Trên địa bàn tỉnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ ngày 8-3-2019; đến ngày 26-5 đã xuất hiện tại 213/229 xã, phường của 10 huyện, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 184.169 con, tổng trọng lượng 9.859,9 tấn tại 28.800 hộ chăn nuôi. Virus bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại khá lâu ngoài môi trường nên việc xử lý các ổ bệnh, trong đó có việc tiêu hủy lợn bệnh được yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt về kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn phát tán mầm bệnh. Không những thế, với số lượng lợn tiêu hủy lớn yêu cầu các địa phương, người chăn nuôi phải nghiêm túc thực hiện đúng, đủ quy trình đảm bảo vệ sinh trong thu gom, tiêu hủy lợn mắc dịch, không để phát sinh ô nhiễm môi trường.
Qua theo dõi của cơ quan chuyên môn và phản ánh từ địa phương về công tác phòng, chống dịch nói chung, công tác tiêu hủy lợn bệnh nói riêng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua bên cạnh các địa phương đã làm tốt, nhiều địa phương còn một số tồn tại. Trong đó, nhận thức của một số hộ chăn nuôi về phòng, chống dịch còn hạn chế, khi có hiện tượng lợn ốm không thông báo ngay tới cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương; công tác tiêu hủy lợn mắc bệnh chưa kịp thời, chưa triệt để, không hoàn thành việc tiêu hủy trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện lợn bệnh theo quy định. Qua đợt kiểm tra thực tế của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh vừa qua cho thấy, vẫn còn không ít địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy lợn mắc dịch. Tại huyện Giao Thuỷ, mật độ chăn nuôi dân cư nhỏ lẻ cao, các hộ nuôi chưa thực hiện tốt quy trình an toàn sinh học và vệ sinh tiêu độc, khử trùng vẫn còn hiện tượng người hành nghề thú y hoặc người chăn nuôi tự điều trị lợn ốm mà không khai báo ngay với cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương; việc quản lý giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn chưa hiệu quả; công tác tiêu hủy lợn chưa kịp thời, triệt để; phương tiện vận chuyển lợn từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy không có lót và phủ bạt dẫn đến phân, chất thải của lợn rơi vãi ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; dụng cụ, quần áo bảo hộ của người tham gia tiêu hủy lợn không đầy đủ, phương tiện vận chuyển lợn đi tiêu hủy chưa thực hiện tốt việc sát trùng; hố tiêu hủy lợn không lót bạt, số lượng vôi rải xuống hố chôn ít, phun thuốc sát trùng chưa triệt để, chưa lèn chặt đất trên bề mặt hố chôn. Vào thời điểm đoàn của đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại xã Hải Thanh (Hải Hậu) đang phải tập trung tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch nhưng túi nilon, bao bì đựng thức ăn gia súc trôi nổi dọc kênh mương gây nguy cơ lây lan bệnh dịch. Tại các xã Xuân Kiên, Xuân Ninh (Xuân Trường) là những địa phương được đánh giá là thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch, thu gom, chôn lấp lợn mắc bệnh và lập hồ sơ hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy; khu hố chôn không phát sinh mùi động vật phân hủy; huyện và xã không nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên,vẫn còn tình trạng hộ chăn nuôi chưa phun phòng, khử trùng, tiêu độc đúng quy trình; xe thu gom, vận chuyển lợn mắc bệnh dịch đi tiêu hủy đồng thời là xe thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt dẫn đến nguy cơ làm lây lan mầm bệnh trên địa bàn khi phương tiện không được khử trùng, tiêu độc đầy đủ. Bên cạnh đó, với số liệu báo cáo của địa phương về lượng thuốc được cấp phát để phun tiêu độc, khử trùng là chưa đảm bảo theo yêu cầu căn cứ vào mức độ nguy hiểm, thiệt hại dịch bệnh phát sinh. Huyện cần chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để mua bổ sung và cấp phát cho cơ sở phun kịp thời.
Đánh giá và chỉ đạo của đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, do bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêu hủy lợn tốn nhiều kinh phí, nhân lực; nhất là trong điều kiện chi phí nhân công lao động tăng cao, các địa phương gặp khó trong huy động nhân lực làm nhiệm vụ. Tỉnh biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực, chung sức tham gia phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch của người dân và các cán bộ, công chức, viên chức các địa phương. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp và kinh tế của tỉnh; trong khi chưa có vacxin phòng bệnh, không có thuốc đặc trị, do đó các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, triệt để việc vệ sinh môi trường, tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh đúng quy trình kỹ thuật nhằm khống chế, ngăn chặn mầm bệnh lây lan, hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế, môi trường sống của người dân. Các địa phương chưa thực hiện đúng quy trình hướng dẫn việc chôn lấp, tiêu hủy lợn phải khẩn trương kiểm tra, áp dụng biện pháp xử lý, khắc phục các hiện tượng hố chôn lợn sụt, lún, phát sinh mùi ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Ngay khi phát hiện hố chôn lấp lợn bệnh dịch có dấu hiệu ảnh hưởng đến môi trường cần khẩn trương phong tỏa các tác nhân gây ô nhiễm không khí và nguồn nước xung quanh; nhanh chóng gia cố xử lý lại hố chôn. Phải tiến hành khử trùng môi trường xung quanh bằng các hóa chất chuyên dùng; tạo rãnh phong tỏa có sử dụng chất diệt khuẩn quanh hố chôn và rãnh phong tỏa ngầm nhằm chống thấm, kiểm soát mạch nước ngang; xử lý kỹ trên mặt hố chôn. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phun phòng, khử trùng tiêu độc đúng quy trình kỹ thuật, đủ liều lượng thuốc theo mức độ bệnh dịch phát sinh để đảm bảo hiệu lực tiêu diệt mầm bệnh; tập trung quản lý chặt chẽ việc xử lý lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng, các loại động vật nói chung, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn và động vật chết ra kênh mương, sông, ngòi gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Phương tiện thu gom, vận chuyển lợn đến điểm chôn lấp phải đảm bảo có sàn kín, không làm rơi vãi, phát tán các chất thải trên đường đi; phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trước khi ra khỏi khu vực tiêu hủy. Hố chôn lấp lợn bị bệnh dịch phải thực hiện lót đáy, xử lý mùi hôi, khử trùng, diệt khuẩn bằng hóa chất tiêu tẩy, khử trùng. Sau khi chôn lấp, hàng ngày phải theo dõi, kiểm tra quá trình phân hủy để phân tích, đánh giá mức độ an toàn của các hố chôn trong vòng 1 tuần đầu và hàng tuần trong thời gian từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 12 nhằm kịp thời phát hiện, xử lý khi có sự cố./.
Thanh Thúy