Thị trấn Thịnh Long tập trung phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

08:04, 22/04/2019

Đồng chí Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) cho biết: Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thị trấn Thịnh Long được phát triển lên thị xã trong giai đoạn 2016-2020, tiến tới thành lập thành phố là đô thị loại III. Do vậy, ngoài kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển nền tảng, Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn chủ trương phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động.

Sản xuất trang phục tại Công ty Cổ phần May Khánh Loan, Thị trấn Thịnh Long.
Sản xuất trang phục tại Công ty Cổ phần May Khánh Loan, Thị trấn Thịnh Long.

Tranh thủ các chương trình khuyến công, Đề án 1956 đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, thị trấn tập trung dạy các nghề đang có nhu cầu, được định hướng phát triển trên địa bàn; hỗ trợ trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện về mặt bằng để doanh nghiệp, cơ sở đủ năng lực đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, UBND thị trấn cũng tập trung đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, công trình phục vụ dân sinh; phối hợp với ngành Điện kịp thời sửa chữa, cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện và các trạm biến áp để cung ứng đủ điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trong năm 2018, UBND thị trấn đã tổ chức tọa đàm để trực tiếp lắng nghe thắc mắc, kiến nghị và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ cá thể phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với nỗ lực của chính quyền, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể trên địa bàn đã không ngừng vượt khó vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay thị trấn đã phát triển được trên 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tập trung và hàng trăm hộ cá thể tham gia sản xuất, kinh doanh đa dạng các ngành nghề là: chế biến thủy sản, dệt lưới cước, kéo sợi PE, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, may công nghiệp… tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 4.000 lao động địa phương. Một trong những nghề thủ công nghiệp của thị trấn phát triển mạnh từ nhiều năm trước là nghề đan các loại lưới đánh tôm, cá. Để nghề dệt lưới cước phát triển vững chắc, Thị trấn Thịnh Long đã xây dựng đề án thành lập làng nghề dệt lưới cước Minh Châu, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phát triển làng nghề và đã được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí làng nghề theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, làng nghề dệt lưới cước phát triển được 10 doanh nghiệp vừa sản xuất sợi PE làm nguyên liệu vừa dệt các loại lưới giã cào, dây giềng (giềng lưới, giềng mỏ neo) đảm bảo việc làm cho trên 300 người lao động trực tiếp với thu nhập từ 7-15 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp này còn là đầu mối cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho trên 500 hộ nhận gia công sản phẩm tại nhà. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là các loại lưới cước dệt từ sợi PE phục vụ khai thác, đánh bắt, nuôi trồng hải sản và một phần phục vụ các công trình xây dựng dân dụng. Một số doanh nghiệp lớn như: Hoa Tâm, Minh Hà, Đỗ Văn Toán… đã chi hàng tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà xưởng khang trang, thiết bị công nghệ hiện đại, mỗi năm sản xuất được trên 100 tấn sợi cước, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30-50 lao động. Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Hà, khu phố 9 cho biết: Với kinh nghiệm gần 40 năm xe sợi, dệt lưới cước, đến nay Công ty đã trang bị hệ thống máy móc đồng bộ, hiện đại (máy tạo hạt, máy kéo sợi, máy xe dây, máy dệt kiếm, máy dệt kim) trị giá hơn 100 tỷ đồng để vừa xe sợi PE (từ hạt nhựa) vừa dệt thành phẩm các loại lưới phục vụ đa dạng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt dân dụng. Sản phẩm lưới của Công ty có khổ rộng tối đa đến 4,5m; sản phẩm dây giềng thường có đường kính từ 0,21-3,6cm hoặc có thể to hơn theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Với 6 máy dệt kiếm, 4 máy dệt kim được nhập từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc bình quân mỗi tháng Công ty sản xuất được từ 80-90 tấn lưới, dây các loại, đảm bảo việc làm cho 22 lao động tập trung với mức lương bình quân từ 10-13 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Công ty còn tạo việc làm cho hơn 150 hộ nhận (từ 1-2 lao động/hộ) gia công sản phẩm tại nhà với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/hộ/tháng. Các sản phẩm của Công ty đã được tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh từ Thành phố Đà Nẵng trở ra. Năm 2019, Công ty dự định đầu tư thêm một số máy dệt lưới khổ rộng tối đa 7m trị giá 1,2 tỷ đồng/máy để nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài nghề dệt lưới cước, trên địa bàn thị trấn còn phát triển mạnh nghề chế biến hải sản với 6 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quý Thịnh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy Nguyên; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Hoa... và 5 cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Nằm liền kề cảng cá Ninh Cơ, Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định luôn đảm bảo được số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu. Với hệ thống bể chượp có tổng khối lượng khoảng 3.000 tấn, mỗi năm Công ty ký kết hợp đồng với 400 tàu khai thác trong và ngoài tỉnh thu mua khoảng 1.500 tấn, 4.000 tấn sứa biển, 150 tấn tôm, tép để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất; sản xuất và tiêu thụ khoảng 700 nghìn lít nước mắm từ 15-34 độ đạm, 30-40 tấn mắm tôm và 100-500 tấn sứa thành phẩm; tạo việc làm ổn định cho hơn 40 công nhân với mức lương 6-6,5 triệu đồng/người/tháng. 

Với nỗ lực của chính quyền và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch của thị trấn ước đạt trên 480 tỷ đồng, góp phần nâng giá trị tổng thu nhập trên địa bàn thị trấn đạt 710 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2017; bình quân thu nhập theo đầu người được nâng lên trên 50 triệu đồng/năm. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thời gian tới, Đảng ủy, HĐND, UBND Thị trấn Thịnh Long chủ trương tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; khuyến khích phát triển nghề truyền thống và tăng cường phát triển các nghề mới, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Năm 2019, Thị trấn Thịnh Long phấn đấu nâng tổng thu nhập trên địa bàn đạt từ 750 tỷ đồng trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ đạt 510 tỷ đồng; phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 52-55 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com