Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, du lịch sinh thái cộng đồng được xác định là một trong những loại hình được đầu tư xây dựng thành sản phẩm đặc thù.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, thời gian qua các điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư về hạ tầng, cơ sở lưu trú, các dịch vụ…, bước đầu thu hút được sự quan tâm của du khách. Trong đó, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) là điểm đến hấp dẫn. Anh Trịnh Văn Hậu, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân cho biết: Hợp tác xã thành lập từ năm 2005. Các hộ tham gia làm du lịch sinh thái cộng đồng đã đầu tư trang thiết bị, điều kiện ăn ngủ cho khách du lịch với mô hình homestay (ăn, nghỉ ngay trong nhà dân). Khu vực Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thuỷ hiện có 14 phòng nghỉ đảm bảo nhu cầu nghỉ ngơi của khoảng 40 khách/ngày; Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân có 12 phòng nghỉ (homestay) có thể phục vụ từ 50-60 khách/ngày. Trong đó, gia đình anh Hậu đầu tư xây dựng Khu trung tâm du khách có diện tích 800m2 quy mô phục vụ 120 người gồm: hội trường, phòng hát, phòng ăn...
Du khách nước ngoài trải nghiệm đánh bắt thủy hải sản tại xã Giao Xuân. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Tháng 5-2017, dịch vụ tham quan bằng đường thủy đến Vườn quốc gia được đưa vào sử dụng, chủ yếu qua 2 phương tiện tàu thép có sức chứa trên 40 hành khách của các hộ ông: Trịnh Văn Hậu, xã Giao Xuân và Nguyễn Văn Dũng, xã Giao Thiện. Thời gian gần đây, Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đã tổ chức các tour du lịch hấp dẫn có thời gian từ 1 đến 3 ngày tuỳ theo nhu cầu du khách với những hoạt động: tắm biển, ẩm thực đồng quê, hải sản trên nhà giàn nuôi ngao giữa biển; đi tàu xuyên Vườn quốc gia Xuân Thủy ngắm các loài chim di cư; du khảo đồng quê với tour xe đạp khoảng 5km; trải nghiệm du lịch văn hóa với nhiều hoạt động đặc sắc trong lễ hội truyền thống như: giao lưu văn nghệ, hát chèo, bơi chải, múa rồng, cà kheo… Ngoài ra, “điểm nhấn” trong hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng tại Giao Thủy là du khách được tìm hiểu, tham gia vào cuộc sống của người dân địa phương tại các cơ sở làm mắm thủ công ở xã Giao Hải; làm nghề muối ở xã Bạch Long; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở xã Giao Phong; đóng tàu biển tại Thị trấn Quất Lâm, tham quan Bảo tàng Đồng quê, xã Giao Thịnh. Với giá cả hợp lý, khoảng 300 nghìn đồng/người/ngày, dịch vụ phong phú, hấp dẫn, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân đã thu hút 20 đối tác từ các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp... và các doanh nghiệp lữ hành trong nước như: Vietnam Travel, Saigon Tour, Khám phá Việt... Từ năm 2018 đến nay, Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đã đón tiếp và tổ chức tham quan cho gần 10 nghìn lượt du khách trong nước và trên 500 khách quốc tế. Cao điểm nhất là vào mùa chim di cư (từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau) số lượng khách du lịch quốc tế đến ngắm chim, tìm hiểu hệ sinh thái, du khảo đồng quê đông. Việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng đã giúp tuyên truyền, quảng bá về nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của hệ sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy đến du khách trong nước và quốc tế. Hoạt động du lịch cũng tác động tích cực đến ý thức nhân dân địa phương hưởng lợi từ việc kinh doanh dịch vụ du lịch như chở khách, bán các sản phẩm của địa phương…; giúp họ ý thức hơn trong việc trang bị những thông tin cơ bản, chính xác để giới thiệu cho du khách và có hành động thiết thực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Khu du lịch sinh thái Rạng Đông trải dài theo bãi bồi của xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) thuộc Khu Dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Đây là bến đỗ của hàng trăm loài chim quý di cư. Những cánh rừng ngập mặn, đầm lầy, bãi bồi ven biển và cửa sông rộng hàng trăm ha với nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, hàu… Hàng năm, nơi đây đón tiếp nhiều khách du lịch, chủ yếu du lịch trong nước và đoàn các nhà nghiên cứu, báo chí của Trung ương tới tìm hiểu, quảng bá hình ảnh du lịch sinh thái. Được thiên nhiên ưu đãi, Khu du lịch Rạng Đông đã được UBND tỉnh, huyện Nghĩa Hưng tập trung xây dựng cơ sở vật chất để thu hút các nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ mát, tắm biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Khu du lịch sinh thái Rạng Đông với tổng diện tích gần 200ha, đến nay đã định hình tương đối rõ nét. Các hạng mục xây dựng đồng bộ với hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước thải hiện đại, hệ thống chiếu sáng với 2 trạm biến áp được hoàn thành. Hệ thống giao thông liền mạch với tuyến đường D1 dài 2.046m; các tuyến đường D2, D3 đã hoàn thành, các nhà nghỉ được quy hoạch xây dựng.
Tuy nhiên, các điểm du lịch sinh thái cộng đồng của tỉnh chưa mang lại hiệu quả cao. Do chưa có quy hoạch tổng thể; việc tổ chức các hoạt động, dịch vụ du lịch mang tính tự phát; các hoạt động tham quan mới chỉ dưới dạng tìm hiểu các hệ sinh thái, đời sống động, thực vật hoang dã và văn hóa bản địa; cơ sở hạ tầng, các loại hình dịch vụ dành cho du khách như hàng lưu niệm, các điểm vui chơi giải trí còn thiếu... Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương xây dựng các mô hình liên kết phát triển du lịch. Phòng nghiệp vụ du lịch, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong nước tổ chức nhiều đoàn khảo sát tìm hiểu các khu, điểm du lịch mới trong tỉnh; tổ chức tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh trên hệ thống internet; thường xuyên phối hợp với các ngành tập huấn, trang bị kỹ năng phục vụ du khách cho đội ngũ nhân viên các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, khách sạn. Tăng cường công tác an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… qua đó tạo ấn tượng với du khách quốc tế, trong nước, xây dựng Nam Định trở thành điểm đến hấp dẫn./.
Hoàng Anh