Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019 là hiệp định thương mại tự do đa phương quy mô lớn, tạo bước đột phá thương mại giữa các nước thành viên và mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tại hội nghị phổ biến thông tin về Hiệp định CPTPP cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cuối tháng 3-2019, đại diện Bộ Công thương đã chỉ rõ: đối với Nam Ðịnh, Hiệp định CPTPP sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội; trong đó sẽ tác động mạnh đến các ngành công nghiệp dệt may, da giày và nông nghiệp, chăn nuôi với nhiều cơ hội và thách thức.
Ðể được hưởng ưu đãi thuế trong Hiệp định CPTPP, theo đại diện Bộ Công thương: hàng hóa của các doanh nghiệp Nam Ðịnh phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe trong khi sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp nói riêng còn yếu so với các đối tác. Chẳng hạn, đối với hàng dệt may, dù đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng do nhập khẩu tới hơn 60% nguyên phụ liệu ở ngoài khu vực CPTPP nên hầu hết các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh cũng khó đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi để được hưởng ưu đãi. Ðối với các doanh nghiệp da giày, dù có được ưu đãi về thuế thì giá trị thật sự sẽ nhận được không nhiều vì hầu hết doanh nghiệp đang gia công cho các thương hiệu nước ngoài và mới tập trung khai thác ở các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật. Trong khi đó, muốn thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao như Mexico, Canada, doanh nghiệp da giày phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tạo được giá trị riêng. Sản phẩm nông nghiệp có lợi thế về giá thành thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào... nhưng cũng tồn tại nhiều yếu tố giảm sức cạnh tranh như quy mô sản xuất nhỏ, manh mún và phân tán, công nghiệp chế biến nông sản chưa phát triển như các nước thành viên khác…
Sản xuất sản phẩm may xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May 1 (Tổng Công ty Dệt Nam Ðịnh). |
Ðể tận dụng cơ hội từ CPTPP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ, thu hút và phát triển các doanh nghiệp có khả năng tham gia sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường CPTPP. UBND tỉnh đã tập huấn cho các cán bộ quản lý các sở, ngành: Kế hoạch và Ðầu tư, Công thương, Quản lý thị trường, Hải quan, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường... về các cam kết cụ thể trong Hiệp định CPTPP, đặc biệt là những cam kết cụ thể có liên quan trực tiếp tới các ngành, lĩnh vực, sản phẩm của tỉnh ta, đảm bảo hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó tham mưu để việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả. Các ngành, địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Hiệp định CPTPP nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như công việc cần triển khai cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu sự tác động như nông dân, ngư dân, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, sở, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề. Sở Công thương đảm trách vai trò đầu mối tiếp nhận thông tin, hướng dẫn và làm rõ các nội dung cam kết và vấn đề có liên quan đến Hiệp định CPTPP và các FTA mà Việt Nam tham gia; đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các thị trường trong nước và ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 1-7-2016 của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch số 82-UBND ngày 23-8-2017 về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2017-2020, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo của tỉnh, Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 25-9-2018 về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số cải cách hành chính tỉnh nhằm xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Triển khai các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp và các giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ biến động thị trường quốc tế của Chính phủ; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19-10-2018 của UBND tỉnh về thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 25-12-2018 của UBND tỉnh thực hiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đến năm 2020. Củng cố, nâng cấp các trường đào tạo nghề của tỉnh, mở thêm các ngành, lĩnh vực đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường, trung tâm, cơ sở đào tạo dạy nghề với doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lao động, cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Triển khai thực hiện Dự án sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, tham gia các chương trình như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Ðề án ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2030. Triển khai, thực hiện các biện pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ, bảo vệ môi trường...) phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong tỉnh. Phổ biến và triển khai các biện pháp tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu khả năng phối hợp với các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng nhằm cải thiện liên kết của các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất các mặt hàng chủ lực, có thế mạnh của tỉnh. Tập trung cơ cấu lại hoạt động sản xuất công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa: tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 28-6-2018 của UBND tỉnh về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để huy động mọi nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ðẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, triển khai thực hiện các nội dung trong chương trình hợp tác song phương giữa Nam Ðịnh với các tỉnh Ibaraki, Miyazaki, Fukui (Nhật Bản)./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy