Tỉnh ta hiện có 115 nghìn ha đất nông nghiệp, dân số trên 1,8 triệu người, trong đó dân số sống tại khu vực nông thôn chiếm tỉ lệ 84,2%, số hội viên nông dân là 322.220 hội viên, bằng 85,1% so với tổng số hộ nông dân. Để nông dân chủ động chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hoá với quy mô lớn, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đòi hỏi nhu cầu lớn về vốn. Vì vậy, những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đứng ra nhận ủy thác vốn vay từ các tổ chức tín dụng cho nông dân vay, trong đó nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.053 tỷ đồng cho 41.226 hộ vay thông qua 1.379 tổ tiết kiệm và vay vốn; từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 9.034 tỷ đồng cho 52.903 hộ vay thông qua 2.489 tổ vay vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn từ các ngân hàng có nhiều điều kiện ràng buộc nên không đáp ứng hết nhu cầu vốn của nông dân trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Do đó năm 2007, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân và tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân góp phần giúp đỡ hội viên nông dân nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn; tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Qua 11 năm triển khai hoạt động, đến nay có 9/10 huyện đã có Quỹ hỗ trợ nông dân (đạt 90%); có 179/212 cơ sở Hội có Ban vận động Quỹ hỗ trợ nông dân (đạt 80,6%). Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên nông dân đã đầu tư phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Nông dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) thu hoạch hoa cúc. |
Năm 2013, tổng nguồn vốn hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt trên 16 tỷ đồng cho 900 hộ vay. Đến năm 2018 tăng lên 24,1 tỷ đồng cho 1.025 hộ vay. Một số đơn vị thực hiện tốt công tác vận động xây dựng và tăng trưởng nguồn vốn cao như các huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng... Với nguồn vốn trên, 5 năm qua Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ 3.826 hội viên vay với số vốn 78 tỷ 640 triệu đồng thông qua 119 dự án với 32 tổ hợp tác, 14 tổ hội nghề nghiệp và 1 hợp tác xã. Phương thức cho vay được đổi mới từ cho vay theo chi, tổ Hội chuyển sang cho vay theo dự án. Quy mô đầu tư vốn cho một dự án được nâng từ 300 triệu lên 1 tỷ đồng. Nhiều mô hình vay, sử dụng vốn hiệu quả cao như: Tổ hợp tác nuôi cá lóc bông tại Nghĩa Lợi, tổ hợp tác nuôi cá bống bớp tại Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác nuôi cá diêu hồng tại Hải Châu (Hải Hậu); tổ hợp tác nuôi cá trắm đen tại Mỹ Hà (Mỹ Lộc); phát triển nghề mộc tại Xuân Phương (Xuân Trường), Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), Yên Ninh (Ý Yên)… Qua đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống hội viên nông dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trên thực tế vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân. Hoạt động của Quỹ còn một số hạn chế, bất cập. Ở một số nơi, lãnh đạo Hội chưa khẳng định được vai trò, tác dụng của Quỹ; một số cán bộ Hội cơ sở còn nhầm lẫn Quỹ hỗ trợ nông dân với Quỹ Hội; chưa làm rõ tính đặc thù của Quỹ hỗ trợ nông dân với quỹ khác, với tín dụng thông thường nên cán bộ, hội viên, nông dân chưa hiểu đúng mục đích, ý nghĩa, nội dung hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ hàng năm gặp nhiều khó khăn. Chưa xây dựng được Quỹ hỗ trợ nông dân cấp thành phố và ở 43 cơ sở Hội chưa có Ban vận động Quỹ hỗ trợ nông dân (chiếm 15,6%). Cơ cấu nguồn vốn không cân đối, thiếu ổn định. Tốc độ tăng trưởng vốn chậm, quy mô vốn của nhiều đơn vị còn thấp, nguồn bổ sung từ ngân sách địa phương cho Quỹ các cấp còn rất hạn chế và chưa thường xuyên. Công tác quản lý nguồn vốn ở một số đơn vị chưa tốt. Sự phối hợp, liên kết các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh chưa có, các mô hình kinh tế được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân còn ít. Có nơi việc xây dựng mô hình chưa rõ nét; sử dụng vốn chưa chặt chẽ, hiệu quả (còn để nợ quá hạn).
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, tháng 3-2019, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019-2023” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ các cấp Hội trong toàn tỉnh đối với công tác xây dựng, quản lý, điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân. Xây dựng Quỹ phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu hoạt động công tác Hội, thúc đẩy các phong trào nông dân, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xây dựng Hội vững mạnh. Đề án đề ra mục tiêu 100% Hội Nông dân các cấp trong tỉnh kiện toàn, củng cố, thành lập Ban vận động Quỹ. Huy động tăng trưởng nguồn vốn 10% mỗi năm so với nguồn vốn hiện có; phấn đấu đến năm 2020, nguồn Quỹ cấp tỉnh đạt 3 tỷ đồng; nguồn Quỹ cấp huyện đạt bình quân 300 triệu đồng/huyện; 100% cấp cơ sở vận động được vốn đạt từ 30 triệu đồng/cơ sở. Đến năm 2023 nguồn Quỹ cấp tỉnh đạt 4 tỷ đồng; nguồn quỹ cấp huyện đạt 400 triệu đồng/huyện, cấp cơ sở vận động đạt 35 triệu đồng/cơ sở. 100% cơ sở Hội thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác gắn với sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn. Trong đó: 90% tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội thành lập được vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp. 100% thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã… được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân tổ chức sinh hoạt định kỳ; 100% số hộ vay vốn được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập kinh nghiệm và được kiểm tra, giám sát theo quy định./.
Bài và ảnh: Lam Hồng