Sau 44 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, ngành kinh tế công nghiệp Nam Định đã có bước phát triển mạnh cả về "lượng" và "chất". Từ chỗ cả tỉnh chỉ có vài chục doanh nghiệp với công nghệ sản xuất lạc hậu, phương thức quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả; các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống quy mô nhỏ bé, công nghệ thủ công lạc hậu, đến nay công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã đa dạng ngành nghề, từng bước khẳng định vị thế trung tâm công nghiệp của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Sản xuất vải, sợi tại Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh. |
Sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, cùng với cả nước, nhân dân và các doanh nghiệp Nam Định phấn khởi, hân hoan mang theo niềm vui và tinh thần, khí thế chiến thắng vào các phong trào thi đua lao động sản xuất khôi phục kinh tế, cơ sở vật chất xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp đã khắc phục được khó khăn trong sản xuất kinh doanh do sự gò bó, trói buộc của các cơ chế quản lý cũ, phát huy năng lực sáng tạo, sự năng động và đổi mới tư duy làm kinh tế, mạnh dạn đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị. Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ngày một tăng, những ngành công nghiệp truyền thống, chủ lực của tỉnh ta như dệt may, cơ khí… vẫn giữ được vị thế, vai trò trung tâm không chỉ đối với vùng đồng bằng sông Hồng mà còn ở phạm vi cả nước. Không chỉ các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế tư nhân, làng nghề nông thôn cũng phát triển mạnh. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ XIX (2015-2020) đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9-6-2016 và UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 1-7-2016 về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 29-5-2018 và Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 28-6-2018 thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Thuế, Ngân hàng… thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thuế, ưu tiên giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tập trung chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… Nếu như giai đoạn trước các nhà đầu tư rất khó khăn về tìm mặt bằng, thậm chí không thể triển khai dự án vì không giải quyết được mặt bằng thì đến nay toàn tỉnh có 4 khu công nghiệp sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp là: Hòa Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung và Dệt may Rạng Đông với tổng diện tích mặt bằng trên 1.110ha; 20 cụm công nghiệp địa phương ở các huyện, thành phố được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đầy đủ đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ sở mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tỉnh đã tập trung triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng, huyết mạch mang tính chiến lược, gia tăng sức cạnh tranh trong thu hút các dự án đầu tư có vốn lớn, công nghệ hiện đại trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Với sự “vào cuộc” quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã có bước cải thiện khả quan cả về số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp và công tác thu hút đầu tư. Năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 11,2%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 62.935,5 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ 606,5 triệu USD, tăng 16,8% so với năm trước, vượt 14,7% kế hoạch năm. Các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh ta như: dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thuốc và hóa dược… đạt tốc độ tăng trưởng ổn định và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh vượt mức 1,3 tỷ USD, ngoài các doanh nghiệp FDI (có lợi thế về tiềm lực tài chính, kỹ thuật, thị trường...) là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp dệt may của tỉnh. Các doanh nghiệp: Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty Cổ phần Dệt Lụa Nam Định, Công ty Cổ phần May Sông Hồng; Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam; Công ty Cổ phần May Nam Hà... không chỉ giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh mà còn góp phần khẳng định vị thế "thủ phủ dệt may", nhiều doanh nghiệp đã vươn lên trở thành các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam. Đến nay, Công ty Cổ phần May Sông Hồng đã phát triển được 18 xưởng may trang phục xuất khẩu và 7 xưởng sản xuất các khâu/sản phẩm chuyên biệt là: chăn, đệm, bông, in, thêu, chần bông, giặt ở Thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng tạo việc làm cho trên 10.500 lao động, doanh thu bình quân đạt trên 3.400 tỷ đồng/năm. Riêng kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt trên 300 triệu USD, là 1 trong 5 doanh nghiệp hàng đầu có kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt, bông sợi, khăn bông xuất khẩu theo phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), tự tìm kiếm thị trường và xuất khẩu trực tiếp, đến nay, Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam có quan hệ với 30 đối tác nước ngoài; sản phẩm của Công ty có mặt ở thị trường Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc và khối EU. Công nghiệp sản xuất dược phẩm của tỉnh đã phát triển mạnh với trên 10 doanh nghiệp, có 5/6 xưởng sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP-WHO) với năng lực sản xuất được xấp xỉ 2 tỷ viên thuốc các loại và gần 1 triệu lít thuốc dạng lỏng mỗi năm. Ở ngành chế biến gỗ, ngoài các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Tùng Linh... chuyên sản xuất các loại đồ gỗ nội thất xuất khẩu với kim ngạch năm 2018 gần 42 triệu USD, trên địa bàn tỉnh còn có các làng nghề chế biến gỗ truyền thống và hiện đại đã phát triển rộng khắp ở cả 10/10 huyện, thành phố. Theo số liệu của Sở Công thương, hiện toàn tỉnh đã phát triển được 150 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh trong ngành chế biến gỗ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 30 nghìn lao động với các loại sản phẩm chính là: gỗ xẻ, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, dân dụng và nội thất xây dựng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Năm 2018, các cụm công nghiệp địa phương đã thu hút 472 dự án, tổng vốn đầu tư 2.983 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 19.700 người lao động; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 7.780 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp phát triển đã làm đổi thay cơ bản kinh tế - xã hội ở những địa bàn vốn thuần nông, kinh tế chậm phát triển của các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy…; tạo động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở những xã từng “trắng nghề”, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Không còn không khí trầm lặng, nhàn nhã của thời kỳ nông nhàn hàng vụ mà làng xóm đã tất bật, sôi động quanh năm khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung và điểm công nghiệp, các làng nghề truyền thống phát triển ở khắp các địa phương. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, mức thu nhập bình quân thấp nhất của lao động trong các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đạt 4 triệu đồng/người/tháng; công nhân làm việc trong các doanh nghiệp cao hơn, tối thiểu 5-6 triệu đồng/người/tháng. Đơn cử như mức thu nhập của công nhân Công ty Cổ phần May Sông Hồng năm 2018 đã được nâng lên bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng, chưa kể tiền thưởng... Với gần 11 nghìn lao động ở các huyện: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường và khu vực Thành phố Nam Định, bình quân mỗi năm công nhân của Công ty đạt tổng thu nhập thấp nhất trên 80 triệu đồng/người; cao hơn gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp. Lao động trẻ, lao động nữ không phải rời quê tìm đến các thành phố lớn, các khu chế xuất, khu công nghiệp để có việc làm. Do vậy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội như tình trạng "làng vắng" khi lao động nông thôn phải "ly nông, ly hương" để bôn ba khắp nơi tìm việc làm mỗi khi nông nhàn; các đô thị, trung tâm công nghiệp thì đứng trước nhiều áp lực do sự gia tăng lao động nhập cư. Tỉnh có thêm nhiều vùng quê giàu có được mệnh danh là "làng tỷ phú" như: Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh); Thị trấn Lâm và xã Yên Ninh (Ý Yên); xã Hải Minh (Hải Hậu)... Từng là một trong các trung tâm công nghiệp dệt may của miền Bắc, sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã góp sức với tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Ngày nay, dệt may và một số ngành công nghiệp của tỉnh ta đang ngày càng khẳng định được vị thế trung tâm công nghiệp của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh; góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã đề ra./.
Bài và ảnh: Thành Trung