Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến ngày 11-5-2019, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 211 xã, phường, thị trấn của cả 10 huyện, thành phố. Tổng số lợn chết, tiêu hủy là 130.772 con tại 22.276 hộ chăn nuôi; tổng trọng lượng tiêu hủy 6.819,3 tấn... Đến hết ngày 12-5 có 14 xã, phường, thị trấn đã qua 7 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi phải tiêu hủy, bao gồm: Phường Trần Đăng Ninh (26 ngày); phường Trần Tế Xương (20 ngày); xã Lộc An, Quang Trung (14 ngày); phường Cửa Nam, xã Xuân Phương (11 ngày); phường Lộc Hạ, xã Yên Hưng (10 ngày); xã Mỹ Hưng, Giao Lạc (9 ngày); phường Lộc Vượng, xã Bạch Long, Yên Dương (8 ngày) và Thị trấn Mỹ Lộc (7 ngày).
Để quản lý, kiểm soát khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương và người chăn nuôi chủ động triển khai đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch, tiến tới ngăn chặn và chấm dứt tình trạng phát sinh mới các ổ dịch, góp phần bảo vệ sản xuất. Các cơ quan truyền thông của tỉnh phối hợp với các sở, ngành xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; tuyên truyền để người tiêu dùng không tẩy chay các sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn. Các địa phương tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tránh phát tán mầm bệnh, ô nhiễm môi trường. Thành lập các chốt kiểm dịch tại đầu mối giao thông của tỉnh, huyện, xã; đồng thời thành lập các đội kiểm tra lưu động, đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn. Các cơ sở chăn nuôi có biện pháp ngăn chặn chim, chuột và các loại côn trùng xâm nhập vào chuồng nuôi lợn; chủ động mua hóa chất, vôi bột thực hiện tiêu độc, khử trùng thường xuyên sử dụng đèn tia cực tím để khử trùng vật dụng trong chăn nuôi, thức ăn cho lợn. Các thôn, xóm huy động lực lượng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực thôn xóm, thực hiện giám sát chặt chẽ hệ thống kênh mương trên địa bàn, không để người chăn nuôi vứt lợn chết ra kênh mương làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ lực lượng thú y cơ sở, người hành nghề thú y tự do yêu cầu ký và thực hiện “cam kết không tự ý điều trị lợn bệnh”; chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng quy trình vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, đặc biệt tổ chức tiêu hủy lợn bệnh phải tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn không để phát tán mầm bệnh và ô nhiễm môi trường. Thường xuyên kiểm tra và xử lý các hố chôn lấp lợn; có biện pháp xử lý ngay các hố chôn bị sụt, lún, rò rỉ nước bẩn ra ngoài, gây mùi hôi thối theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra vào địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch theo quy định tại Quyết định số 701/QĐ-UBND ngày 3-4-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh./.
Văn Đại