Ngành Xây dựng Nam Định đồng hành cùng quê hương đổi mới

08:05, 02/05/2019

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả hai lần giặc leo thang đánh phá miền Bắc, tỉnh ta đều là một trong những trọng điểm trút bom. Giặc phá huỷ các cơ sở kinh tế, công trình giao thông hòng ngăn chặn hoạt động chi viện cho chiến trường. Đất nước hoà bình, thống nhất, cơ sở vật chất trên quê hương bị phá huỷ nặng nề. Sau hơn 4 thập kỷ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương; ngành Xây dựng tỉnh ta đã góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết quê hương phát triển. Nhờ đó, diện mạo Thành phố Nam Định, thị trấn các huyện, vùng nông thôn toàn tỉnh đã và đang đổi thay, “lột xác” với hệ thống các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật “đường - trường - trạm - chợ”, công sở, nhà ở, phúc lợi công cộng… khang trang, được quy hoạch, xây dựng có hệ thống đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở vật chất nông thôn mới hiện đại, khang trang, trù phú hiện hữu ở khắp các miền quê.

Nông thôn mới xã Xuân Vinh (Xuân Trường).
Nông thôn mới xã Xuân Vinh (Xuân Trường).

Trong những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngành Xây dựng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tổ chức tốt nhiệm vụ thi công xây dựng cơ sở làm việc ở nơi sơ tán cho các cơ quan của tỉnh và các cơ quan, ban, ngành, bệnh viện, trường học, xây hầm đảm bảo nơi làm việc an toàn cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, hầm chỉ huy của Thành ủy Nam Định, khu chỉ huy Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, các công trình dịch vụ dân sinh như: cửa hàng cắt tóc dưới hầm, cửa hàng ăn uống dưới hầm... Bất chấp bom đạn và bao khó khăn thời chiến, công tác xây dựng vẫn đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời chiến của địa phương như bể chứa nước 2.000m3 của Nhà máy Nước Nam Định, Xí nghiệp Vôi Lạc Quần với hệ thống lò liên hoàn công suất lớn, Nhà máy Ô tô 2-9, Nhà máy Ươm tơ Sông Ninh, Nhà máy Gạch Khả Phong... Cũng trong thời kỳ này, hàng trăm cán bộ, công nhân của ngành lên đường nhập ngũ đóng góp nhân lực cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt, góp phần cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến thắng lợi hoàn toàn. Đất nước thống nhất, ngành Xây dựng lại bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết hạ tầng, xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ cùng với nỗ lực của toàn ngành Xây dựng, đến cuối năm 1975, hệ thống đường giao thông, nhà cửa trên địa bàn tỉnh cơ bản được khôi phục; hệ thống điện thoại, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt được tu sửa, làm mới. Toàn tỉnh khôi phục 17 nghìn m2 nhà ở, xây mới 100 nghìn m2, trong đó có 27 nghìn m2 nhà cấp bốn; 9 xã đã xây dựng trường cấp II quy mô hai tầng. Bệnh viện, trạm y tế ở nhiều địa phương được xây dựng mới, phục vụ việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Cùng với đó, tỉnh tích cực chỉ đạo ngành tập trung xây dựng hệ thống thuỷ lợi ở vùng trọng điểm trồng lúa, triển khai đắp đê sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ, nạo vét hàng triệu mét khối đất, khơi thông kênh mương; xây dựng quy hoạch Thành phố Nam Định, tập trung xây dựng Cụm kinh tế 3-2 ở Nam Ninh. Với nỗ lực của ngành Xây dựng nói riêng và toàn tỉnh nói chung, đến năm 1996, đời sống nhân dân nói chung, nông thôn nói riêng thực sự đổi mới, 100% số xã trong toàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số xã và 97,5% số hộ nông dân có điện thắp sáng; 100% số xã có trạm xá và trường tiểu học, trung học cơ sở; 92,3% số xã có trạm truyền thanh. Tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố là 84,1% (riêng nhà kiên cố là 31,3%). Đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện, số hộ nghèo giảm dần (năm 1996, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,5%). Sang năm 1996, tỉnh ta được tái lập từ tỉnh Nam Hà với 9 huyện, 1 thành phố, 201 xã, 15 phường, 9 thị trấn. Trong điều kiện vừa chia tách, tái lập, có nhiều khó khăn về ngân sách, với quyết tâm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là về hệ thống giao thông nông thôn. Nhiều công trình giao thông được khởi công và đẩy nhanh tiến độ xây dựng như: cầu Lạc Quần, cảng Hải Thịnh, Quốc lộ 21A Nam Định - Phủ Lý, đường tỉnh 55, cầu Thức Hoá, đường 51B Giao Thuỷ đi Hải Hậu... Phong trào làm đường giao thông nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn tỉnh có 1.251km đường đã được nâng cấp. Nhiều công trình xây dựng trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: nhà 4 tầng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tình thương AGAPE (Bệnh viện Đa khoa thành phố), các công trình cấp nước sạch, tiêu thoát nước, xử lý rác, nâng cấp giao thông đô thị ở Thành phố Nam Định, nhựa hoá các đường trục nội thành... được triển khai. Từ đầu năm 1998 đến cuối năm 2000, toàn tỉnh nâng cấp cải tạo được 1.841km đường các loại, nâng cấp 156 cầu, 349 cống; một số tuyến đường tỉnh như đường 12, 55, 56, 57... và các trục đường huyện cũng được nâng cấp. Đến năm 2005, nhiều cầu, phà được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng như cầu Tân Đệ, cầu Lạc Quần, cầu Hà Lạn, cầu Quần Liêu, bến phà Thịnh Long, phà Sa Cao - Thái Hạc, cầu phao Ninh Cường, cảng biển Hải Thịnh đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Từ năm 2005 đến nay, trải qua gần 15 năm nỗ lực vì mục tiêu xây dựng quê hương đổi mới, ngành Xây dựng đã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, bám sát nhiệm vụ chính trị mà Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đã đề ra, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng quê hương Nam Định ngày càng hiện đại, thịnh vượng hơn qua mỗi công trình. Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng được hệ thống đô thị hiện đại, hạ tầng diện mạo nông thôn mới đã chuyển biến vượt bậc, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Toàn tỉnh có 1 đô thị loại I (Thành phố Nam Định) và 2 đô thị loại IV (Thịnh Long, Rạng Đông) và 13 đô thị loại V (Quất Lâm, Gôi, Lâm, Liễu Đề, Quỹ Nhất, Nam Giang, Cổ Lễ, Cát Thành, Xuân Trường, Ngô Đồng, Yên Định, Cồn, Ninh Cường). Hệ thống các khu đô thị mới không ngừng được đầu tư mới góp phần tạo chuyển biến về nếp sống đô thị văn minh, hiện đại. Cùng với các khu đô thị Hòa Vượng, Mỹ Trung, Thống Nhất, trên nền Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định cũ đã xây dựng một khu đô thị Dệt may mới khang trang hiện đại giữa lòng thành phố cổ. 9 khu đô thị mới tại thị trấn trung tâm các huyện cũng được tỉnh đôn đốc triển khai thực hiện. Tại địa bàn xã, dự án các khu dân cư tập trung cũng được nhanh chóng đầu tư xây dựng mới, hiện có 9/13 khu dân cư tập trung đã được khởi công. Các trục đường giao thông huyết mạch được đầu tư thông suốt từ tỉnh đến huyện, xã như: tuyến đường trục kết nối kinh tế ven biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến tránh Thành phố Nam Định (Quốc lộ 38B), các tuyến tỉnh lộ 487, 488 (đoạn từ cầu Vòi đến nút giao Quốc lộ 37B), 489C đoạn từ cầu Lạc Quần đến phà Sa Cao… Hàng loạt dự án đầu tư trọng điểm từ Trung ương được phân bổ đã và đang góp phần thúc đẩy tỉnh trở thành cực phát triển phía nam đồng bằng sông Hồng như dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I; đường cao tốc ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, cầu Thịnh Long... Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã, thị trấn và 8/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các huyện còn lại là Nam Trực, Ý Yên cũng đang thực hiện những bước cuối cùng để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ đô thị hoá toàn tỉnh đạt trên 30%; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt 87%; 43% dân số nông thôn sử dụng nước máy. Môi trường sống nông thôn không ngừng được cải thiện, từng bước xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu tại Điền Xá (Nam Trực), Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Thọ Nghiệp (Xuân Trường)… Chất lượng nhà ở nông thôn không ngừng được nâng lên, không còn nhà tạm, dột nát, đặc biệt là nhà ở của các đối tượng chính sách. Toàn tỉnh đã hỗ trợ 7.643 hộ gia đình người có công với cách mạng về nhà ở và tiếp tục phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế khu vực và thế giới, ngành Xây dựng Nam Định đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới của nhiệm vụ xây dựng kiến thiết quê hương Nam Định giàu mạnh, thịnh vượng hơn nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước nói chung. Thành tựu đạt được của ngành trong hơn 40 năm đất nước hoà bình, thống nhất, tập trung xây dựng quê hương là hành trang quan trọng để ngành Xây dựng tiếp tục phát huy và dựng xây quê hương tăng trưởng xanh bền vững./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com