Hải Giang nâng cao thu nhập cho nông dân

08:04, 12/04/2019

Hải Giang (Hải Hậu) là xã thuần nông. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của địa phương, chuyển mục tiêu sản xuất từ sản lượng sang chất lượng, đạt giá trị gia tăng cao và bền vững, những năm qua, xã đã tập trung, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Xã đã chỉ đạo các hợp tác xã, các tổ chức chính trị - xã hội vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang thâm canh, hình thành những vùng sản xuất tập trung gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Tập trung làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân gắn với thực hiện có hiệu quả các mô hình thí điểm. Nhờ vậy hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương có bước phát triển mạnh; cơ cấu cây trồng và mùa vụ chuyển dịch nhanh.

Mô hình trồng đinh lăng kết hợp cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Đông, xóm Mỹ Thọ 2, xã Hải Giang (Hải Hậu).
Mô hình trồng đinh lăng kết hợp cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Đông, xóm Mỹ Thọ 2, xã Hải Giang (Hải Hậu).

Trong tổng diện tích hơn 307ha đất trồng lúa, xã đã quy hoạch thành 3 vùng chuyên canh, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 70%. Bên cạnh đó, xã đã xây dựng 2 làng nghề gồm: làng nghề trồng cây dược liệu đinh lăng kết hợp trồng màu ở xóm Mỹ Thọ 1, 2 và làng nghề trồng hoa cây cảnh xóm Ninh Đông; tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại, nuôi thủy sản khu vực vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ ở các xóm Mỹ Tiến, Mỹ Thọ 2 và Mỹ Thuận. Tích cực hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa bình quân hàng năm của Hải Giang luôn đạt từ 130 tạ/ha trở lên. Nhiều hộ nông dân đã có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm nhờ luân canh gối vụ. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đông, xóm Mỹ Thọ 2 với diện tích trên 1,5ha, ông đã đầu tư trồng cây đinh lăng kết hợp xen cây ăn quả (chanh ta), mỗi năm doanh thu trên 200 triệu đồng. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã cũng khuyến khích các hộ gia đình đầu tư phát triển ngành nghề phụ nâng cao thu nhập như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Khương, xóm Mỹ Thuận với nghề làm chổi chít, mỗi ngày làm được trên 500 chiếc chổi, với giá bán từ 15 nghìn đến 20 nghìn đồng/chiếc, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về 120 triệu đồng. Ngoài 4 lao động chính của gia đình có việc làm ổn định, cơ sở sản xuất của gia đình anh còn tạo việc làm cho trên 20 lao động. Nghề mộc dân dụng và nghề may công nghiệp ở địa phương cũng phát triển mạnh khi có chương trình xây dựng nông thôn mới. UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu mở 2 lớp dạy nghề mộc cho 40 lao động địa phương. Đến nay, nghề mộc đã thu hút gần 100 lao động với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng. Nghề may công nghiệp với 5 xưởng may, thu hút gần 200 lao động tại chỗ và hơn 300 lao động đang làm việc tại các công ty với thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, với hơn 30ha diện tích vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ, xã đã tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển nuôi cá vược, trồng cói; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Với nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thu nhập bình quân đầu người của xã Hải Giang đạt 44,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 1,3%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,74%. Đến nay, xã đã có 11/11 xóm đạt xóm nông thôn mới bền vững và phát triển. Các xóm đều tích cực vận động nhân dân tham gia và tự giác dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang khuôn viên nhà ở gia đình, trồng cây bóng mát, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng; trồng hoa trên các tuyến đường, tạo cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Các công trình hạ tầng được đầu tư nâng cấp như: kè cứng hóa và mở rộng đường từ trường trung học cơ sở đến trạm y tế xã dài 328,5m; công trình cải tạo đường trục xã đoạn từ cầu Ninh Mỹ đến giáp xã Hải Ninh có tổng chiều dài gần 1,8km với tổng giá trị 5,8 tỷ đồng… Ở các xóm, nhân dân tích cực đóng góp nâng cấp nhà văn hóa xóm, làm mới đường giao thông nội đồng, xây dựng cổng chào, bổ sung và làm mới cột điện chiếu sáng với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Thời gian tới, để kinh tế tiếp tục tăng trưởng phát triển bền vững, xã tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch an toàn thực phẩm; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Rà soát, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây dược liệu… Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, trong đó phát huy vai trò của tập thể và đề cao trách nhiệm của cá nhân trong công tác lãnh đạo, quản lý. Với kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới đã và đang tạo tiền đề thuận lợi để Hải Giang tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu mà nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra; tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững./.

Bài và ảnh:Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com