông thôn. Trong đó, sản xuất nông nghiệp chuyển trọng tâm từ ưu tiên số lượng sang chất lượng; xây dựng cánh đồng lớn để sản xuất nông sản hàng hóa, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân liên kết, phát triển các chuỗi giá trị ở cả nhóm nông nghiệp và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nông dân xã Yên Trị (Ý Yên) tham gia sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Thương mại Vĩnh Tiến.
Nông dân xã Yên Trị (Ý Yên) tham gia sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn và Thương mại Vĩnh Tiến.

Tìm hiểu tại huyện Nam Trực, các mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhất là cánh đồng lớn và cánh đồng liên kết với doanh nghiệp phát triển nhanh. Qua dồn điền đổi thửa huyện đã quy hoạch được 1.358 vùng sản xuất tập trung có quy mô từ 5ha trở lên. 36 hợp tác xã nông nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng Ban Nông nghiệp xã xây dựng các cánh đồng lớn diện tích từ 30-100ha, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch cho hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 4-5 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà và tạo tiền đề để sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, cả 19 xã của huyện đã tổ chức được mô hình liên kết chuỗi, cánh đồng lớn sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cả 2 cụm công nghiệp Đồng Côi, Vân Chàng của huyện đều đã lấp đầy 100% diện tích giải quyết việc làm cho trên 1.000 người lao động. Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của 19 làng nghề và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamani Dynasty, Công ty Kim Vận, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên May mặc Việt Pacific, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Yu Việt Nam, Công ty May Nam Tiến... góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Ở huyện Ý Yên đã hình thành các vùng sản xuất rau sạch sử dụng phân bón hữu cơ của Hợp tác xã Nam Cường, xã Yên Cường quy mô 5ha; vùng sản xuất lạc và khoai tây ở xã Yên Nhân quy mô hơn 20ha; vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân. Toàn huyện có 88 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó chủ yếu là trang trại chăn nuôi. Giá trị sản lượng hàng hóa của các trang trại bình quân đạt 2,1-2,5 tỷ đồng/trang trại/năm. Trên địa bàn huyện đã có 23 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung diện tích từ 8ha trở lên tập trung ở xã Yên Nghĩa, Yên Thọ, Yên Khánh, Yên Hưng, Yên Phong, Yên Hồng, Yên Bằng; có 36 vùng nuôi thủy sản tập trung mới phát triển với quy mô từ 10ha trở lên. 13 làng nghề truyền thống có quy mô lớn của huyện đang hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt nhiều sản phẩm làng nghề đạt chất lượng cao, có thương hiệu, uy tín trong và ngoài nước như các sản phẩm đúc kim loại, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, tre nứa ép... Tại 3 cụm công nghiệp: Yên Xá, La Xuyên xã Yên Ninh và Thị trấn Lâm đã thu hút được 195 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của người dân địa phương. Bên cạnh đó, huyện còn thu hút được 2 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. 

Theo số liệu tổng hợp của Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, ngoài sự nỗ lực của các địa phương, trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2016 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tại nông thôn nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, đã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 90 sản phẩm của 62 cơ sở sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa QRcode cho 130 mặt hàng nông sản, thực phẩm; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nước mắm Giao Châu và cá bống bớp Nghĩa Hưng. Đã có 7 thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường là gạo sạch Toản Xuân, nông sản sấy Minh Dương, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, ngao sạch Lenger, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal. Đặc biệt, tỉnh tăng cường khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 343 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng 133 cơ sở so với năm 2015. Các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 35 triệu đồng/người năm 2015 lên trên 45 triệu đồng/người năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 5,47% năm 2015 xuống 2,15% năm 2018.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, xây dựng nông thôn mới nâng cao, các sở, ngành, địa phương đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân chủ động thực hiện tiêu chí phát triển sản xuất theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020 của UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập, các hợp tác xã đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, thủy sản và ngành nghề nông thôn; ưu tiên hỗ trợ các xã, hợp tác xã triển khai xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, rau màu, xây dựng vùng rau an toàn, rau sạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hiện, Sở Công thương đã tập trung tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tỉnh và lựa chọn để tham gia bình chọn cấp khu vực và cấp quốc gia nhằm xúc tiến thương mại, thúc đẩy quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn trên thị trường trong và ngoài nước; dự kiến toàn tỉnh sẽ bình chọn 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp huyện, 50 sản phẩm cấp tỉnh, 25 sản phẩm cấp khu vực, 35 sản phẩm cấp quốc gia; trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm công nghiệp nông thôn thúc đẩy phát triển kinh tế biển và các mặt hàng chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Công thương tập trung khuyến khích các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chung sức thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương có giá trị gia tăng cao. Hiện tỉnh đang chỉ đạo ngành chuyên môn tập trung hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp các thông tin về tiêu chuẩn của chương trình OCOP; hỗ trợ đầu tư nâng tầm thương hiệu sản phẩm, đảm bảo các tiêu chí xếp hạng 5 sao của chương trình OCOP cấp xã, huyện, tỉnh. Trong năm 2019, tỉnh phấn đấu hoàn thiện khoảng 40-50 sản phẩm đã có tem nhãn hàng hóa, tem truy suất nguồn gốc... để đánh giá xếp hạng; năm 2020 tiếp tục hoàn thiện khoảng 110 sản phẩm./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com