Phát triển mạnh hoạt động thanh toán qua ngân hàng

07:04, 10/04/2019

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế sử dụng tiền mặt, tích cực thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng, thời gian qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng, thiết bị, ký thỏa thuận với các đơn vị, doanh nghiệp, các ngành cung cấp dịch vụ công nên thanh toán không dùng tiền mặt đã thu được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, để hoạt động này phát triển thực chất và mạnh mẽ hơn cần có sự chủ động vào cuộc hơn nữa từ các ngân hàng, các ngành chức năng cũng như sự cộng tác của người dân.

Ngày càng có nhiều người dân sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ trong hoạt động mua sắm hàng ngày tại các điểm bán hàng chấp nhận thẻ.
Ngày càng có nhiều người dân sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ trong hoạt động mua sắm hàng ngày tại các điểm bán hàng chấp nhận thẻ.

Thông tin từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai phối hợp thu thuế với Cục Thuế tỉnh và Chi cục Hải quan Nam Định. Các loại thuế được phối hợp thu, bao gồm: thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa và thuế thu nhập cá nhân. Các hình thức thanh toán đang áp dụng đối với việc thu thuế qua ngân hàng là thanh toán tại quầy, qua Internet Banking, Mobile Banking... Việc phối hợp thu thuế đã được triển khai ở tất cả các huyện, thành phố. Trong năm 2018, các ngân hàng thương mại đã thực hiện thu 147.288 món với số tiền gần 3.277 tỷ đồng; trong đó thuế cá nhân 75.881 món với số tiền gần 1.239 tỷ đồng, thuế doanh nghiệp 71.407 món với số tiền hơn 2.037 tỷ đồng. Một số đơn vị có số lượng giao dịch lớn như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (AgriBank) Chi nhánh tỉnh Nam Định 34.037 món với số tiền 915 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (VietinBank) Chi nhánh tỉnh Nam Định 42.450 món với số tiền gần 807 tỷ đồng, VietinBank Chi nhánh Thành phố Nam Định 10.840 món với số tiền gần 464 tỷ đồng, AgriBank Chi nhánh Bắc Nam Định 17.900 món với số tiền hơn 294 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 13/18 ngân hàng thương mại phối hợp với Công ty Điện lực Nam Định triển khai thu hộ tiền điện của khách hàng. Các hình thức thanh toán đang được áp dụng là: nộp tiền tại quầy, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua Internet Banking, Mobile Banking, đăng ký trích nợ tự động tài khoản khách hàng hoặc thanh toán qua ví điện tử. Việc trao đổi thông tin dữ liệu giữa các ngân hàng và Công ty Điện lực Nam Định được thực hiện dễ dàng, thuận tiện. Đến nay, các ngân hàng đã thực hiện thu hộ 89.267 món với số tiền gần 870 tỷ đồng. Các ngân hàng có số lượng giao dịch lớn là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định 5.138 món với số tiền gần 456 tỷ đồng, Liên Việt PostBank Chi nhánh Nam Định 688 món với số tiền gần 149 tỷ đồng. Riêng đối với dịch vụ thu hộ tiền nước mới chỉ có VietinBank Chi nhánh Thành phố Nam Định phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định thực hiện. Theo đó, các doanh nghiệp có thể nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của công ty mở tại ngân hàng. Năm 2018, VietinBank Chi nhánh Thành phố Nam Định đã thực hiện thu hộ 5.400 món với số tiền 72 tỷ 708 triệu đồng. Các Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Thành phố Nam Định, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thành Nam đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Nam Định, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Trường Đại học Công nghiệp Nam Định thu hộ tiền học phí của sinh viên thông qua các hình thức: nộp tại quầy, chuyển khoản hoặc đăng ký trích nợ tự động. Năm học 2018-2019, các ngân hàng thương mại đã thực hiện thu hộ 4.750 món với số tiền 27 tỷ 34 triệu đồng. Tuy nhiên, việc lắp đặt các thiết bị chấp nhận thẻ tại các trường học chưa được các ngân hàng thương mại triển khai. Hiện tại, VietinBank Chi nhánh tỉnh Nam Định và Liên Việt PostBank Chi nhánh Nam Định đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh chi trả lương hưu, tiền trợ cấp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng. Trong năm 2018, các ngân hàng đã thực hiện chi trả 37.390 món với số tiền 172 tỷ 100 triệu đồng, trong đó tại địa bàn Thành phố Nam Định là 16.990 món với số tiền 78 tỷ 500 triệu đồng. Những kết quả bước đầu đã cho thấy, công tác thanh toán tiền sử dụng các dịch vụ của người dân, doanh nghiệp và chi trả an sinh xã hội qua các ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có được sự quan tâm phối hợp của các ngành chức năng và nhiều cơ quan, đơn vị cung ứng dịch vụ công. Các ngân hàng thương mại đã chủ động triển khai đầu tư công nghệ, trang thiết bị, cài đặt các phần mềm phù hợp để phục vụ nhu cầu thanh toán của người dân; đồng thời tích cực thực hiện công tác thông tin, vận động, thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán của đơn vị...

Tuy nhiên, tốc độ triển khai kết nối giữa ngân hàng với các đơn vị cung ứng dịch vụ công còn chậm, việc thanh toán tiền nước đối với cá nhân, hộ gia đình và tiền viện phí qua ngân hàng chưa được triển khai. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán dịch vụ còn hạn chế. Số lượng cá nhân, hộ gia đình thanh toán các dịch vụ công, chi trả tiền an sinh xã hội qua ngân hàng còn thấp do thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của đa số người dân vẫn là phổ biến…

Để hoạt động thanh toán qua các ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn theo chỉ đạo tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội, ngày 7-1-2019 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Theo đó mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 80% giao dịch nộp thuế tại địa bàn thành phố thực hiện qua ngân hàng; 70% thanh toán tiền điện tại địa bàn thành phố; có 50% cá nhân, hộ gia đình ở thành phố thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 100% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 80% số sinh viên tại các trường này nộp học phí qua ngân hàng; 50% bệnh viện tại thành phố nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng; 20% số tiền chi trả an sinh xã hội trên địa bàn thành phố được thực hiện qua ngân hàng. Nhằm hoàn thành các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về thanh toán không dùng tiền mặt đối với các tổ chức, cá nhân, góp phần giảm chi phí và tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong năm 2019 hoàn thành đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và công nghệ kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công. Tiếp tục mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị như: Kho bạc Nhà nước, các bệnh viện, trường học, các điểm giao dịch một cửa tại cơ quan Nhà nước, các điểm thu nộp thuế của cơ quan thuế, hải quan, chi trả an sinh xã hội. Áp dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, tạo thuận lợi cho khách hàng trong quá trình thu, nộp, thanh toán hóa đơn, trả viện phí, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội. Triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức thanh toán mới, hiện đại tạo thuận lợi cho khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ công và chi trả phúc lợi bảo đảm an sinh xã hội qua ngân hàng. Các sở, ngành: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Nam Định, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Công thương, Công an tỉnh, Công ty Điện lực Nam Định, Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai thanh toán qua ngân hàng; chủ động nghiên cứu, chuẩn hóa thông tin dữ liệu khách hàng, tạo thuận lợi cho việc truy xuất thông tin để thực hiện thanh toán./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com