Từ ngày 1-3-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bắt đầu triển khai thực hiện Quyết định số 12/QÐ-HÐQT ngày 22-2-2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội về nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng và thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mức vay và thời hạn vay mới đang được bà con nông dân nghèo tích cực đón nhận và kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn trong tỉnh.
Theo quy định mới, anh Lê Công Tố, thôn Động Phấn, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) được vay tới 100 triệu đồng, giúp anh có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất theo quy mô trang trại. |
Chính sách tín dụng mới từ Ngân hàng Chính sách xã hội là một tin vui đến với gia đình anh Lê Công Tố ở thôn Ðộng Phấn, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc). Anh Tố chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở vùng quê này, anh cũng giống như cha mẹ mình, chỉ biết chăm chỉ “bới đất lật cỏ”, nhưng anh hiểu nếu chỉ trông chờ vào cây lúa thì chẳng thể đủ ăn, chưa nói gì đến việc cho các con đi học. Vì vậy, năm 2015, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Lộc 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để phát triển kinh tế gia đình. Có vốn, anh đã đầu tư đào ao nuôi các loại cá truyền thống, ngoài ra còn nuôi thêm gà, vịt thịt… Tập trung phát triển theo mô hình gia trại mỗi năm cũng mang lại nguồn thu cho gia đình anh trên dưới 100 triệu đồng. Sau khi thoát nghèo năm 2017, anh tiếp tục vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay dành cho hộ mới thoát nghèo để đầu tư vào 3 sào ao và tăng quy mô chăn nuôi. Chăm chỉ làm ăn nên mô hình vườn - ao - chuồng cũng mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định, mỗi năm trừ chi phí gia đình cũng lãi trên 100 triệu đồng. Vì thế, anh Tố rất muốn mở rộng ao nuôi cá và một số con nuôi tiềm năng khác hoặc trồng thêm các loại cây khác nhưng chưa thể làm được vì thiếu vốn. Ðầu tháng 3 vừa qua, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Lộc thông tin và cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ðộng Phấn hướng dẫn, anh Tố đã quyết định làm hồ sơ tăng hạn mức vay lên 100 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Tố cho biết thêm: Có vốn, tôi sẽ đầu tư mở rộng ao nuôi cá lên 5 sào, tăng quy mô đàn vịt thịt lên khoảng 500 con/lứa và thực hiện nuôi gối đàn để đảm bảo mỗi tháng xuất bán từ 4-5 tạ vịt thịt cho khách hàng ở Thành phố Nam Ðịnh; trồng thêm đu đủ, rau xanh và phát triển nghề mộc để gia tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống và có điều kiện cho các con ăn học, đồng thời trả tiền lãi, tiền gốc cho ngân hàng đầy đủ, đúng thời gian quy định. Ðược biết, sau hơn 1 tháng triển khai, tại huyện Mỹ Lộc đã có nhiều hộ như gia đình anh Tố được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với hạn mức 100 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Lộc là đơn vị dẫn đầu hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong việc triển khai cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn theo hạn mức mới. Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, doanh số cho vay trong quý I-2019 của toàn hệ thống là 314,8 tỷ đồng, với 10.785 lượt khách hàng được vay vốn, cho vay tập trung chủ yếu vào các chương trình: hộ cận nghèo 140,3 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 91,3 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 46,7 tỷ đồng; hộ nghèo 17,1 tỷ đồng; học sinh, sinh viên 13,5 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 12/QÐ-HÐQT ngày 22-2-2019 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, từ ngày 1-3-2019, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được nâng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được nâng từ 60 tháng lên 120 tháng, trong tháng 3-2019, chi nhánh đã cho vay 51 hộ mức trên 50 triệu đồng, tổng số tiền 4,2 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được vay 82,5 triệu đồng, trong đó 29 hộ được vay mức tối đa 100 triệu đồng.
Có thể thấy, tín dụng chính sách đang ngày càng có ý nghĩa lớn và trở thành “đòn bẩy” quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách vùng nông thôn. Trên thực tế, việc đầu tư phát triển kinh tế theo các mô hình gia trại, trang trại cần số vốn và thời gian nhiều hơn. Theo hạn mức cũ, các hộ vay vốn của những chương trình tín dụng chính sách chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng và thời hạn vay không quá 5 năm. Theo nhiều hộ dân, trong điều kiện diện tích cây trồng ngày càng tăng thêm, giá cả vật tư, cây giống cũng tăng thì mức vay 50 triệu đồng chỉ đủ mua một lần phân bón, mua cây giống về ươm trồng, chưa kể còn phải đầu tư thêm máy móc để phục vụ sản xuất, tưới tiêu… Với những cây trồng phải từ 5 đến 7 năm, thậm chí là 10 năm mới cho thu hoạch thì sau 5 năm - thời điểm phải chấm dứt khoản vay, không ít hộ dân phải bán non sản phẩm để trả nợ hoặc vay “nóng” để đảo nợ. Do đó, việc nâng mức cho vay lên tối đa 100 triệu đồng và thời hạn vay tối đa 10 năm đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con. Ðây thực sự là một chính sách rất có ý nghĩa đối với bà con nghèo hiện nay, đặc biệt là những hộ trồng cây lâu năm, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc. Vì thế, chương trình tín dụng chính sách mới đang có sức lan tỏa mạnh mẽ với những hiệu ứng tích cực. Ðây vừa là sự hỗ trợ trực tiếp thông qua nguồn vốn, vừa là sự khích lệ thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ và các cấp chính quyền đối với người nghèo qua chính sách tín dụng ưu đãi... Ðể đảm bảo chương trình phát huy hiệu quả, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ đề xuất với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu cho UBND các cấp cân đối bổ sung nguồn vốn ngân sách, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để Chi nhánh đẩy mạnh hoạt động cho vay chương trình này; chỉ đạo củng cố, kiện toàn thành viên Ban đại diện các cấp theo đúng quy định; xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát năm để bảo đảm duy trì sự tăng trưởng, an toàn nguồn vốn, hạn chế phát sinh nợ xấu. Hàng tháng, phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát, tham mưu cho trưởng Ban đại diện điều chỉnh, phân bổ chỉ tiêu kế hoạch dư nợ chương trình tín dụng giữa các địa bàn; điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn giữa các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông của tỉnh, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách mới đến người dân; tổ chức tập huấn phổ biến chính sách cho các cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Ðặc biệt, chú trọng tuyên truyền, quán triệt nội dung Quyết định số 12 đến đội ngũ cán bộ các hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách và các tổ tiết kiệm và vay vốn trong toàn tỉnh. Xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm tra giám sát năm. Quán triệt Ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm việc bình xét, phương án sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích vay vốn; chú trọng đôn đốc việc trả tiền gốc, tiền lãi đúng thời gian quy định, không để phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn...
Hợp lòng dân và thiết thực, kịp thời nên chủ trương nâng hạn mức và thời gian cho vay vốn tín dụng chính sách đang nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo thêm cơ hội cho nhiều người nghèo, đồng thời cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen ở các vùng nông thôn./.
Bài và ảnh: Văn Đại