Hội Phụ nữ xã Xuân Vinh hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

08:04, 09/04/2019

Đến thăm mô hình nuôi trồng thủy sản tại bãi đê sông Sò của gia đình chị Ngô Thị Oanh, hội viên phụ nữ chi hội 19, xã Xuân Vinh (Xuân Trường), chúng tôi được chứng kiến cơ ngơi bề thế với 6ha ao đầm, từng ao nuôi được đầu tư xây dựng hiện đại với hệ thống quạt tạo khí oxi, máy cho ăn tự động. Từ diện tích 10 ao nuôi cá, mỗi năm gia đình chị có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Năm 2003, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi diện tích đất gần chân đê trồng lúa kém hiệu quả sang làm đầm nuôi tôm, gia đình chị đầu tư tất cả vốn liếng dành dụm và vay thêm ngân hàng, đấu thầu 5ha ruộng chuyển đổi mô hình sang nuôi tôm sú nhưng lại gặp khó khăn, rủi ro, thua lỗ. Không nản lòng, chị tiếp tục đi học tập mô hình “nuôi thả cá quảng canh cải tiến”, về áp dụng nuôi thả các loại cá truyền thống. Từ năm 2010 đến năm 2014, được vay thêm vốn từ Quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, chị bắt đầu áp dụng nuôi cá theo hướng “công nghiệp cải tiến”, vừa cho cá ăn thức ăn công nghiệp vừa cho ăn thức ăn tự nhiên. Nhờ tích cực tìm hiểu, học hỏi qua các tài liệu sách báo và tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi cá cùng với lòng kiên trì, khát vọng làm giàu chính đáng, sản lượng nuôi của gia đình chị đã tăng dần, từ 2-3 tấn/ha/năm tăng lên 3-4 tấn/ha/năm. Chị Oanh còn tranh thủ phần diện tích đất trên bờ xây chuồng trại tập trung chủ yếu vào nuôi lợn Mán, gà chọi và gà Đông Tảo đặc sản, cung cấp cho các nhà hàng quanh khu vực, tăng thu nhập đáng kể cho gia đình. Đến năm 2015, sau khi được tham quan học tập mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp ở tỉnh Hải Dương, Thành phố Hải Phòng, gia đình chị tiếp tục cải tạo ao đầm; đầu tư đồng bộ thêm hệ thống điện 3 pha, quạt tạo khí oxi trải đều trên tất cả các ao nuôi; cải tạo hệ thống đường giao thông quanh các khu vực ao. Trong hai năm 2015 và 2016, sản lượng cá thu được tăng dần từ 3-4 tấn lên 7-10 tấn/ha, đến nay sản lượng đạt 15-20 tấn/ha. Chị cũng đã chọn lọc các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như trắm đen, lăng, vược, tăng mật độ thả nuôi trên 1 đơn vị diện tích và nuôi xen cùng tôm thẻ chân trắng trong ao để tận dụng các nguồn thức ăn, đồng thời với việc chăm sóc quản lý, xử lý môi trường đúng quy trình VietGap. Mô hình chăn nuôi của chị đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng và 10-15 lao động theo thời vụ, chủ yếu là lao động nữ.

Hội viên Hội Phụ nữ xã Xuân Vinh thu hoạch nghệ.
Hội viên Hội Phụ nữ xã Xuân Vinh thu hoạch nghệ.

Xuân Vinh là xã thuần nông, các ngành nghề phụ chậm phát triển. Sau những ngày lao động mùa vụ, phụ nữ thường xuyên phải đi làm ăn xa tại các thành phố lớn. Vấn đề lao động việc làm từ lâu là điều trăn trở của địa phương và là nỗi lo của nhiều gia đình. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và các cấp Hội Phụ nữ đã thực hiện nhiều chương trình dự án dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn nói chung, phụ nữ nói riêng; phối hợp với một số công ty trên địa bàn tỉnh tư vấn giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Nhiều người dân cũng năng động, chịu khó tìm tòi, đến các tỉnh bạn để học tập cách làm kinh tế hay về áp dụng phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, bài toán về lao động việc làm tại địa phương vẫn nan giải. Từ năm 2010, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho người dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình được triển khai trên địa bàn xã. Nhiều hội viên phụ nữ đã mạnh dạn vay vốn để kinh doanh, chăn nuôi sản xuất, phát triển kinh tế gia đình bền vững, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn đổi mới về mọi mặt. Các phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình" được đẩy mạnh. Hội viên phụ nữ còn tích cực tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ hỗ trợ phụ nữ khó khăn, tặng quà hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, để giúp cho phụ nữ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, Hội Phụ nữ xã tổ chức khảo sát và phân loại phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ vay các nguồn vốn do Hội quản lý. Chỉ đạo các tổ vay vốn quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tập trung đôn đốc nợ đến hạn, quá hạn, điều hành và sử dụng các nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Đến nay, tổng nguồn vốn do Hội quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 3,2 tỷ đồng cho 135 hộ vay. Tiết kiệm tại chi hội trên 1,7 tỷ đồng cho 147 thành viên vay. Bên cạnh việc giúp chị em vay vốn phát triển sản xuất, Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, giúp chị em phụ nữ nghèo có kiến thức phát triển sản xuất thoát nghèo bền vững như lớp tập huấn về nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi cá nước ngọt... Để tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ và con em địa phương trong độ tuổi lao động chưa có việc làm, Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với Công ty Smart Shirts đóng cạnh địa bàn xã tổ chức hội nghị tư vấn tuyển dụng việc làm; phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực Việt Phát (Thành phố Nam Định) tư vấn tuyển dụng xuất khẩu lao động góp phần cùng địa phương tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho phụ nữ. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã còn xây dựng kế hoạch giám sát một số chính sách an sinh xã hội có liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em như chính sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật... Các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình của phụ nữ xã Xuân Vinh đã góp phần tích cực nâng cao đời sống hội viên, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về mô hình chăn nuôi sản xuất giỏi để chị em học tập, áp dụng; đồng thời ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi để nhiều chị em được vay vốn đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com