Có mặt tại bến cá Giao Long (Giao Thủy) vào một ngày giữa tháng 4, chúng tôi cảm nhận được không khí nhộn nhịp cũng như niềm vui hiện rõ trên gương mặt của ngư dân sau chuyến đi biển. Vụ cá Nam năm nay, trên 90% tàu thuyền khai thác đánh bắt hải sản của xã đều đạt hiệu quả cao. Chị Trần Thị Nhãn, một chủ tàu ở xóm 16, xã Giao Long cho biết, tàu thường xuất phát vào khoảng 12 giờ trưa và cập bến vào 3-4 giờ sáng ngày hôm sau. Mỗi chuyến đi biển, gặp được luồng cá thì mỗi tàu cũng thu được vài chục kilogam cua, tôm, cá các loại, trị giá khoảng 8-10 triệu đồng; trừ chi phí, mỗi tàu cũng thu về được 5-7 triệu đồng/chuyến. Nếu gặp hôm biển lặng, gặp luồng cá lớn thì chuyến đi biển có thể kéo dài 3-4 ngày, thuyền đầy ắp khoang nào cá, nào tôm, cua… giá trị đến vài chục triệu đồng.
Các thành viên tổ nghề nghiệp khai thác thủy hải sản xã Giao Long (Giao Thủy) trao đổi kinh nghiệm. |
Là một trong những xã ven biển, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, xã luôn chú trọng công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên biển, bảo vệ môi trường biển, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy hải sản trên ngư trường, coi đây là nhiệm vụ vừa thường xuyên vừa lâu dài của địa phương. Đáng chú ý, những năm gần đây, số lượng tàu cá của Giao Long phát triển khá mạnh, tàu thuyền đóng mới công suất lớn đảm bảo vươn ra khơi xa tăng nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân địa phương khai thác hải sản xa bờ, giảm dần áp lực đánh bắt thủy sản ven bờ, gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng xấu đến môi trường ven biển. Đến nay, đoàn tàu cá của Giao Long có 150 chiếc, công suất bình quân 380 CV/tàu và 40 tàu nhỏ, công suất bình quân 90 CV/tàu. Để tạo điều kiện giúp các hộ dân khai thác thủy hải sản gắn với đảm bảo an ninh trên biển, tháng 10-2017, UBND xã Giao Long đã phối hợp với Đồn Biên phòng Quất Lâm (Giao Thủy) chỉ đạo hợp tác xã nông nghiệp xây dựng và thành lập mô hình “Tổ hội nghề nghiệp khai thác hải sản gắn với đảm bảo an ninh trật tự trên biển” ở xóm 16. Tổ hội nghề nghiệp có 22 thành viên với 19 tàu, công suất bình quân 380 CV/tàu. Thông qua sinh hoạt tổ, các hộ ngư dân có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm trong khai thác hải sản, đảm bảo môi trường, hỗ trợ nhau trong đánh bắt hải sản trên ngư trường xa bờ; áp dụng công nghệ bảo quản tôm, cá để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; ứng dụng công nghệ thiết bị khai thác thủy hải sản tiên tiến để nâng cao năng suất đánh bắt hải sản. Ông Đoàn Ngọc Chánh, xóm trưởng xóm 16 kiêm tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp cho biết, quá trình khai thác thủy hải sản, các thành viên vừa bảo vệ, khôi phục, kết hợp với việc tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái biển trên cơ sở giảm dần tàu cá công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ; kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các vi phạm quy định quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là những phương pháp đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, các thành viên trong tổ luôn chú trọng đến việc gắn khai thác hải sản với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Với lực lượng bình quân mỗi tàu từ 3-4 lao động, các chủ tàu luôn gắn kết với nhau, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, kết nối các tàu dựa trên nguyên tắc “3 cùng” (cùng nghề, cùng ngư trường và cùng địa bàn cư trú). Đến nay, tất cả các tàu cá của địa phương đều được trang bị thiết bị giám sát hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển, có sổ lịch trình, giấy phép khai thác, có bộ đàm Icom để thông tin liên lạc tầm xa với đất liền... Nhờ hình thành tổ hội nghề nghiệp khai thác, các tàu cá không chỉ tổ chức đánh bắt hiệu quả trên các vùng biển xa, mà còn đoàn kết tương trợ nhau góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, các tàu cá luôn chấp hành nghiêm các quy định khi ra vào, neo đậu tàu thuyền tại bến bãi cũng như khi hoạt động đánh bắt trên biển. Các thuyền trưởng, thuyền viên trong tổ gương mẫu chấp hành nội quy, quy định về đảm bảo an toàn trật tự ở nơi cư trú; tích cực vận động gia đình, người thân không mua bán, tàng trữ, sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản hủy hoại tài nguyên môi trường biển, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên biển và khu vực dân cư; tích cực tham gia công tác cứu hộ cứu nạn… Đặc biệt, trong quá trình hoạt động đánh bắt hải sản, không có phương tiện, thành viên nào trong tổ xâm phạm vùng biển của nước ngoài.
Hàng năm, xã phối hợp tổ chức tập huấn cho các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp; trong đó, tập trung phát triển khai thác và nuôi trồng thủy hải sản; triển khai tốt các chương trình, dự án hỗ trợ ngư dân bám biển... Tổ hội nghề nghiệp cũng thường xuyên được cán bộ Đồn Biên phòng Quất Lâm tuyên truyền, phổ biến về Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, các hiệp định, hiệp nghị về biên giới vùng biển… Nhờ đó cùng với hoạt động đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường biển, các thành viên trong tổ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia công tác cứu hộ cứu nạn và tham gia bảo vệ chủ quyền các vùng biển, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên biển. Quá trình ra khơi bám biển làm ăn, khi phát hiện có tàu lạ, tàu nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp vùng biển của Việt Nam và những vấn đề có liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo… hay có tai nạn xảy ra, các thành viên kịp thời thông báo tình hình về cho đồn, trạm biên phòng và các cơ quan chức năng, giúp giải quyết kịp thời có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biển.
Với việc thành lập và duy trì hoạt động của tổ hội nghề nghiệp khai thác hải sản kết hợp với đảm bảo an ninh trật tự trên biển ở xã Giao Long đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực góp phần giữ gìn sự bình yên tuyến biển./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn