Chúng tôi về xóm Tây Thượng Trên, xã Bình Minh (Nam Trực) vào một ngày đầu hè nắng vàng như rót mật. Trên con đường ven sông Ngọc xanh mát bóng cây, chị Nguyễn Thị Lan đang nhanh tay trộn dầu bóng, đảo đều rồi tãi hạt gỗ ra phơi trên những chiếc nia. Trong khoảng sân rộng rãi trước nhà, các bà, các chị thoăn thoắt luồn dây dù vào khung, xâu hạt theo mẫu, tạo thành những chiếc rèm đẹp mắt, đủ màu sắc, kích cỡ. Những sản phẩm hoàn thiện được treo trên tường hoặc cuộn gọn thành bó, chờ xuất bán. Vừa trau chuốt lại chiếc rèm, anh Trưởng - chồng chị Lan vừa kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đến với nghề.
Chị Nguyễn Thị Lan đang hoàn thiện chiếc mành. |
Cũng như nhiều người dân thôn Thượng Nông, trước đây, vợ chồng anh Trưởng, chị Lan chuyên làm bánh kẹo vốn là nghề truyền thống của làng. Đến năm 1999, anh đi bán hàng thuê cho người chú trên Hà Nội và đã bén duyên với nghề làm mành hạt nên quyết định mua máy về làm. Ban đầu, anh chị gặp khó khăn rất nhiều về vốn, nguồn gỗ và công nhân. Thêm vào đó, các sản phẩm phụ như mùn cưa, gỗ vụn chưa bán được, lại không có chỗ để, gây lãng phí. Anh Trưởng đã cất công đi tới nhiều nơi của tỉnh Bắc Kạn, chọn địa điểm xây dựng xưởng để tận dụng nguyên liệu tại chỗ, đầu tư 300 triệu đồng mua 10 máy chuyên chế biến hạt, thuê 15-20 người vận hành máy dập hạt. Hạt gỗ sau khi tiện thô xong được chuyển về và trải qua rất nhiều công đoạn: dùng búa gõ rời hạt ra khỏi bánh gỗ, phân loại hạt, xay để hạt nhẵn mịn; sấy khô khoảng 12 tiếng để tránh bị mốc; nhuộm màu, phủ sơn PU, phơi nắng để tạo độ bóng đẹp, chống bám bụi và bền màu. Anh Trưởng còn kỳ công chọn các loại gỗ như lồng mực, bồ đề nhằm tạo ra các hạt có màu trắng ngà theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, theo anh Trưởng, mành làm bằng hạt gỗ bồ đề tự nhiên còn có tác dụng trấn an phong thủy tốt, ức chế năng lượng xấu, giải phóng năng lượng tốt, gia tăng tài lộc, hạn chế bệnh tật cho gia chủ. Từ những mẫu mành đơn giản thời gian đầu, anh chị đã kiên trì học hỏi, tự nghiên cứu thêm các mẫu mới để sản phẩm ngày càng đa dạng phong phú. Để có bộ mành đẹp, đạt tính thẩm mỹ cao, đảm bảo độ bền chắc, từ các đơn hàng của khách, anh Trưởng phải thiết kế kiểu dáng theo số đo, định vị bộ mành. Với kinh nghiệm 20 năm làm nghề, anh còn thường xuyên tư vấn cho khách về mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc phù hợp với từng không gian. Hiện tại, gia đình anh làm được nhiều loại mành, từ các mẫu chữ thư pháp đến những hình ảnh sóng nước, quả trám, hoa lá, chùa Một Cột, bản đồ Việt Nam, nậm rượu, hai con hạc chầu đỉnh hương... Dưới đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ thủ công, sản phẩm mành hạt của gia đình anh chị đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, làm đẹp cho mọi không gian ngôi nhà như phòng khách, phòng thờ, cửa sổ, cửa ra vào, cửa thông phòng... và nhiều khách sạn, quán cà phê. Với đặc tính che nắng, chắn gió, tạo sự kín đáo mà vẫn lưu thông không khí tốt lại dễ dàng làm sạch, sản phẩm mành hạt bằng gỗ tự nhiên đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh Trưởng bán được khoảng 200-300 chiếc mành. Thời điểm bán chạy nhất là vào dịp cuối năm, khi các gia đình sắm sửa, trang hoàng nhà cửa đón Tết. Với giá bán 200-220 nghìn đồng/m2, mỗi chiếc mành được bán ra thị trường khoảng từ vài trăm đến hàng triệu đồng tùy kích cỡ, hoa văn trang trí. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Trưởng, chị Lan có thu nhập vài trăm triệu đồng. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình, với nghề làm mành hạt, anh chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương làm tại chỗ và 10 người khác mang nguyên liệu về nhà với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng, chủ yếu là lao động nữ. Chị Đỗ Thị Ngoan, xã Bình Minh cho biết: “Tôi đã làm được 6 năm, công việc đơn giản, phù hợp với sức khỏe, không phải đi xa, có thu nhập ổn định và thời gian chăm lo cho gia đình, con cái. Ngoài ra, nhiều phụ nữ cao tuổi cũng có thể làm để tăng thu nhập, trang trải cuộc sống”. Làm mành hạt không chỉ đòi hỏi sự cần cù, chịu khó mà còn phải có óc sáng tạo và mắt thẩm mỹ. Khó nhất là công đoạn cải hình, cải chữ sao cho cân đối, hài hòa với tổng thể tấm mành.
Từ nghề làm mành hạt, anh Trưởng, chị Lan đã xây dựng được cơ ngơi bề thế, nuôi 3 con trưởng thành, góp phần mang nghề phụ về cho lao động nông thôn lúc nông nhàn. Anh chị còn luôn tích cực đóng góp, ủng hộ các phong trào của địa phương. Chia tay chúng tôi, chị Lan mong muốn sẽ mở thêm mặt hàng, có nhiều đơn hàng mới để giúp nhiều phụ nữ có thêm thu nhập./.
Bài và ảnh: Đặng Xuân Khu
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)