Tỉnh ta có bốn hệ thống sông chính là sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ và sông Đào với tổng chiều dài khoảng 251km và hệ thống 21 sông nhánh, kênh mương với tổng chiều dài khoảng 279km. Các sông chính như sông Hồng, sông Đáy không chỉ bồi đắp phù sa màu mỡ, cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm gần đây, nhiều người dân tại một số địa phương như xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), xã Yên Phúc (Ý Yên) đã tận dụng diện tích mặt nước sông để phát triển nghề nuôi cá lồng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Nghề nuôi cá lồng trên sông phát triển nhanh, mở ra một hướng đi mới hiệu quả trong nuôi thủy sản nước ngọt, góp phần tăng năng suất, sản lượng thủy sản nuôi.
Trao đổi về nghề nuôi cá lồng đang phát triển mạnh ở địa phương, đồng chí Vũ Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: Nghề nuôi cá lồng của xã đã phát triển khoảng chục năm trở lại đây. Nắm bắt được tình hình phát triển nghề này ở nhiều nơi; trên cơ sở kinh nghiệm nuôi cá của người dân địa phương, UBND xã đã tạo điều kiện về thủ tục, liên hệ với ngành chức năng hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ người nuôi xây dựng lồng bè, và tuân thủ các quy định về đảm bảo giao thông đường thủy giúp người dân mở nghề mới. Đến nay, toàn xã có 74 lồng nuôi cá trên sông Hồng thuộc khu vực cống Núm, thôn Thượng Trang với các loại cá cảnh, cá diêu hồng, cá lăng... Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, nhận thấy hiệu quả kinh tế, đến nay khu vực nuôi cá lồng trên sông Hồng của xã đã có 3 hộ nuôi ổn định, trong đó có 2 hộ nuôi cá thịt là các ông: Chu Văn Bảo, Chu Văn Hoàn; hộ ông Phan Văn Sơn chuyên nuôi các loại cá chép Nhật (cá Koi), cá chép cảnh. Tìm hiểu tại cơ sở của ông Chu Văn Bảo, ông cho biết: Năm 2014, sau khi đi tham quan mô hình ở các tỉnh khác, ông quyết định đầu tư 10 lồng với diện tích 36-40 m2/lồng trên sông Hồng để nuôi cá diêu hồng và cá lăng. Nhờ có dòng nước lưu thông liên tục trên sông nên người nuôi cá lồng không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá lưu cữu trong lồng gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cá, không những thế cá còn được cung cấp đủ lượng ô-xy cả khi nuôi với mật độ cao. Nhờ đó việc sản xuất của ông Bảo đạt hiệu quả khá. Sau vài năm tích lũy kinh nghiệm, đến nay ông Bảo đã phát triển được tổng số 27 lồng nuôi (có diện tích từ 40-60 m2/lồng), trong đó có 12 lồng nuôi cá diêu hồng; 15 lồng nuôi cá lăng theo hình thức nuôi gối sóng. Mỗi lồng ông thường thả từ 4.500-5.000 con cá giống (loại 100 con/kg); cá diêu hồng nuôi liên tục trong 8 tháng; cá lăng nuôi lâu hơn, từ 20-24 tháng mới xuất bán. Bình quân mỗi năm, cơ sở của ông Bảo xuất bán khoảng trên 120 tấn cá các loại cho thị trường trong tỉnh và cả các tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng... Với giá bán bình quân từ 60-80 nghìn đồng/kg, trừ hết chi phí ông Bảo có thu nhập thực tế từ 500 triệu đồng trở lên. Ông Phan Văn Sơn lại là hộ đầu tiên nuôi thành công cá cảnh bằng lồng bè trên sông Hồng. Với 7 lồng nuôi có diện tích 54 m2/lồng, mỗi lồng đầu tư khoảng 50-60 triệu đồng, thả từ 3.000-4.000 con cá giống. Mỗi năm, 1 lồng cho thu hoạch khoảng 3 tấn cá Koi, giá bán thấp nhất từ 150-200 nghìn đồng/kg; những con cá màu sắc đẹp, to có giá bán từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng/con thu nhập cũng tầm từ 500-600 triệu đồng. Tận dụng diện tích thùng đào lấy nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng sát sông Đào, gần chục hộ dân như các ông: Vũ Đình Tuấn, Kiều Mai Nho, Vũ Đình Tú, Khiếu Đình Phúc... thuộc các xóm Cầu, An Quang, Trại đã thành lập Tổ hợp tác nuôi thủy sản Đoàn Kết để phát triển nghề nuôi cá lồng ở khu vực xóm Vĩnh Ninh, xã Yên Phúc (Ý Yên). Lồng làm bằng sắt, liên kết bằng các loại thùng phuy nhựa làm phao nổi với kích thước 36 m2/lồng, sâu từ 3-4 mét. Các lồng cá được neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ đảm bảo khi có diễn biến xấu về thời tiết có thể di chuyển về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết. Thường xuyên kiểm tra, tu sửa lồng bè, vệ sinh, tẩy dọn lồng để đảm bảo nước lưu thông và môi trường trong sạch; gia cố hệ thống dây neo, phao lồng. Trong trường hợp không thể di chuyển được thì người nuôi có thể hạ độ sâu của lồng để giảm bớt tác động của sóng, gió. Thời gian đầu các hộ trong tổ hợp tác chỉ nuôi thử nghiệm mỗi hộ vài lồng thả các loại cá: diêu hồng, cá lăng và trắm, chép. Sau một vài vụ thành công, đến nay, toàn xã Yên Phúc đã phát triển được trên 20 hộ tham gia nuôi cá lồng với tổng số gần 200 lồng chia thành 3 khu vực: xóm Vĩnh Ninh, xóm An Quang 1 và An Quang 2. Với mật độ thả 5.000 con cá diêu hồng, cá lăng/lồng; 500kg cá trắm, chép/lồng... sau khoảng 8-10 tháng nuôi liên tục các hộ thu được khoảng 3,5-5 tấn cá diêu hồng còn cá lăng khoảng 2 năm mới xuất bán khi cá có trọng lượng từ 7-8 kg/con. Với giá bán từ 60-80 nghìn đồng/kg, nhiều hộ dân có kinh nghiệm, đầu tư bài bản đã có thu nhập thực tế từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng từ nghề nuôi cá lồng như hộ các ông: Vũ Đình Tuấn, xóm An Quang 1; Khiếu Đình Kiều, xóm Cầu...
Nuôi cá lồng trên sông thời gian qua đã chứng minh được hiệu quả kinh tế nên đây được xác định là một trong những hướng phát triển mới của ngành nuôi thủy sản của tỉnh. Đối với người nuôi, cần quan tâm thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão, để bảo vệ thành quả sản xuất, giảm tổn thất do thiên tai. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng để phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng khai thác tốt lợi thế tự nhiên của địa phương là vốn đầu tư ban đầu cao, nhiều hộ dân mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nhưng do thiếu vốn nên không thể tham gia. Vấn đề này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành chức năng và UBND các địa phương, các tổ chức tín dụng để đồng hành cùng người nuôi làm giàu./.
Thành Trung