Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

08:05, 29/05/2019

Đến thời điểm này, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 27-5-2019, dịch đã xuất hiện tại 213 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố (trên 93% số xã, phường, thị trấn); tổng số lợn chết, tiêu hủy 188.564 con tại 29.176 hộ chăn nuôi, với tổng trọng lượng tiêu hủy trên 10 nghìn tấn (số lợn chết và tiêu hủy chiếm 23,1% tổng đàn lợn của tỉnh); dự tính kinh phí hỗ trợ đến thời điểm này khoảng 400 tỷ đồng. Nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại nặng nề và lao đao vì dịch.

Tính từ thời điểm phát sinh dịch trên địa bàn tỉnh (từ ngày 8-3-2019) đến nay là hơn 2 tháng đã gây nhiều khó khăn và rất nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi của tỉnh nói chung và các hộ chăn nuôi nói riêng. Trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi nông hộ chiếm đa số với trên 80% tổng số hộ chăn nuôi; giai đoạn đầu bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt; sau khoảng 1 tháng, dịch đã phát sinh tại các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn và ở cả những trang trại đã được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh và Trung tâm Giống gia súc gia cầm tỉnh. Để ứng phó với diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch và các hướng dẫn kỹ thuật cách nhận biết bệnh, quy trình tiêu độc, khử trùng và xử lý ổ dịch; UBND tỉnh và các huyện đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đã thành lập các chốt kiểm dịch tại đầu mối giao thông của tỉnh, huyện, xã; thành lập các đội kiểm dịch lưu động, đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào địa bàn. Chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn tránh phát tán mầm bệnh, gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 3-4-2019 Quy định cơ chế tài chính hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tỉnh đã phân bổ 40 nghìn lít hóa chất, các địa phương chủ động mua 2.916 lít hóa chất và 426 tấn vôi bột thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường.

Hiện nay, điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, phương thức phát tán vi-rút và lây lan bệnh đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát. Do vậy, trong thời gian tới bệnh dịch tả lợn châu Phi còn tiếp tục phát sinh, lây lan, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục triển khai tích cực, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tăng cường và thực hiện quyết liệt các giải pháp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh. Đặc biệt là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Dịch tả lợn châu Phi đang là vấn đề nghiêm trọng, khó kiểm soát, vì vậy các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cần tập trung quyết liệt hơn nữa công tác phòng, chống bệnh dịch; cần xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; phải thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đến thú y; các tỉnh, thành phố tổ chức huy động các lực lượng để giám sát hoạt động, tiêu hủy lợn bệnh đúng kỹ thuật, hạn chế dịch lây lan; tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp; chỉ đạo, hỗ trợ người dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thường xuyên tổ chức tiêu độc, khử trùng, hạn chế lây lan mầm bệnh... Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, nắm chắc tổng đàn lợn trước khi xảy ra dịch cũng như số lượng từng loại lợn hàng ngày phải tiêu hủy, đảm bảo thống kê chính xác phục vụ công tác hỗ trợ tài chính; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân khi phát hiện lợn ốm, lợn chết phải báo ngay cho lực lượng thú y cơ sở, chính quyền địa phương biết để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, các địa phương trong tỉnh và các hộ chăn nuôi tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp quản lý, kiểm soát khống chế ổ dịch. Đối với các trang trại, gia trại và các hộ chăn nuôi chưa bị dịch cần thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, quản lý tốt nguồn thức ăn, nước uống và hạn chế tối đa người, phương tiện ra vào khu chăn nuôi; tăng cường nuôi dưỡng, chăm sóc tốt đàn lợn nhằm nâng cao sức đề kháng. Đối với các địa phương trong quá trình phòng, chống dịch cần tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, đúng quy trình tiêu hủy lợn theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y; tiêu hủy nhanh chóng, triệt để lợn chết, lợn mắc bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện lợn bệnh. Phương tiện, dụng cụ vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy phải đảm bảo không rơi vãi chất thải, các chất dịch tiết của lợn bệnh ra ngoài môi trường. Kiểm tra, xử lý các sự cố hố chôn lợn không đúng quy cách gây ô nhiễm môi trường theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Thành lập các đoàn công tác tăng cường xuống các địa phương để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại tuyến cơ sở, nhất là quy trình tiêu hủy lợn mắc bệnh không để phát tán mầm bệnh và ô nhiễm môi trường. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 3-4-2019 của UBND tỉnh, cần tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận trong khai báo số lượng, trọng lượng lợn phải tiêu hủy, đặc biệt là tình trạng mang lợn ốm ở nơi khác về khai báo để trục lợi. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để mọi người dân nâng cao nhận thức về việc sử dụng thịt lợn an toàn đảm bảo chất lượng không ảnh hưởng đến sức khỏe để nhân dân yên tâm không quay lưng với sản phẩm thịt lợn./.

Thu Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com