Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp với các hiện tượng thiên tai cực đoan, khó lường, là tỉnh nông nghiệp có hệ thống đê sông, biển lớn nên công tác đảm bảo an toàn đê, kè, cống để chủ động ứng phó với thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão luôn là nhiệm vụ được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
Huyện Hải Hậu kiên quyết xử lý các công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn đê thuộc địa bàn xã Hải Nam. |
Toàn tỉnh có 91km đê biển và hơn 270km đê sông. Phần lớn tuyến đê biển qua 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng thuộc vùng biển lấn, bãi thoái nghiêm trọng, trong đó có khoảng 50km đê đi qua khu vực nền cát, đất đắp đê là cát và cát pha. Toàn tuyến đê biển có khoảng 45km trực diện với biển, phía trong là thùng đào, thường xuyên chịu tác động gây hại của sóng do triều cường, áp thấp nhiệt đới, thủy triều dâng cao và bão. Ở các tuyến đê hữu Hồng, đê sông Đào, đê tả Ninh... có nhiều vị trí bị sạt lở, sụt lún cần tu bổ, sửa chữa, nâng cấp. Cụ thể, trên tuyến đê sông hữu Hồng dài hơn 63km đi qua 6 huyện, thành phố, ở một số vị trí như các kè Hữu Bị, Vạn Hà, Quy Phú... mái kè bị bong xô do chịu ảnh hưởng của bão số 1 năm 2016; phần đầu kè Quy Phú, xã Nam Hồng (Nam Trực) bị hư hỏng nặng; phần đầu kè Phúc Ân bị sạt, ăn sâu vào mái từ 0,4-0,5m, nhiều vị trí mái bị sập; một số vị trí tại kè Giao Hương (Giao Thủy) kè bằng đá lát khan đã bị bong, tụt mái... Trên tuyến đê tả Ninh, một số đoạn mặt đê bị hư hỏng, đoạn từ Km1,100 đến Km2,570 xuất hiện mạch đùn, mạch sủi cách chân đê từ 5-100m khi mực nước sông lên trên mức báo động 3 kéo dài. Mùa mưa bão năm nay, tỉnh ta xác định có 31 trọng điểm phòng, chống lụt bão trên các tuyến đê với 30 trọng điểm cấp huyện và 1 trọng điểm cấp tỉnh. Cụ thể, trên tuyến đê sông Hồng có 9 trọng điểm, đê hữu Đào 2 trọng điểm, đê hữu Ninh 3 trọng điểm, đê tả Ninh 3 trọng điểm, đê tả Đáy 3 trọng điểm, tuyến đê tả Sò 2 trọng điểm và tuyến đê biển có 9 trọng điểm. Công tác khai thác một số công trình thủy lợi gặp khó khăn do nhiều công trình được xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp, năng lực còn thấp so với yêu cầu thực tế... Trước tình hình thực tế trên, để đảm bảo an toàn hệ thống đê, kè, cống trong mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các huyện, thành phố tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh về công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai năm 2019. Xác định rõ nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai nói chung và bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, cống nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng dân cư, chống tư tưởng chủ quan... Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng, chống lụt bão, giảm thiệt hại thiên tai của địa phương, đồng chí Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, với quyết tâm đảm bảo an toàn hệ thống đê, kè, cống của địa phương trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện; tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều, thủy lợi trước mùa mưa bão. Trong tháng 4-2019, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2019 của huyện đảm bảo sát thực, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Riêng đối với hệ thống đê biển, đê sông huyện thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy sản; tập trung xử lý các công trình xây dựng trái phép, sai phép trong hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ, lấn chiếm lòng kênh mương thoát nước... Xã Hải Hòa (Hải Hậu) có 4,2km đê biển, địa hình trũng, thấp, hàng năm chịu tác động lớn của thiên tai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để chủ động phòng, chống lụt bão, nhất là bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, cống của địa phương, UBND xã đã xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm đê điều còn tồn đọng theo Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23-8-2017 của UBND tỉnh. Chủ động và kiên quyết ngăn chặn không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới hoặc tái vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đê điều; có biện pháp kiên quyết ngăn chặn các xe ô tô quá tải lưu thông trên các tuyến đê, nhất là những đoạn đê chưa được củng cố, nâng cấp hoặc đang xuống cấp. Trong kế hoạch phòng, chống thiên tai, xã xây dựng cụ thể kế hoạch hộ đê, phương án bảo vệ đê với từng tình huống thiên tai cụ thể đảm bảo “4 tại chỗ”. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người dân địa phương về bảo vệ an toàn hệ thống công trình đê, kè, cống. Nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn xã đã giảm đáng kể, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống lụt bão, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đời sống, sản xuất của người dân địa phương.
Hệ thống đê là những bức tường thành quan trọng bảo vệ thành quả lao động sản xuất của nhân dân và các địa phương. Do vậy việc bảo vệ an toàn, đầu tư tăng năng lực chống chịu cho hệ thống đê luôn là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn trong công tác phòng, chống thiên tai hàng năm của tỉnh và các địa phương. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hệ thống đê, kè, cống trong mùa mưa bão năm nay, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết, thiên tai đối với đời sống dân sinh và các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Văn Đại