Nghĩa Lạc là xã miền hạ của huyện Nghĩa Hưng với dân số hơn 10 nghìn người, trong đó có trên 5.500 người trong độ tuổi lao động. Nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, khai thác tiềm năng nội lực, kinh tế - xã hội của địa phương có bước phát triển tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Năm 2018, năng suất lúa bình quân của xã đạt 128 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 7.462 tấn, bình quân giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 119 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người nâng lên 48 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm xuống còn 0,92%.
Sản xuất sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của anh Lưu Văn Hoan, phố Mới, xã Nghĩa Lạc. |
Để có được những kết quả đó, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020), Đảng ủy, UBND xã đã xác định hai giải pháp mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tăng cường thu hút đầu tư phát triển đa dạng hóa ngành nghề nông thôn. Xã đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, thuận lợi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gồm vùng trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực, vùng sản xuất lúa hàng hóa và trồng cây vụ đông, diện tích đất dành cho phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát huy truyền thống thâm canh, tăng vụ, tích cực khảo nghiệm đưa một số giống lúa mới cho năng suất và hiệu quả cao vào sản xuất, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Đến nay, 100% các khâu làm đất, thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp của xã đã được cơ giới hóa. Vụ xuân năm 2018, xã đã thành công trong việc vận động nhân dân thay đổi cơ cấu giống lúa với khoảng 60% diện tích canh tác cấy giống lúa nếp Đài Loan (thường gọi là nếp trụi); 40% còn lại cấy các giống Bắc Thơm, BC15. Với những ưu điểm như: khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên nếp trụi cấy được cả 2 vụ trong năm; thời gian sinh trưởng ngắn hơn nhiều so với giống lúa nếp truyền thống (chỉ dài hơn các giống lúa tẻ khác khoảng 20 ngày) nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các giống lúa khác. Năng suất vụ xuân đạt khoảng 78-79 tạ/ha, vụ mùa từ 53-54 tạ/ha, thương lái trong tỉnh về tận ruộng mua thóc tươi với giá xấp xỉ 8.000-8.500 đồng/kg. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, từ vụ mùa năm 2018, xã đã đề xuất với huyện thay diện tích trồng cây vụ đông bằng giống lúa nếp trụi hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh cây lúa, lĩnh vực chăn nuôi của xã cũng phát triển với tổng đàn trâu bò 230 con; đàn lợn duy trì ở mức 4.500-5.500 con (trong đó có 950-1.000 con lợn nái); đàn gia cầm khoảng 53-55 nghìn con. Xã đã vận động các hộ chăn nuôi thực hành các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, nghiêm túc tiêm phòng theo kế hoạch và làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại nên nhiều năm qua trên địa bàn xã không để xảy ra dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, một mũi nhọn phát triển kinh tế khác được xã chú trọng là tăng cường thu hút đầu tư và khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế trên địa bàn tập trung phát triển mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ từ Đề án 1956, chương trình khuyến công xã đẩy mạnh công tác đào tạo các nghề may công nghiệp, trồng nấm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu cho gần 300 lao động địa phương. Xã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để các cơ sở, hộ sản xuất tiếp cận và thụ hưởng các nguồn vốn ưu đãi đưa vào phát triển sản xuất, kinh doanh. Xã đã thu hút được dự án đầu tư của Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Nghĩa Hưng DEA YANG (Hàn Quốc) trên diện tích 2,1ha. Từ năm 2016, Công ty đã hoàn thành công tác xây dựng và chính thức đi vào sản xuất với quy mô 14 chuyền may chuyên sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; thu hút trên 400 lao động chủ yếu là người địa phương với mức thu nhập bình quân đạt 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn phát triển một số cơ sở may công nghiệp của các ông Vũ Văn Tới, xóm Đồng An; Nguyễn Văn Hưng, xóm Đồng Lạc... chuyên nhận gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn đảm bảo việc làm cho 20-30 lao động có thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Nghề mộc dân dụng được duy trì và có những bước phát triển mới, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, nhà xưởng khang trang để mở rộng quy mô sản xuất. Trong đó, một số hộ tiêu biểu như hộ các ông: Lưu Văn Nhật, xóm Đồng Tâm; Phạm Văn Đẳng, xóm Nguyên Lực; Hoàng Văn Toàn, xóm Đồng Thành; Lưu Văn Hoan, phố Mới… thường xuyên có từ 7-10 lao động tham gia. Anh Lưu Văn Hoan, chủ xưởng mộc rộng trên 500m2 cho biết: Cơ sở của anh mỗi tháng tiêu thụ từ 7-10m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất đa dạng các sản phẩm nội thất (giường, tủ, bàn ghế); đồ thờ (tòa, tượng, kiệu) và cả các sản phẩm mộc xây dựng (cánh cửa, cầu thang) tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 120-250 nghìn đồng/người/ngày. Năm 2018, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, anh đã đầu tư trên 550 triệu đồng trang bị một máy chạm khắc tự động CNC-4D loại 8 dao. Ngoài ra ở xã cũng tổ chức được 10 đội thợ xây dựng dân dụng, mỗi đội có 10-15 lao động tham gia với mức thu nhập bình quân từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài các công trình xây dựng trên địa bàn, đội thợ của các ông: Hoàng Văn Võ, xóm Đồng Nguyên; Trần Viết Mạnh, xóm Đồng Lợi, với quy mô 30-40 lao động thường xuyên còn nhận được nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng ở các địa phương trong huyện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2019, xã Nghĩa Lạc chủ trương tiếp tục tập trung phát triển mạnh hai mũi nhọn kinh tế là sản xuất nông nghiệp và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016-2020. Trong đó phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên; bình quân giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt từ 120 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,96%, nâng mức thu nhập bình quân theo đầu người lên trên 52 triệu đồng./.
Bài và ảnh: Thành Trung