Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thời tiết và thủy văn năm 2019 diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và ngày càng cực đoan, không theo quy luật. Tỉnh ta có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Khắc phục sự cố hư hỏng kè khu bãi tắm Quất Lâm (Giao Thủy) do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp triều cường và sóng lớn gây ra trong tháng 3-2019. |
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kịp thời các công tác phục vụ nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ngành đã kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các ngành xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi trước mùa bão, lũ; đồng thời tham mưu cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phê duyệt các phương án hộ đê toàn tuyến, phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão cấp tỉnh. Nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành trong phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lắp đặt 7 camera theo dõi mực nước trên các sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ; tổ chức lực lượng thường trực, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, đê điều và công trình thủy lợi. Hướng dẫn các địa phương xây dựng, phê duyệt kế hoạch ứng phó với các tình huống vỡ đê, kè, đập; các trường hợp thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt gắn với thực hiện tiêu chí “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ” trong xây dựng nông thôn mới. Để nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai. Phối hợp với các địa phương, ngành chức năng của tỉnh tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác phòng chống thiên tai. Hiện nay, hệ thống công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh tuy đã được đầu tư tu bổ, nâng cấp song vẫn còn những điểm xung yếu như: sủi đùn, thẩm lậu về thân đê, nền đê; một số kè và cống chưa ổn định, có biểu hiện hư hỏng; hệ thống công trình phụ trợ như điếm canh đê, trụ sở Hạt quản lý đê, kho vật tư dự trữ phòng chống lụt bão xây dựng lâu ngày đã xuống cấp. Nhiều công trình đê điều bị hư hỏng do ảnh hưởng của thiên tai đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư xử lý cấp bách như các công trình: đê biển Cồn Tròn, xã Hải Hòa, kè và đường vào bãi tắm Thịnh Long (Hải Hậu); mái kè phía biển cống Thanh Niên, xã Bạch Long và mái đê biển phía đồng, đê Ang Giao Phong (Giao Thủy) do bão số 10 năm 2017 làm hỏng; bờ bao xã Yên Bằng (Ý Yên) bị nước tràn làm xói mặt và do lũ sông Đáy tháng 10-2017 làm vỡ… Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chỉ đạo các Hạt quản lý đê phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND các huyện, thành phố phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý sự cố về đê, kè, cống. Hiện tại tất cả vật tư dự trữ phòng chống thiên tai của Trung ương và địa phương như: 42.879m3 đá hộc, 1.283m3 đá dăm, 4.241 rọ thép, 50.730m2 vải lọc, gần 690 nghìn bao nilon, 16.526kg dây thép và hơn 245 nghìn m2 bạt chống tràn… đã được tập kết tại các trọng điểm, các tuyến đê biển, đê sông của tỉnh đảm bảo phục vụ ứng cứu kịp thời theo “4 tại chỗ” khi có tình huống sự cố, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Toàn tỉnh hiện có trên 74,5 nghìn ha đất trồng lúa và gần 12 nghìn ha đất trồng màu nhưng nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ lâu đã xuống cấp; cá biệt một số trạm bơm điện đã vận hành phục vụ sản xuất trên 30 năm nên thiết bị máy móc đã hư hỏng, hiệu suất bơm thấp; rất nhiều cống xây dựng trước những năm 1970 đã hư hỏng, xuống cấp, cống ngắn so với mặt cắt đê. Một số cửa cống, các kênh tưới, tiêu bị bồi lấp nhiều, việc nạo vét còn hạn chế. Năng lực hệ thống còn thấp so với yêu cầu, hệ số tưới mới đạt từ 0,86-1 lít/giây/ha, trong khi yêu cầu là 1,25-1,3 lít/giây/ha; hệ số tiêu mới đạt khoảng 4-5,5 lít/giây/ha, yêu cầu là 7-7,2 lít/giây/ha. Mặt khác, về cơ cấu giống lúa đã có nhiều thay đổi, các giống lúa cao cây thời gian sinh trưởng dài đã được thay bằng các giống lúa thấp cây, thời gian sinh trưởng ngắn, quy trình thâm canh cao, nên yêu cầu tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp ngày càng cao và điều kiện đảm bảo khắt khe hơn. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm phương án phòng chống úng, hạn; quy trình vận hành hệ thống; quy trình vận hành các cống trong mùa lụt bão; đôn đốc các địa phương hoành triệt các cống yếu gồm: cống xả tiêu trạm bơm Ông Quy, xã Vĩnh Trị (Ý Yên); cống Thủy sản, cống Dây 14, cống Công Đoàn ở Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy); cống 19/5 Thị trấn Thịnh Long, cống Cồn Tròn xã Hải Hòa, cống Đồng Gò 2 xã Hải Minh, cống 75 và cống 85 xã Hải Nam (Hải Hậu). Trong chiến dịch thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2018-2019, các địa phương và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi; mua sắm thêm các thiết bị máy móc… đồng thời tổ chức ra quân nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa. Kết quả toàn tỉnh đã sửa chữa 41 cống dưới đê, làm mới và sửa chữa 197 cống điều tiết, cống cấp II; làm mới, sửa chữa 2.670 cống đập cấp III; kiên cố 109 kênh với tổng chiều dài hơn 41km; nạo vét 40 cửa cống, 38 bể hút các trạm bơm, 25 kênh cấp I, 159 kênh cấp II, 7.608 kênh cấp III, 4.621 kênh khoảnh, bờ vùng với tổng khối lượng đào đắp gần 1,72 triệu m3 đất, xây 9.517m3 gạch, đá và 3.070m3 bê tông. Hiện tất cả các công trình, máy móc, thiết bị… cấp thiết đã hoàn tất đầu tư, tu sửa để sẵn sàng vận hành phục vụ công tác phòng chống úng, hạn, tưới - tiêu và phòng chống lụt bão./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh